Đi triệt lông tại spa, người phụ nữ mắc bệnh “vùng kín”, lây cho cả chồng


Mắc bệnh sau một lần triệt lông tại spa

Chị N.T.H. (30 tuổi, Hà Nội) đã tìm đến một spa tại Hà Đông để thực hiện dịch vụ triệt lông vùng kín. Ngay sau khi thực hiện thủ thuật, chị H. chỉ cảm giác rát nhẹ, không có dấu hiệu bất thường nào khác.

Tuy nhiên, chỉ 6 ngày sau, chị H. bắt đầu nhận thấy vùng da trị liệu xuất hiện mẩn đỏ, ngứa rát, các đám mụn nước nhỏ li ti ở khu vực mu và bộ phận sinh dục.

Lo lắng, chị H. quay lại spa để hỏi nhân viên. Tuy nhiên, họ chỉ khuyên chị dùng kem dưỡng ẩm và trấn an rằng đây là phản ứng bình thường sau khi triệt lông. Tình trạng không những không thuyên giảm mà còn trở nên nghiêm trọng hơn khi các mụn nước bắt đầu vỡ ra, chảy dịch mủ, gây đau rát và khó chịu.

Đi triệt lông tại spa, người phụ nữ mắc bệnh vùng kín, lây cho cả chồng - 1

Sau khi triệt lông, người phụ nữ bị lây Herpes (Ảnh: Getty).

Nguy hiểm hơn, chỉ sau 2 ngày, chồng chị, anh P.T.K., cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự sau khi tiếp xúc với chị. Hai vợ chồng quyết định đi khám vì lo lắng về tình trạng lạ.

Theo ThS.BCKII Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam, qua thăm khám, vợ chồng chị H. được chẩn đoán mắc bệnh Herpes sinh dục. Đây là bệnh do virus Herpes Simplex (HSV) gây ra.

Virus này lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp da, niêm mạc với dịch chứa virus. Các sang chấn nhỏ trên da, niêm mạc tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào các tế bào biểu mô.

Sau nhiễm tiên phát, virus tồn lưu trong hạch thần kinh cảm giác ở trạng thái tiềm ẩn và khi tái hoạt sẽ gây ra những đợt bệnh tái phát.

Nguy cơ lây nhiễm từ các cơ sở không đảm bảo vệ sinh

BS Tiến Thành cho biết, việc lây nhiễm virus Herpes sau khi thực hiện các can thiệp thẩm mỹ (phun xăm, triệt lông, lăn kim…) không phải hiếm gặp, đặc biệt tại các spa không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiệt trùng dụng cụ.

“Virus Herpes có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc nếu dụng cụ thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh an toàn. Ngoài virus Herpes, người dân rất dễ gặp phải các bệnh lây truyền khác như: hạt cơm phẳng, viêm gan B, vi khuẩn, nấm da…”, BS Tiến Thành chia sẻ.

Virus có hai loại chính, type 1 thường gây nhiễm trùng ở miệng và môi, trong khi type 2 chủ yếu gây nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục, lây qua quan hệ tình dục, miệng sinh dục hoặc tiếp xúc gián tiếp qua dụng cụ thẩm mỹ.

Lời cảnh báo của bác sĩ

BS Tiến Thành khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi lựa chọn các dịch vụ thẩm mỹ, đặc biệt là tại các cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh. Những biện pháp phòng ngừa bao gồm:

Người dân nên tìm hiểu kỹ về cơ sở làm đẹp, đảm bảo rằng cơ sở có giấy phép hoạt động, nhân viên có chứng chỉ hành nghề và thực hiện quy trình vệ sinh tiệt trùng dụng cụ nghiêm ngặt.

Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi làm đẹp như ngứa, mẩn đỏ, hoặc nổi mụn nước, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu ngay để được tư vấn và điều trị.

Trong thời gian bệnh phát triển, người bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác để hạn chế lây nhiễm.

Một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh. Người dân nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất và tập thể dục đều đặn.

“Trường hợp của chị H. là một lời cảnh tỉnh cho những ai đang tìm kiếm các dịch vụ thẩm mỹ. Việc lựa chọn cơ sở làm đẹp không đảm bảo chất lượng không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Herpes, mà còn có thể gây ra nhiều hệ lụy khác. 

Người dân nên tỉnh táo trong việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ, đặt yếu tố an toàn sức khỏe lên hàng đầu. Đừng chỉ quan tâm đến giá rẻ mà bỏ qua các tiêu chuẩn vệ sinh và chất lượng dịch vụ”, BS Tiến Thành nhấn mạnh.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *