Đi mổ sỏi thận phải tự mua ga trải giường: “Có bảo hiểm y tế để làm gì?”


Sau khi vụ việc ông N.V.N. (59 tuổi) có bảo hiểm y tế (BHYT) 100% nhưng 3 lần đi điều trị sỏi thận đều được bệnh viện tuyến tỉnh ở Bình Dương yêu cầu tự ra ngoài mua nhiều vật tư y tế và tự chi trả được báo Dân trí đăng tải, nhiều độc giả ở khắp cả nước cho biết, đã từng rơi vào trường hợp tương tự.

“Có bảo hiểm y tế để làm gì?”

Độc giả Phúc Vũ cho biết: “Ở tỉnh Nam Định cũng vậy, chúng tôi cũng phải mua từ bơm kim tiêm, băng gạc, chai nước muối truyền, trong khi gia đình có bảo hiểm 100%”. Trong khi đó, độc giả Nguyễn Văn Tuân chia sẻ, tại Hà Đông (Hà Nội), bố anh phải tự mua dao mổ cho bác sĩ khi đi điều trị.

Đi mổ sỏi thận phải tự mua ga trải giường: Có bảo hiểm y tế để làm gì? - 1

Ga trải giường chị M. phải ra ngoài bệnh viện mua cho cha (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Độc giả Nga Tran đề nghị cơ quan chức năng đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tìm hiểu, khi nửa đêm sản phụ được yêu cầu tự lo việc mua kim luồn, dây nối, ống thở dùng cho việc điều trị của con. Trong khi đó, trẻ nhỏ được hưởng BHYT 100%.

Còn độc giả Võ Công Tâm lại cho biết, cha anh đi khám gout và tiểu đường thì được bệnh viện ở tỉnh Vĩnh Long báo là hết dung môi xét nghiệm, buộc phải ra phòng khám tư nhân bên ngoài thực hiện.

Anh Trần Nam Văn lại cho rằng, hiện nay có tình trạng bác sĩ kê đơn vật tư y tế và thuốc bên ngoài thường nhắc khéo người nhà bệnh nhân đến cửa hàng nào, nếu sang nơi khác sẽ không mua được.

Độc giả này đặt câu hỏi: Có hay không việc ngầm bắt tay giữa nhà thuốc và bác sĩ, để được chia hoa hồng?

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, công tác tại một bệnh viện tuyến tỉnh chia sẻ, nhân viên y tế không ai muốn khi điều trị phải chờ bệnh nhân mua “cái nọ cái kia”, vì chưa chắc đúng loại. Nhìn bệnh nhân khó khăn rất thương cảm.

“Cái cần thay đổi bây giờ là cơ chế chính sách ở trên. Người điều trị không thay đổi được”, bác sĩ này nhận định.

Đi mổ sỏi thận phải tự mua ga trải giường: Có bảo hiểm y tế để làm gì? - 2

Nhiều độc giả khắp nơi cho biết từng được bệnh viện điều trị yêu cầu tự ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế (Ảnh minh họa: TM).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị M., con gái bệnh nhân N.V.N. khẳng định, rất nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương trị sỏi thận không biết việc bệnh viện thiếu vật tư trước đó.

Bản thân chị và gia đình cũng mong muốn cha được điều trị tại tuyến tỉnh để tránh cảnh quá tải ở tuyến trên.

“Tôi thắc mắc vì sao bệnh viện lại thiếu vật tư nhiều như vậy. Tôi cũng là người đi tư vấn mua BHYT và rất nhiều loại bảo hiểm khác cho khách hàng ở TPHCM. Nhà nước cũng tuyên truyền người dân nên đi mua BHYT để hưởng phúc lợi xã hội.

Nhưng khi đi nằm viện, cầm bảo hiểm mà phải tự bỏ tiền túi đi mua, vậy có BHYT để làm gì?”, chị M. chia sẻ.

Đi mổ sỏi thận phải tự mua ga trải giường: Có bảo hiểm y tế để làm gì? - 3

Nhà thuốc tư nhân nơi chị M. mua cho vật tư y tế cho cha (Ảnh: TM).

Chưa có hướng dẫn thanh toán vật tư y tế bệnh nhân tự mua?

Theo ghi nhận, tình trạng thiếu vật tư y tế vì khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không chỉ diễn ra ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương mà còn tồn tại ở một số bệnh viện tuyến tỉnh lân cận.

Thông tin với phóng viên Dân trí, bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, nơi này đang cố gắng vượt qua các khó khăn để đảm bảo các vật tư y tế cơ bản cho việc khám chữa bệnh của người dân.

Dù vậy, nơi này cũng thiếu một số vật tư y tế, như vật tư mổ phaco mắt, dụng cụ kết hợp xương.

“Những gói vật tư tiêu hao lớn chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Trong khi chờ đợi đấu thầu, bệnh viện phải mua sắm theo hình thức chỉ định thầu nhiều lần, để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, cấp cứu của người dân.

Không thể nào để bệnh nhân đi mua găng tay, oxy, chỉ… được. Bằng mọi giá, bệnh viện phải kiếm nguồn để mua”, bác sĩ Bình nói.

Đi mổ sỏi thận phải tự mua ga trải giường: Có bảo hiểm y tế để làm gì? - 4

Người nhà một bệnh nhân phải tự ra ngoài mua găng tay, băng keo lụa, dây truyền… vì bệnh viện tuyến tỉnh thiếu vật tư y tế (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương đang bàn bạc để nâng mức mua sắm chỉ định thầu lên 500 triệu đồng/lần. Bệnh viện rất mong muốn chính sách này sớm được phê duyệt để phục vụ điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai chia sẻ, có một số vật tư y tế quá chuyên biệt, BHYT không thanh toán hoặc trong trường hợp cấp bách ở từng ca phẫu thuật, bệnh nhân điều trị ở đây phải mua thêm ở ngoài. Tuy nhiên trường hợp này rất ít. Còn các vật tư y tế cơ bản vẫn có đủ.

“Nếu thiếu thốn nhiều và phải ra ngoài mua, bệnh nhân đã phản ánh ngay với bệnh viện”, bác sĩ Tuấn khẳng định.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM để tìm hiểu chính sách hưởng BHYT cho bệnh nhân thế nào, khi phải tự ra ngoài bệnh viện mua vật tư y tế.

Đi mổ sỏi thận phải tự mua ga trải giường: Có bảo hiểm y tế để làm gì? - 5

Người dân có BHYT đăng ký khám bệnh ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bà Hằng nhìn nhận, việc chậm thầu dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số nơi khiến quyền lợi cho người có thẻ BHYT không được đảm bảo. Nhưng hiện nay, thông tư của Bộ Y tế chưa có hướng dẫn thanh toán thuốc, vật tư y tế mà người bệnh tự mua trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, với bệnh nhân phải phẫu thuật, trừ sonde JJ phải thanh toán riêng, các vật tư như ga trải giường, bông băng gòn gạc, bơm kim tiêm, găng phẫu thuật, dao phẫu thuật, dây truyền dịch… đã được cấu thành trong giá tiền giường và giá thực hiện phẫu thuật, thủ thuật có BHYT chi trả.

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM, trong trường hợp bệnh nhân phải tự ra ngoài mua các vật tư nói trên, có thể yêu cầu bệnh viện điều trị trả lại tiền.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *