Khi khán giả đã thương
Đào, Phở và Piano là trường hợp “bất chiến tự nhiên thành” mà chỉ có thể lý giải sức hút của nó bằng sức mạnh của mạng xã hội. Một bộ phim về đề tài chiến tranh do Nhà nước đầu tư, phát hành ở một cụm rạp nhỏ tại Hà Nội với số suất chiếu ít ỏi ngay đúng vào mùa phim ồn ào nhất của năm theo lẽ tự nhiên, như số phận của một bộ phim khác phát hành cùng thời điểm là Hồng Hà nữ sĩ thì Đào, Phở và Piano cũng sẽ lặng lẽ rời rạp với khoản doanh thu rất thấp so với kinh phí đầu tư. Thế nhưng từ một rồi sau đó vài clip review ngắn trên mạng, bộ phim nhanh chóng cộng hưởng với khán giả.
Trong khi cùng lúc đó, nhiều người khác đang trong vòng xoáy tranh cãi của Mai – bộ phim Tết hot nhất. “Một con sóng mới tạo ra” đầy bất ngờ và thú vị, cầu vượt cung, việc sở hữu một tấm vé xem Đào, Phở và Piano bỗng chốc như một xu hướng giải trí đỉnh nhất mà không ai có thể đứng ngoài cuộc chơi.
Từ đó, bộ phim trở thành chủ đề bàn tán không dứt, có yêu – có ghét, nhưng tựu trung phần đông ý kiến đều thương bộ phim. Chữ thương ở đây có thể hiểu ở cả hai khía cạnh: Một bộ phim nhỏ về đề tài chiến tranh đang cạnh tranh sức hút với bộ phim bom tấn về giải trí là Mai lúc này; và những cảm xúc hào hùng của câu chuyện mang lại khiến cho Đào, Phở và Piano trở nên lung linh hơn trong mắt người xem.
Đào, Phở và Piano theo quan điểm người viết, có thể chỉ đang dừng lại ở mức độ một phim truyền hình một tập, có mức đầu tư kinh phí tương đối lớn. Rất nhiều điểm yếu của bộ phim có thể chỉ ra ở phần thoại, bối cảnh, chi tiết và đặc biệt là tính cách của nhân vật cùng sự va chạm của các đường dây câu chuyện…