Sự khẩn khoản và quyết tâm đồng thuận từ người nhà bệnh nhân càng khiến các bác sĩ có thêm động lực để cứu sống bằng được vị tiến sĩ, dù tỷ lệ thành công của các trường hợp này theo y văn là rất thấp.
Cứu sống bệnh nhân nguy cấp bằng ca phẫu thuật đầy can đảm
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng (68 tuổi, sống tại TPHCM) đột ngột ngã quỵ trong lúc giảng bài và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Ông được học trò đưa tới Bệnh viện FV cấp cứu.
Ngày hôm đó, đang chuẩn bị cho một ca mổ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh và Cột sống – Can thiệp nội mạch Thần kinh, Bệnh viện FV bất ngờ nhận được thông báo từ phòng cấp cứu về ca bệnh này. Hình ảnh chụp CT não cho thấy tình trạng rất nghiêm trọng: xuất huyết não thất và tiểu não, giãn thất não, không còn thấy hình ảnh thân não. Glasgow (thang đo ý thức của bệnh nhân bị tổn thương não cấp tính) ở mức 3 điểm, nghĩa là bệnh nhân đã mất ý thức hoàn toàn.
“Theo hướng dẫn chuyên môn, đây là trường hợp không có chỉ định phẫu thuật. Các bác sĩ cấp cứu, hồi sức cũng tiên lượng là không thể làm gì được.
Ngay lúc đó, tôi nhận được một cuộc điện thoại, với giọng vô cùng thiết tha: “Xin hỏi có phải bác sĩ Hùng không? Hiện người nhà em đang nằm phòng cấp cứu, nhờ bác xuống coi giùm. Tôi có chút băn khoăn: sao người nhà bệnh nhân lại biết số điện thoại của mình? Và trong đầu tôi bỗng lóe lên suy nghĩ, biết đâu có thể làm được gì đó cho bệnh nhân này. Tôi quyết định hoãn ca mổ theo chương trình đã lên lịch trước, chạy xuống phòng cấp cứu”, bác sĩ Hùng nhớ lại.
Trực tiếp khám cho ông Dũng, bác sĩ Hùng nhận thấy quả thực bệnh nhân đã không còn phản xạ gì nữa, đồng tử thu nhỏ và mọi chức năng sinh tồn hầu như đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, linh tính mách bảo anh rằng có thể làm gì đó cho bệnh nhân.
“Dù chỉ có 1-2% hy vọng, tôi cũng phải thử”, bác sĩ Hùng nhớ lại.
Bác sĩ Hùng đề xuất hai phương án điều trị: điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật, tùy gia đình chọn lựa.
“Khi bác sĩ đưa ra đề xuất và tùy gia đình chọn, tôi hiểu anh hàm ý rằng nếu chọn phương án can thiệp thì chồng tôi sẽ có cơ hội, mặc dù rất mỏng manh… Lúc đó, không biết do trực giác hay linh cảm, nhưng khi nhìn ánh mắt bác sĩ Hùng, tôi đã đặt trọn niềm tin vào con người này”, chị Thúy Hạnh – vợ của bệnh nhân nhớ lại giây phút chị quyết định ký vào hồ sơ đồng ý thực hiện ca mổ cho chồng.
Để giải phóng áp lực nội sọ và đưa máu tụ ra ngoài, giúp máu lưu thông lên não để nuôi dưỡng các tế bào, bác sĩ Hùng đã khoan một lỗ nhỏ trên đầu bệnh nhân để đặt ống dẫn lưu. Ca phẫu thuật vỏn vẹn 5 phút đã khiến tình hình thay đổi ngoạn mục, hình ảnh chụp CT cho thấy tình trạng bệnh nhân chuyển biến rõ rệt, mở ra hy vọng điều trị tiếp theo.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang – Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh Viện FV cũng bày tỏ lo lắng khi tiến hành mổ cho bệnh nhân hôn mê sâu như thế. “Điều sợ nhất lúc đó là bệnh nhân tử vong trên bàn mổ, hoặc sau khi mổ xong tình trạng phù não tăng lên. May mắn sau khi máu tụ được lấy ra, bệnh nhân được cứu sống. Đó là thành công bước đầu, dù vẫn còn chặng đường dài sau đó”, bác sĩ Giang nhận xét sau ca mổ.
Trao trọn niềm tin cho đội ngũ y bác sĩ
Suốt hơn 1 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân trải qua những đợt nhiễm trùng viêm phổi, dẫn lưu ngoài gây viêm màng não, phải đặt nội khí quản và thở máy liên tục… Khi tình trạng bệnh ổn định, các bác sĩ tiếp tục thực hiện ca mổ thứ hai để loại bỏ máu tụ trong não thất.
“Sau một thời gian, khi não bộ đã được làm sạch hoàn toàn, chúng tôi rút ống dẫn lưu ra. Lúc này, áp lực nội sọ đã gần như bình thường”, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức sau phẫu thuật (HDU). Nhờ sự tận tâm điều trị và chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt là các điều dưỡng, tiến sĩ Dũng từng bước vượt qua nguy kịch và dần hồi phục.
Dù mỗi lần chồng trải qua cuộc mổ, chị Hạnh vô cùng bất an, song chị cũng mừng vì mình đã đặt trọn niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ.
“Đến ngày hôm nay tôi thầm cảm ơn rằng tại sao lúc đó trực giác lại cho mình một quyết định đúng. Bác sĩ Hùng không chỉ là một người bác sĩ tài ba mà còn là ân nhân tôi nhớ ơn suốt đời, đã cho người thân của tôi có cơ hội có thể sống cho tới ngày hôm nay và đang dần dần khỏe lại”, chị Hạnh cảm kích nói.
Nỗ lực hết sức để mang lại điều kỳ diệu trong ca mổ đặc biệt
Trải qua 2 cuộc phẫu thuật, bệnh nhân bắt đầu lấy lại được một số chức năng như mở mắt tự nhiên, có phản xạ đau, cảm nhận được mọi người xung quanh, hiểu và làm theo được các khẩu lệnh như mở miệng, lè lưỡi… “Khi kể một câu chuyện vui, lúc đó chồng tôi đang nhắm mắt hờ, tôi thấy anh cười mỉm nhè nhẹ. Quan sát được những điều nho nhỏ đó tôi vui lắm”, chị Hạnh chia sẻ.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực. “Mọi chỉ định của chúng tôi đều được tổng hợp từ nhiều bằng chứng y khoa, hướng dẫn điều trị và kinh nghiệm của ê-kíp, nhưng có thể nói đây là ca mổ có thêm sự đồng hành của niềm tin. Tuy nhiên, sau một tổn thương nặng như vậy, việc để lại di chứng là chắc chắn có. Và tới giờ này, tôi vẫn cho rằng đây là một sự kỳ diệu”, bác sĩ Hùng cho hay.
Sau 2 tháng điều trị, TS. Dương Ngọc Dũng được xuất viện. Bệnh viện FV tiếp tục đồng hành với bệnh nhân qua dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà. “Tôi mong muốn rằng ngày tuyệt vời nhất trong tương lai chính là ngày thầy sẽ ngồi trước mọi người và kể về những gì thầy đã trải qua, nỗ lực như thế nào, khó khăn ra sao, đã đạt được những điều gì”, chị Hạnh tâm sự đầy hy vọng.