Hành trình theo đuổi âm nhạc truyền tải nhiều cảm hứng
Thuở nhỏ, Elvis Phương vốn thích điện ảnh, xem rất nhiều phim từ đen trắng đến phim màu với đủ mọi thể loại, kể cả phim ca nhạc của Ấn Độ và phim cao bồi. Đặc biệt, khi xem O’Cangaceiro, ông nhận xét, bộ phim không quá đặc sắc song phần âm nhạc cực kỳ ấn tượng, đặc biệt là đoạn nhạc cuối với tiếng harmonica.
Sau hôm ấy, Elvis Phương xin mẹ tiền mua một chiếc harmonica loại bỏ túi rất nhỏ hiệu Piccolo và chăm chỉ tập thổi theo giai điệu bài hát cuối phim. Từ đó, ông dành niềm yêu thích cho ca hát, bắt đầu chặng đường theo đuổi âm nhạc.
Trải lòng trong Dòng đời, những ngày đầu đến với âm nhạc, Elvis Phương từng phải “đi xin một cây đàn guitar đã bể hết phần thùng đàn phía sau và chỉ còn lại duy nhất một dây, để bỏ hàng giờ đứng trước tấm gương trong phòng tắm mà vặn vẹo làm bộ điệu và hát những bài hát của tuổi thơ”. Song ông không buồn tủi mà khi gảy đàn hát vẫn “cảm nhận được sự sung sướng chạy rần rần trong mạch máu”.
Ban đầu, gia đình Elvis Phương không ủng hộ ông theo đuổi âm nhạc. Cha là người phản đối quyết liệt nhất vì muốn con nối nghiệp thầu khoán. Elvis Phương phải lén cha nghe nhạc và lẩm bẩm hát theo chiếc radio nhỏ bé chạy bằng pin. Một lần, Elvis Phương bị cha bắt quả tang khi đang nghe nhạc, sau đó đập vỡ chiếc radio. Elvis Phương tâm sự cảm thấy như bị “mất đi người bạn thân đầu đời và tận diệt niềm vui bé nhỏ”. Tuy nhiên, đây chỉ là sự kiện khởi đầu cho chuỗi ngày xung đột bất tận giữa Elvis Phương và cha ông sau này.
Năm 1962 là cột mốc quan trọng trong hành trình âm nhạc của nam ca sĩ. Sau khi Elvis Phương đậu Tú tài, cha quyết định gửi ông sang Pháp du học. Sau thời gian dài chịu đựng những lời mắng chửi của cha, những cái tát khiến ông “nẩy đom đóm mắt”, nỗi đau đớn khi “cây đàn thùng thân yêu của tôi bị đập nát bởi bàn tay không thương xót của ba tôi kèm với vẻ mặt đằng đằng sát khí”, Elvis Phương quyết định không đi theo con đường gia đình đã vạch sẵn, tuyên bố muốn ở lại Việt Nam để hát. Hậu quả, Elvis Phương bị cha từ mặt, sau đó rời nhà đi theo “tiếng gọi của âm nhạc”.
Tâm tình cảm động về tình yêu
Elvis Phương tự ví mình là Ngựa hoang nên phần lớn tiêu đề trong 12 chương sách đều được đặt theo chặng đời của một chú Ngựa hoang. Lời dẫn nhập trong sách được đặt tên là Ngựa hoang tâm sự, từ chương 4 đến chương 11 (ngoại trừ chương 10), tiêu đề luôn có cái tên này: Ngựa hoang dưới ánh đèn màu, Ngựa hoang và những con Phượng hoàng, Ngựa phi đường xa, Ngựa hoang những ngày phiêu bạt, Ngựa hoang trên đồng cỏ quê hương, Ngựa hoang cùng bạn hữu và đồng nghiệp, Ngựa hoang thập tử nhất sinh.
Ông tâm sự ở phần mở đầu: “Tôi đã ví mình như con ngựa hoang. Lẽ nào là tôi hoang đàng, bê bối, giang hồ lắm sao? Không! Hoàn toàn không!”
Nhưng tình yêu là một ngoại lệ khiến ông không đề cập tới cái tên này ở chương 10 Nước mắt một loài hoa & Vì thế anh yêu em. Chương 10 cũng có sự xuất hiện của Lệ Hoa – người vợ Elvis Phương yêu thương và nguyện dành trọn cả phần đời còn lại cho bà.
Ông viết: “Những giọt nước mắt đắng cay của một người phụ nữ yêu thương mình da diết đã khiến lòng tôi chua xót, nhưng tôi cũng không dám phủ nhận chính những giọt nước mắt đó đã tưới mát tâm hồn tôi, đã nuôi tôi sống để đôi lúc cảm thấy đời sống như đáng sống hơn. Tháng ngày trôi qua cùng bao sóng gió, giờ đây ngựa hoang thật sự, thật sự muốn dừng chân vì đã cảm nhận được ở người bạn đời hiện tại những điều mình khát khao bấy lâu. Đã đến lúc ngựa hoang đi đến quyết định cuối cùng cho cuộc đời mình”.
Đối với Elvis Phương, được vui sống mỗi ngày, được hát và thăng hoa với nghề hơn 60 năm là nhờ có vợ bên cạnh thấu hiểu và chăm lo. Chính tình cảm sâu nặng dành cho vợ đã khiến Elvis Phương có nguồn cảm hứng viết 7 ca khúc dành tặng bà, được đăng lời trong sách, lần lượt là: Lời hẹn ước, Yêu, Bài hát cho em, Still in love with you, Bẽ bàng, Chiều thu Paris, Gót hồng thôi hết phiêu du.
Những dòng chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời thăng trầm của người nghệ sĩ
Cuộc đời hay Dòng đời – cụm từ Elvis Phương chọn để đặt tên cho tác phẩm hồi ký, cũng chính là mạch nguồn mà ông cho rằng luôn trân trọng, biết ơn dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách. Bên cạnh 12 chương chính, sách còn có hai phần phụ lục là Những CD Elvis Phương, Elvis Phương – 62 năm ca hát, gồm những hình ảnh tư liệu trong 62 năm sự nghiệp của nam danh ca. Tiêu đề Dòng đời của cuốn hồi ký được lấy từ bài hát cùng tên mà Elvis Phương từng thể hiện. Đây là bài hát được nhạc sĩ Nam Lộc viết lời Việt dựa trên ca khúc My way nổi tiếng qua phần trình bày của Frank Sinatra.
Elvis Phương tên thật là Phạm Ngọc Phương, sinh năm 1945 tại Bình Dương, trong một gia đình trí thức Tây học khá giả. Cha mẹ ông là người huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng chuyển đến sinh sống tại Bình Dương từ thập niên 1940. Cha ông là kiến trúc sư và giáo sư dạy tiếng Pháp. Elvis Phương là con trai trưởng trong gia đình với 8 người em gái (trong đó có ca sĩ Kiều Nga) và một em trai. Từ lúc 5 tuổi, ông đã học mẫu giáo ở trường Pháp Aurore nên có sự tiếp xúc khá sớm với âm nhạc phương Tây.
Ông biểu diễn trước công chúng lần đầu vào năm 1962 tại trường dòng Regina Pacis. Bài hát đầu tiên Elvis Phương thể hiện là Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương. Ông tham gia nhiều ban nhạc như Rockin’ Stars, Les Vampires… và là một trong những người khuấy động phong trào nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn trong ban nhạc Phượng Hoàng. Sau này, ông trở thành một ca sĩ có thể hát nhiều thể loại như rock, pop, trữ tình…