Cú ngã ngựa của Quang Linh Vlogs và lời cảnh báo cho cả showbiz Việt


Ngày 4/4, dư luận xôn xao thông tin Phạm Quang Linh (thường được gọi là Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt về tội Lừa dối khách hàng theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự.

Sau khi hai “chiến thần livestream” bị khởi tố do sai phạm ở sản phẩm kẹo rau củ, mạng xã hội bùng nổ làn sóng chế nhạo, chỉ trích “Chị em rọt”. Việc Quang Linh và Hằng Du Mục phải chịu trách nhiệm hình sự được cho là đòn giáng vào ngành livestream bán hàng sản phẩm “gia công trong nước”.

Để nhìn nhận khách quan, Thạc sĩ, Nhà báo Thanh Huyền (hiện công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam VTV8) gửi đến độc giả báo Tiền Phong bài góc nhìn toàn cảnh vụ việc, kèm phân tích sâu về hệ lụy, bản chất vụ việc khiến Quang Linh trượt dài.

Lời cảnh tỉnh từ trường hợp Quang Linh Vlogs

Quang Linh từng là biểu tượng của sự tử tế, người đem hy vọng đến vùng đất khô cằn nhất ở Angola, phát gạo cho người dân bản địa, dạy họ trồng trọt, xây giếng nước cho người dân, xây trường học cho trẻ em.

Quang Linh chiếm được tình cảm của đông đảo khán giả sau những việc làm tốt đẹp. Nhưng khi anh bước vào thế giới kinh doanh và quảng cáo, tiêu chuẩn không chỉ ở “thiện chí” hay “tấm lòng”, mà còn là độ chính xác của thông tin và độ tin cậy về pháp lý.

Nghệ sĩ hay KOLs không thể viện lý do “không phải chuyên gia dinh dưỡng” hay “tin vào đối tác” để thoát trách nhiệm. Khán giả mua hàng dựa trên niềm tin vào người giới thiệu, lúc này niềm tin buộc nghệ sĩ phải có nghĩa vụ kiểm chứng, minh bạch và từ chối nếu sản phẩm không đảm bảo.

Càng có ảnh hưởng, trách nhiệm càng lớn. Và sai lầm – dù là do thiếu hiểu biết – vẫn có thể phải trả giá bằng cả sự nghiệp, như Quang Linh đã và đang trải qua.

Sau cú trượt dài của Quang Linh Vlogs, người làm “nghề ảnh hưởng” phải học cách kiểm tra, từ chối và lên tiếng đúng lúc, thay vì chạy theo “lượng chốt đơn”, hợp đồng bạc tỷ, dẫn đến niềm tin mơ hồ “tôi làm việc tốt nên tôi bán gì cũng tốt”.

Trong thời đại “mua cả thế giới chỉ bằng smartphone”, nghệ sĩ không được mơ hồ về trách nhiệm và đạo đức khi quảng bá sản phẩm. Chúng ta đang sống ở thời đại sức ảnh hưởng của một phát ngôn có thể dẫn dắt hành vi tiêu dùng hàng triệu người. Nghệ sĩ và người có sức ảnh hưởng buộc phải ý thức đầy đủ quyền lực mềm họ đang có, đi kèm là trách nhiệm pháp lý, đạo đức tương xứng.

Trách nhiệm ở đây không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu đúng công dụng, mà còn là chủ động kiểm định tính xác thực của thông tin, hiểu rõ thành phần, công dụng, rủi ro của sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hay thuốc hỗ trợ.

Nếu sơ suất, người bị ảnh hưởng trực tiếp không chỉ là người tiêu dùng. Đó còn là danh tiếng và sự nghiệp của nghệ sĩ, người đứng ra trực tiếp quảng bá.

Tiếc cho Quang Linh vì anh không vượt qua được bài kiểm tra tối thiểu của đạo đức nghề nghiệp, ý thức pháp lý. Việc phát ngôn “một viên kẹo tương đương một đĩa rau” trong bối cảnh livestream thương mại không còn là câu nói vô thưởng vô phạt. Đó còn là hành vi quảng cáo có chủ đích.

Khi cơ quan chức năng vào cuộc, Quang Linh, Hằng Du Mục bị khởi tố về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đó là cái kết của việc vi phạm Luật quảng cáo và quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bàn rộng hơn, nghệ sĩ không còn “đứng ngoài cuộc” khi sự cố xảy ra. Họ không chỉ chịu trách nhiệm về phát ngôn, mà còn có thể liên đới hình sự nếu tham gia vào quá trình sản xuất, quản trị hoặc quảng bá sản phẩm sai lệch một cách hệ thống.

Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả người làm nghề. Đừng nghĩ rằng “chỉ nói giúp” hay “livestream cho vui”. Trong thời đại khán giả tin vào nghệ sĩ hơn cả nhãn hàng, người phát ngôn đôi khi phải trả giá đắt hơn cả người sản xuất.

Chúng ta đang sống ở thời đại mà mỗi phát ngôn, phiên livestream có thể làm nên sự nghiệp, nhưng cũng có thể phá tan tất cả chỉ trong tích tắc. Bài học lớn nhất không còn là “cẩn trọng khi quảng cáo sản phẩm”, mà là trang bị nhận thức đầy đủ về trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong từng hợp đồng quảng bá.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *