Dấu hiệu lác mắt và “mắt mèo” cảnh báo ung thư mắt


10 trẻ, có tới 7 bé không giữ được mắt

Ngày 20/11, tại sự kiện ra mắt Đơn vị U bướu thuộc khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương, TS.BS Phạm Minh Châu, Phó trưởng khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, ung thư mắt ở trẻ em gặp khá phổ biến, đứng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư hay gặp ở trẻ.

Dấu hiệu lác mắt và mắt mèo cảnh báo ung thư mắt - 1

Bé trai 3 tuổi, con của chị Nguyệt cũng phải bỏ mắt trái vì mắc căn bệnh giống mẹ (Ảnh: Hồng Hải).

“Đây là căn bệnh do khối u bên trong nội nhãn, thường ở trẻ dưới 6 tuổi. Ở giai đoạn sớm, bệnh không biểu hiện đặc thù, nhưng khi xuất hiện dấu hiệu lác mắt (lòng đen không ở giữa), hoặc đốm trắng ở lòng đen, còn gọi ánh đồng tử trắng (dân gian còn gọi là mắt mèo), nguy cơ khối u đã to”, TS Châu cho biết.

Trong thực tế điều trị, 70% trẻ không thể giữ lại mắt, giữ thị lực do đến viện muộn, khối u phát triển lớn phá vỡ nhãn cầu. Chỉ khoảng 30% trẻ được phát hiện sớm, giữ được mắt.

“May mắn, với ung thư mắt, khi đã loại bỏ khối u, trẻ có cuộc sống hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh”, TS Châu nói.

Theo dõi dấu hiệu lác mắt, “mắt mèo” và tiền sử gia đình

Đeo đôi kính đen do hai mắt bị khoét bỏ từ khi nhỏ, chị Nguyệt (tên nhân vật đã thay đổi) ở Phú Xuyên, Hà Nội vỗ về cậu con trai 3 tuổi khi cậu bé khóc òa vì thấy bóng bác sĩ.

Cậu bé cũng mắc căn bệnh giống mẹ, bị khối u trong nội nhãn nhưng phát hiện muộn, nên bé chỉ giữ được một mắt, còn mắt trái bị khoét bỏ.

Theo TS Châu, bệnh ung thư mắt có yếu tố di truyền. Với những bệnh nhân bị ung thư mắt, có trẻ từ 1 tháng tuổi đã được phát hiện có khối u, điều trị ngay hoàn toàn giữ được thị lực cho trẻ.

Điều trị ung thư mắt phối hợp đa mô thức, phối hợp với Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm cố gắng giữ lại nhãn cầu, thị lực cho bệnh nhi.

Đặc biệt, điều trị khối u nội nhãn, hiện Bệnh viện Mắt Trung ương đã triển khai được kỹ thuật hiện tại nhất thế giới hiện nay, đó là tiêm hóa chất nội nhãn.

“Trong các nước Asean, hiện7 nước thực hiện được kỹ thuật này, Việt Nam thực hiện cùng thời điểm với Singapore.

Với phương pháp này, thay vì điều trị hóa chất toàn thân (khối u tiếp nhận ít hóa chất, hóa chất gây tác động tới toàn bộ cơ thể), hóa chất được bơm trực tiếp vào khối u, khiến khối u teo lại, bảo vệ thị lực trẻ. Hiện chúng tôi đã thực hiện hơn 100 ca thành công”, TS Châu thông tin.

“Điều trị hiệu quả, giờ chúng tôi chỉ mong mỏi các gia đình nhận thức được nguy cơ để đưa trẻ đến bệnh viện khám sớm. Những người có yếu tố di truyền, có thể phát hiện sớm từ khi mang thai bằng chọc ối, hay trước khi mang thai, thực hiện kỹ thuật IVF để loại trừ gen gây bệnh”, TS Châu chia sẻ thêm.

Theo đó, sau sinh, trẻ nên được khám mắt tại cơ sở y tế nếu có điều kiện. Khi có biểu hiện lác, đốm trắng ở lòng đen tuyệt đối không trì hoãn, cần cho trẻ đi khám ngay.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, ung thư mắt là chuyên ngành sâu của nhãn khoa liên quan đến chẩn đoán và điều trị tất cả các khối u tại bề mặt nhãn cầu, u nội nhãn hoặc các mô xung quanh nhãn cầu, bao gồm khối u của mi mắt, kết mạc, u nội nhãn ( u võng mạc, u hắc mạc…), u thị thần kinh và u hốc mắt.

Dấu hiệu lác mắt và mắt mèo cảnh báo ung thư mắt - 2

PGS.TS Nguyễn Tiến Hưng thăm các bệnh nhi đang điều trị tại viện (Ảnh: Hồng Hải).

Những khối u này có thể lành tính hoặc ác tính, nếu không được điều trị và theo dõi có thể gây giảm, mất thị lực hoặc phải cắt bỏ nhãn cầu, thậm chí có khả năng đe dọa tính mạng. Các khối u ác tính ở mắt có thể nguyên phát tại mắt hoặc di căn đến mắt từ một cơ quan khác trong cơ thể.

Thống kê trong 6 năm, từ 2018 đến 2022, hàng năm có khoảng hơn 1.000 lượt bệnh nhân bị ung thư mắt cũng như các khối u tại mắt đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Riêng trong năm 2019, bệnh viện Mắt trung ương điều trị cho 560 u lành và 279 u ác tính các loại (có kết quả giải phẫu bệnh).

Trung bình mỗi năm có khoảng 40-50 ca mắc mới, số lượng bệnh nhân tăng dần theo năm.

Dấu hiệu lác mắt và mắt mèo cảnh báo ung thư mắt - 3

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê thăm, tặng quà cho bệnh nhi điều trị tại Đơn vị U bướu, Khoa Mắt trẻ em (Ảnh: Hồng Hải).

Tỷ lệ sống của ung thư mắt hiện nay là 93%. Tuy nhiên, hiện nay đa số bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, 70% cần cắt bỏ nhãn cầu để bảo tồn tính mạng.

Bên cạnh đó, với những trường hợp có thể cân nhắc điều trị bảo tồn nhãn cầu thì do khối u cũng ở kích thước to, trang thiết bị chưa đồng bộ gây thời gian điều trị kéo dài, làm giảm hiệu quả điều trị nên có đến 70% bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bệnh thì thị lực kém.

“Việc thành lập đơn vị ung bướu mắt và u nguyên bào võng mạc là rất cần thiết, nhằm phát triển hơn các phương pháp điều trị bảo tồn nhãn cầu, bảo tồn thị lực tốt. Bên cạnh đó là công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm phát hiện sớm và quản lí tốt các bệnh nhân ung thư mắt”, PGS Hưng cho biết.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *