Gan của con người là một cơ quan tuyệt vời. Mỗi ngày, gan tạo ra mật, chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống, làm sạch độc tố khỏi máu, phân hủy chất béo, rượu và thuốc, kiểm soát lượng đường trong máu và mức độ hormone, dự trữ sắt và nhiều hơn nữa.
Tiếp xúc với độc tố
Theo Hopkins Medicine, gan có chức năng làm sạch độc tố khỏi máu, nhưng việc tiếp xúc quá nhiều với độc tố có thể gây hại. Vì thế, bạn hãy lưu ý đọc nhãn cảnh báo trên các hóa chất bạn sử dụng trong nhà và rửa sạch trái cây và rau quả trước khi ăn để đảm bảo bạn không tiêu hóa thuốc trừ sâu.
Một bước nữa là mua trái cây và rau xanh sạch. Các chuyên gia dinh dưỡng của Johns Hopkins khuyên bạn nên tìm hiểu về thuốc trừ sâu trong sản xuất thực phẩm.
Thực phẩm bổ sung có hại
Chỉ vì một loại thực phẩm bổ sung được dán nhãn là “tự nhiên” không có nghĩa là nó tốt cho bạn. Nhiều loại thảo mộc và thực phẩm bổ sung có thể dẫn đến tổn thương gan. Trên thực tế, 20% các trường hợp tổn thương gan ở Hoa Kỳ là do thảo mộc gây ra.
Dùng nhiều hơn một loại thuốc hoặc thảo mộc có tác dụng lên gan có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành, khoa Hồi sức – Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang, lấy ví dụ, một số người dùng một loại thảo mộc gọi là kava kava cho các triệu chứng mãn kinh hoặc để giúp họ thư giãn. Nhưng các nghiên cứu cho thấy nó có thể hạn chế hoạt động của gan và điều đó có thể dẫn đến viêm gan hay suy gan.
Một số quốc gia đã cấm hoặc hạn chế loại thảo mộc này. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào để đảm bảo rằng chúng an toàn với cơ thể.
Quá nhiều rượu
Đây là tác nhân phá hủy gan nhiều nhất. Gan nhiễm mỡ do rượu, gây viêm gan, cuối cùng là sẹo (xơ gan) và thậm chí là ung thư gan, là một quá trình bắt đầu chỉ với bốn ly rượu mỗi ngày đối với nam giới và hai ly đối với phụ nữ. Đến khi bạn xuất hiện các triệu chứng, gan của bạn có thể bị tổn thương không thể phục hồi.
Một lá gan khỏe mạnh, công suất tối đa chỉ có thể xử lý được khoảng 2 đơn vị cồn một ngày.
Theo các chuyên gia, lượng cồn đi vào cơ thể ở mức an toàn là một đơn vị/ngày. Trong đó một đơn vị = 25ml thức uống chứa cồn 40 độ, hoặc 50ml thức uống chứa cồn 20 độ.
Nếu vượt quá, tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde. Đây không chỉ là một chất độc hại đối với gan mà còn làm tổn thương đến cả hệ thần kinh, thị giác, tiêu hóa.
Tin tốt là những người ngừng uống rượu ở giai đoạn gan nhiễm mỡ có thể thấy tình trạng của họ tự đảo ngược.
Để biết việc uống rượu có làm tổn thương gan không, bạn có thể làm một xét nghiệm máu đơn giản.
Béo phì, tiểu đường hoặc cholesterol cao
Những tình trạng này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, cũng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Bệnh gan nhiễm mỡ khiến bệnh nhân cần ghép gan là lý do tăng nhanh nhất trên thế giới.
Cũng giống như bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, bệnh có thể được đảo ngược ở giai đoạn béo phì bằng cách cắt giảm carbohydrate đơn giản như bánh mì, đường và ăn nhiều trái cây, rau và protein hơn. Một mẹo khác là uống cà phê.
Theo BS Hoành, để kiểm soát được cân nặng tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của gan, bạn có thể sử dụng chế độ ăn kiêng được tư vấn bởi bác sĩ đồng thời thực hiện tập thể dục để nâng cao thể trạng.
Tiền sử bệnh gan
Cho dù bạn hoặc một thành viên trong gia đình từng mắc bệnh gan, bạn có thể dễ mắc các bệnh về gan hơn. Ví dụ, viêm gan B hoặc C và bệnh nhiễm sắc tố sắt là các yếu tố nguy cơ gây ung thư gan.
Nếu một người họ hàng gần từng mắc bệnh gan di truyền, chẳng hạn như bệnh nhiễm sắc tố sắt, bệnh Wilson hoặc thiếu hụt alpha-1-antitrypsin, thì bạn nên chú ý đến các triệu chứng. Nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình trực hệ đã từng mắc bệnh gan, bạn sẽ cần tránh uống rượu.
BS Hoành khuyên, để giữ cho lá gan khỏe mạnh, bạn hãy thực hiện một lối sống lành mạnh và theo dõi chặt chẽ các loại thuốc. Gan có thể phục hồi nhưng nó có giới hạn nhất định. Và một cuộc sống khỏe là có một lá gan hoạt động tốt.