Thạc sĩ – Bác sĩ Phạm Thị Quế, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, thời điểm giao mùa hiện nay, cần cẩn trọng với bệnh viêm màng não do virus ở trẻ em.
Mới đây, Trung tâm tiếp nhận 2 bệnh nhi ở Hà Nội, một bé 7 tuổi, một bé 10 tuổi, cùng xuất hiện triệu chứng đau đầu từng cơn, kèm theo nôn và sốt. Trẻ cũng có các dấu hiệu cổ cứng.
Cả 2 bệnh nhi khi nhập viện, kết quả chẩn đoán đều mắc viêm màng não virus Enterovirus. Sau hơn một tuần điều trị, cả 2 bệnh nhi đều ổn định, được ra viện và không có biến chứng.
Bác sĩ Quế cho biết, viêm màng não virus là tình trạng viêm màng não do căn nguyên virus gây nên, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch và trẻ em, nhất là trong thời điểm giao mùa.
Căn nguyên gây viêm màng não virus thường gặp nhất bao gồm: Enterovirus (nhóm Coxsackie hoặc Echovirus), Herpesvirus (HSV1 và 2, VZV, CMV, EBV, HHV6), nhóm Arbovirus (virus viêm não Nhật Bản, virus sốt xuất huyết,…).
Enterovirus là một họ virus đường ruột, gồm nhiều loại virus khác nhau và có thể gây bệnh thành dịch. Enterovirus chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nghĩa là người bệnh sẽ đào thải virus qua phân hoặc qua các dịch tiết của đường miệng từ đó lây nhiễm cho trẻ xung quanh. Ngoài gây ra tình trạng viêm màng não, Enterovirus còn gây ra bệnh lý tay – chân – miệng.
Các triệu chứng chính của viêm màng não do virus nói chung và Enterovirus nói riêng có thể xuất hiện đột ngột bao gồm:
– Sốt, ớn lạnh, đau đầu, cổ cứng, buồn nôn hoặc nôn, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng), chán ăn, mệt mỏi.
– Đôi khi có các triệu chứng của nhiễm virus (như sổ mũi, ho, đau nhức cơ thể hoặc phát ban, trước khi có triệu chứng của viêm màng não).
– Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng thường không đặc hiệu bao gồm: sốt, nôn, thóp phồng, bú kém, ngủ nhiều,…
Để chẩn đoán xác định, trẻ cần được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để xác định căn nguyên virus. Điều trị triệu chứng hiện đang là phương pháp chính trong quản lý bệnh viêm màng não do virus với các thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm viêm và dinh dưỡng nâng cao thể trạng,…
Đến nay, viêm màng não Enterovirus chưa có vaccine phòng bệnh. Vì thế, cần thường xuyên rửa tay xà phòng, khử khuẩn đồ chơi, các bề mặt tiếp xúc. Khi có dấu hiệu nghi ngờ cảnh báo viêm màng não virus, cần cho trẻ đến viện sớm để được chẩn đoán, điều trị.