Điều dưỡng “cảm thấy tội lỗi” khi bệnh nhân bị ngã


Tại hội nghị “Khoa học sức khỏe trong kỷ nguyên số”, diễn ra ngày 12/12 ở TPHCM, một nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện TP Thủ Đức đã có bài báo cáo về kiến thức, thái độ, hành vi của điều dưỡng về phòng ngừa té ngã cho người bệnh các khoa nội trú của đơn vị.

Theo đó, mỗi năm Bệnh viện TP Thủ Đức xảy ra 4-5 vụ bệnh nhân té ngã, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người bệnh nội trú gặp biến cố té ngã thay đổi từ 1,7 đến 25 lượt trên 1.000 ngày nằm viện.

Tỷ lệ này cao nhất ở lão khoa, với đơn vị điều trị người bệnh tâm thần kinh. 30-50% các trường hợp ngã có thể phòng ngừa được khi cải thiện môi trường.

Điều dưỡng cảm thấy tội lỗi khi bệnh nhân bị ngã - 1

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện TP Thủ Đức (Ảnh: Hoàng Lê).

Té ngã trong quá trình nằm viện là một trong những sự cố y khoa phải báo cáo liên quan đến quá trình chăm sóc người bệnh, theo quy định của Bộ Y Tế. Hiểu biết của điều dưỡng về phòng ngừa té ngã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong bệnh viện.

Mặc dù phòng ngừa té ngã đã được đưa vào chương trình đào tạo điều dưỡng, nhưng một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, kiến thức tốt về phòng ngừa té ngã lẫn tỷ lệ hành vi tốt của đối tượng nhân viên y tế nêu trên còn thấp.

Nghiên cứu ở Bệnh viện TP Thủ Đức thực hiện trên 269 điều dưỡng làm việc ở các khoa nội trú, sử dụng phương pháp định lượng theo thang đo Likert (xác định ý kiến, hành vi và nhận thức theo mức độ) và bộ câu hỏi tham khảo.

Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là nữ giới (gần 82%), đa số trong độ tuổi 31-39 (hơn 56%). Hơn một nửa số điều dưỡng đã chăm sóc 1-5 bệnh nhân té ngã.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hơn 86% điều dưỡng được đánh giá có hành vi tốt trong việc phòng ngừa té ngã cho bệnh nhân, bao gồm việc tuân thủ các quy trình an toàn, chủ động đánh giá và quản lý nguy cơ té ngã, thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách nhất quán.

Điều dưỡng cảm thấy tội lỗi khi bệnh nhân bị ngã - 2

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện TP Thủ Đức (Ảnh: Hoàng Lê).

Hành vi tốt từ đa số nhân viên y tế góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ té ngã cho bệnh nhân, đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Dù vậy, nghiên cứu cũng ghi nhận chỉ có 19% điều dưỡng được đánh giá có kiến thức đầy đủ về phòng ngừa té ngã. Con số này cho thấy một lỗ hổng lớn về kiến thức trong đội ngũ điều dưỡng, đòi hỏi cần có những giải pháp cấp thiết để cải thiện.

Về thái độ, có hơn 63% điều dưỡng cảm thấy tội lỗi nếu một bệnh nhân đang chăm sóc bị ngã, nhưng hơn 55% trường hợp không nghĩ rằng chấn thương cơ thể liên quan đến ngã là nghiêm trọng.

Hầu hết các điều dưỡng thể hiện nhận thức cao và sẵn sàng tham gia vào hoạt động phòng ngừa té ngã, nhưng vẫn tồn tại nhận thức cho rằng té ngã là không thể tránh khỏi (hơn 47%), hoặc do tình trạng bệnh của bệnh nhân (hơn 77%).

Đối tượng điều dưỡng được đào tạo có thái độ tích cực cao gấp 2 lần và hành vi tốt cao gấp gần 3 lần so với nhóm chưa được đào tạo.

Nghiên cứu kết luận kiến thức, thái độ và hành vi của điều dưỡng về phòng ngừa té ngã tại Bệnh viện TP Thủ Đức hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, cần có những chương trình đào tạo bài bản, toàn diện và liên tục để cải thiện vấn đề trên.

Công nghệ hỗ trợ nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị

Hội nghị “Khoa học sức khỏe trong kỷ nguyên số” thu hút hơn 400 đại biểu tham gia, nhấn mạnh vai trò tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác khám chữa bệnh, nâng tầm bệnh viện, hướng tới y học chính xác, chăm sóc y tế toàn diện và cá thể hóa để người bệnh được an toàn và hài lòng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn, chất lượng phục vụ cũng phải ngày càng cải thiện.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết các tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và kết nối vạn vật (IoT) đang tạo ra những cơ hội mới để phát triển khoa học, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và điều trị. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi sự đổi mới tư duy, sự hợp tác liên ngành và ứng dụng khoa học vào thực tiễn.

Điều dưỡng cảm thấy tội lỗi khi bệnh nhân bị ngã - 3

Toàn cảnh hội nghị “Khoa học sức khỏe trong kỷ nguyên số” (Ảnh: Hoàng Lê).

Giáo sư Đặng Vạn Phước, Hiệu trưởng danh dự, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe (ĐHQG TPHCM) chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với ngành y tế, năm 2023, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và bước đầu đã và đang mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người dân, đặc biệt là các khía cạnh về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế và khả năng tự chăm sóc sức khỏe của người dân.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *