Hụt hơi, mệt mỏi, đi khám ra bệnh tim nguy hiểm
Bệnh nhân L.V.Minh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm. Ông đến Bệnh viện Hồng Ngọc khám sức khỏe định kỳ và tìm nguyên nhân gây mệt mỏi bất thường.
Kết quả thực hiện điện tâm đồ cho thấy ông bị nghẽn đường dẫn truyền điện nhĩ thất độ 3. Đo holter điện tim 24 giờ, nhịp tim của ông Minh rất chậm, tần số chậm nhất là 35 chu kỳ/phút, tần số trung bình 46 chu kỳ/phút (nhịp tim bình thường là khoảng 60 đến 100 chu kỳ/phút). Nhịp chậm chiếm chủ yếu trong thời gian đeo máy, chiếm 36% tổng thời gian, ngay cả khi gắng sức, nhịp tim của ông cũng không tăng lên.
Ông Minh không có triệu chứng rõ ràng của block nhĩ thất như choáng váng, chóng mặt, khó thở, đau thắt ngực…. mà chỉ thỉnh thoảng thấy mệt mỏi cả khi không hoạt động mạnh.
Block nhĩ thất độ 3 là tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn quá trình dẫn truyền xung điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất, đây là mức độ nặng nhất trong các loại block nhĩ thất. Khi tâm nhĩ và tâm thất co bóp không liên quan đến nhau thì khả năng bơm máu đến các cơ quan của tim không đủ, có thể dẫn đến tim ngừng đập tạm thời hoặc đột tử do tim ngừng đập kéo dài.
Chủ quan với sức khỏe, cùng lúc phải cấy máy tạo nhịp và đặt 2 stent mạch vành
Khi khai thác tiền sử bệnh, ngoài tăng huyết áp, đái tháo đường, ông Minh cho biết mình từng bị rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, các triệu chứng không rõ ràng và chưa ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nên ông không điều trị và thăm khám tim mạch thường xuyên.
Cùng với đó, ông có thói quen hút thuốc lá, tính chất công việc gặp nhiều stress, đây là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Sự chủ quan đã khiến ông phải đối diện với bệnh lý tim mạch nguy hiểm.
Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị block nhĩ thất độ 3, các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện Hồng Ngọc nhanh chóng hội chẩn và tiến hành đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân L.V.Minh.
Theo Ths.BS. Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Tim mạch – Tim mạch can thiệp Bệnh viện Hồng Ngọc, cũng là người chủ trì ca can thiệp đặt máy tạo nhịp cho ông Minh: “Với những trường hợp block nhĩ thất độ 3, là mức độ nặng nhất của bệnh, bệnh nhân cần được đặt máy tạo nhịp ngay. Máy có tác dụng hỗ trợ tạo nhịp, đảm bảo tần số tim bệnh nhân tối thiểu 60 chu kỳ/phút. Nếu trì hoãn, tim có thể ngừng đập kéo dài khiến bệnh nhân bị đột tử bất cứ lúc nào”.
Ngoài block nhĩ thất, các bác sĩ còn phát hiện thêm bệnh nhân Minh bị hẹp 3 mạch vành trong lần khám sức khỏe này. Ông bị hẹp nặng 90% động mạch liên thất trước, hẹp 70% động mạch mũ và hẹp 50% động mạch vành phải. Trong đó, cần can thiệp đặt stent động mạch liên thất trước để tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.
BS. Hải cho biết, với những trường hợp bị đồng thời block nhĩ thất độ 3 và hẹp mạch vành, việc can thiệp đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn khó khăn hơn nhiều. Trong quá trình cấy máy dễ gây rối loạn nhịp hơn, nguy cơ ngừng tim cao hơn những trường hợp khác.
“Vì vậy, ê-kíp đã cẩn thận, tỉ mỉ để can thiệp cho bệnh nhân. 5 ngày sau khi đặt thành công máy tạo nhịp, chúng tôi cũng đã tiến hành đặt 2 stent vào động mạch liên thất trước cho bệnh nhân. Kết quả chụp mạch vành DSA dưới sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch IVUS cho thấy stent đã áp sát thành mạch và dòng chảy lưu thông hoàn toàn. Sau can thiệp, bệnh nhân dần khỏe mạnh, không còn cảm thấy mệt mỏi như trước”, bác sĩ Hải cho hay.
Ths.BS. Nguyễn Văn Hải khuyến cáo, với những người có bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu như bệnh nhân Minh, cần khám tim mạch thường xuyên. Nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm như block nhĩ thất độ 3, tắc hẹp mạch vành có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ nên mọi người cần chủ động thăm khám để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.