Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Công (SN 2008) về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Theo đó, Công cùng Nguyễn Tiến Thành (SN 2010) trong khoảng thời gian 2 năm (từ 2022-2024) đã nhiều lần dùng vũ lực, đe dọa, ép bé L. (SN 2010, đều là vận động viên cầu lông) phải quan hệ tình dục tại trung tâm huấn luyện thể dục, thể thao.
Hậu quả, nạn nhân sau khi nhiều lần bị xâm hại đã bị bất ổn về tinh thần.
Cách đây vài tháng, thông qua trình báo của người cha, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2, Công an phường Bến Nghé (quận 1) điều tra, phát hiện một bé gái tên U. bị mẹ ruột đưa đi bán dâm nhiều lần, khi bé mới 14 tuổi.
Sau đó, đối tượng mua dâm bé gái cùng người mẹ đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Sự việc cũng khiến nạn nhân bị tổn thương tinh thần nặng nề, thậm chí có ý định tự tử, hiện vẫn phải can thiệp tâm lý ở bệnh viện chuyên khoa Nhi.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong năm qua, phòng Công tác xã hội của đơn vị đã tiếp nhận và hỗ trợ đến 4 trường hợp nghi ngờ bạo hành, 2 trường hợp bị bạo hành và 1 trường hợp bị xâm hại tình dục.
Ngoài bé U., có trường hợp trẻ bị té từ lầu 1 xuống đất, té võng ở độ cao 30cm, hoặc có ca liên tiếp bị bầm da mắt, bầm vùng thái dương… Nhưng khi tiếp xúc với bác sĩ, gia đình lại chia sẻ nguyên nhân vòng vo, không rõ ràng.
Sau các vụ việc đau lòng, rúng động dư luận đã xảy ra, câu hỏi cần giải đáp là việc làm thế nào để nhận diện và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị bạo lực, xâm hại?
4 loại bạo hành, lạm dụng trẻ em
Theo ông Trần Hồ Trung Tín, phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM), bạo hành, lạm dụng trẻ em gồm 4 loại chính.
Thứ nhất, xâm hại về thể chất: là bị bạo hành có dấu hiệu tổn thương vật lý về cơ thể, không chỉ là những hành vi nguy hiểm tới tính mạng, các hành động có thể bao gồm làm trẻ bị bỏng, ngạt nước, có dấu hiệu đá, đánh, cắn trẻ, ném một đồ vật vào trẻ, trói cột trẻ.
Thứ hai, xâm hại về tình dục: là các hành vi tình dục mang tính chất xâm hại về mặt thể chất và tinh thần, gồm cho trẻ tiếp xúc với các văn hóa phẩm đồi trụy, xâm hại tình dục cơ thể.
Thứ ba, xâm hại về tinh thần: là các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, sinh lý tình cảm của trẻ, như la mắng, so sánh trẻ với các trẻ khác trong quá trình giáo dục, thiếu sót về cách dạy trẻ truyền đạt cảm xúc, tình cảm, dẫn đến tự ti, mặc cảm…
Thứ tư, bỏ mặc trẻ: là tình trạng trẻ em sống trong điều kiện, môi trường nguy hiểm trong thời gian dài, không có dấu hiệu được chăm sóc. Có thể kể ra như sự thiếu hụt về thức ăn, điều kiện thời tiết, điều kiện vệ sinh môi trường sinh sống, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ giáo dục.
Giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại
Phía Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng, để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình.
Kế đến, phải đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em; tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em; phát huy vai trò của công tác đoàn, đội, hội trong tư vấn, tham vấn học đường.
Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Bên cạnh đó, cần phối hợp thực hiện, giám sát việc thực hiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và các cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, bên cạnh xây dựng các cơ chế phối hợp về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục giữa các bên, cần tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, xây dựng mạng lưới hỗ trợ và cơ sở dữ liệu thống kê các vụ bạo hành, xâm hại.
Sau các vụ việc phải có đánh giá, rút kinh nghiệm và tăng cường công tác truyền thông.