Mới đây, phóng viên Dân trí nhận được phản ánh của chị N.T.T.M. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM), bức xúc trước việc cha nhiều lần vào bệnh viện tuyến tỉnh điều trị sỏi thận, nhưng lần nào cũng bị yêu cầu tự ra ngoài mua vật tư y tế và không được bảo hiểm chi trả.
Mổ sỏi thận nhưng phải tự đi mua… ga trải giường
Kể với phóng viên, chị M. cho biết, tháng 8 vừa qua, cha chị là ông N.V.N. (59 tuổi) được Trung tâm Y tế huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) chẩn đoán sỏi thận 2 bên, có giấy chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị. Ông N. có bảo hiểm y tế (BHYT) 100%, diện cựu chiến binh.
Tại khoa Ngoại thận – Tiết niệu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, ông N. được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da 2 lần, vì kích thước sỏi lớn.
Theo con gái bệnh nhân, trước ngày phẫu thuật, cô được đưa một danh sách rất nhiều vật tư y tế cần mua, như găng tay phẫu thuật, gạc vô khuẩn, bơm kim tiêm, băng keo, dây truyền dịch, ống hút phẫu thuật, bông gòn, ống sonde JJ niệu quản, ống nội khí quản, ga trải giường phẫu thuật…
“Chúng tôi phải mang danh sách ra nhà thuốc bên ngoài bệnh viện để mua theo yêu cầu bác sĩ. Nhà thuốc tư nhân bán hàng chục món nhưng không có hóa đơn, tính nhẩm bằng miệng, viết tay con số tổng ở góc trang.
Và mặc dù có rất nhiều cửa hàng trước cổng bệnh viện, nhưng chỉ có nhà thuốc tên K.C. có bán đủ loại vật tư y tế phẫu thuật”, chị M. chia sẻ.
Một tuần sau lần nhập viện đầu tiên, ông N. trở lại bệnh viện tái khám thì được thông báo sỏi thận chưa lấy ra hết hoàn toàn nên đã rớt xuống niệu đạo, phải mổ lần 3 với phương pháp tán sỏi thận bằng ống soi mềm. Giống như lần trước, chị M. lại được bác sĩ kê danh sách vật tư để tự ra ngoài mua.
Đến ngày 27/9, ông N. tiếp tục nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương để thực hiện mổ rút ống sonde JJ niệu quản.
“Cả 3 lần cha tôi nhập viện, gia đình đều phải mua ga trải giường và nhiều thứ khác theo yêu cầu.
Tổng cộng tiền dụng cụ phẫu thuật tự mua ở ngoài khoảng 12 triệu đồng, và toàn bộ không hề có hóa đơn, không nằm trong danh sách vật tư được kê khai để hưởng chế độ BHYT”, chị N. chia sẻ sự bức xúc và mong được làm rõ những vấn đề khó hiểu trong quá trình điều trị của cha.
Bác sĩ đã giải thích rõ, bệnh nhân tình nguyện tự mua?
Trả lời phóng viên Dân trí liên quan đến phản ánh trên, bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Dương xác nhận, có việc bệnh nhân N.V.N. phải tự ra ngoài mua vật tư y tế trong quá trình điều trị sỏi thận tại đây.
Bác sĩ Long lý giải, đến thời điểm hiện tại, công tác đấu thầu còn nhiều khó khăn. Nhiều gói thầu vật tư tiêu hao phải trình qua các cấp phê duyệt, các thông tư, nghị định về đấu thầu thay đổi… nên chưa có kết quả thầu. Do đó, người bệnh phải tự mua một số vật tư.
“Nếu bệnh nhân kiên quyết ở lại điều trị, các y bác sĩ sẽ giải thích, tư vấn với người bệnh và thân nhân, có bản cam kết khi phải mua các vật tư y tế. Trong trường hợp không đồng ý nhập viện, bệnh nhân sẽ được chuyển viện theo diện BHYT lên tuyến trên”, bác sĩ Long nói.
Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay đơn vị đã mua sắm được găng tay, gòn gạc. Các gói vật tư y tế khác đã bước vào giai đoạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự kiến khoảng 2-3 tháng tới sẽ đầy đủ vật tư tiêu hao.
Trước phản ánh của con gái bệnh nhân N. khi chỉ có thể mua đầy đủ vật tư y tế tại nhà thuốc K.C. và không có hóa đơn, bác sĩ Long cho biết, vì người bệnh có hỏi bác sĩ nơi cung ứng gần nhất và chắc chắn có, nên bác sĩ có hướng dẫn đến nhà thuốc trên.
“Nhà thuốc K.C. không thuộc quyền quản lý của bệnh viện. Việc nhà thuốc không có hóa đơn mua bán hàng, tính tiền bằng miệng bệnh nhân không phản ánh, nên bệnh viện không được biết”, bác sĩ Long nói thêm.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cũng cho biết, người bệnh có BHYT khi nằm viện sẽ được hưởng các chi phí điều trị đúng quy định.
Dù vậy, các vật tư y tế tự mua sẽ không có trong bảng kê viện phí. “Trước khi người bệnh cần mua các vật tư đã được nhân viên y tế giải thích rõ ràng và đồng ý tình nguyện tự mua để phục vụ điều trị”, đại diện bệnh viện khẳng định.
Tuy nhiên khi chia sẻ với phóng viên, chị M. cho rằng, cả mình và cha đều không được bác sĩ cho biết việc bệnh viện thiếu vật tư y tế khi bệnh nhân nhập viện. Họ cũng không rõ việc được hỗ trợ chuyển đi mà vẫn có thể hưởng BHYT, nếu không đồng ý ở lại.
Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế – xã hội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 1/11, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành.
Theo bà Lan, sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế. Bộ trưởng thừa nhận, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có phần nguyên nhân chủ quan từ hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập.
“Việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời hiệu quả, đặc biệt là có tâm lý e ngại, sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương”, bà Lan nói.
Để đảm bảo nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế.
Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là khoảng trên 22.000 thuốc. Trên 1.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực.
Bộ trưởng Y tế nhận định, tình trạng thiếu thuốc chỉ xảy ra cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.