Xăm hình bố mẹ kín lưng, bị bố mẹ… quay lưng
Anh B. (32 tuổi, quê Bình Thuận) từng đi xuất khẩu lao động ở châu Phi. Vì nhớ nhà và muốn tạo động lực làm việc, anh xăm chân dung bố mẹ kín lưng. Sau đó công việc không thuận lợi, anh lại nghe theo lời bạn bè, xăm thêm hình rồng vờn mây dọc cánh tay trái để “đổi vận”.
Nhưng chưa kịp gặp may mắn, anh đã bị cha mẹ chửi mắng, thậm chí suýt bị từ mặt khi phát hiện con trai duy nhất thành “thanh niên xăm trổ”. Cha mẹ anh buồn phiền vì con trước đó trắng trẻo, lành lặn, giờ lại vẽ mực xanh, mực đỏ. Bà con xung quanh xem anh như “dân giang hồ”, “người xã hội”.
Chưa dừng lại, anh B. cũng bị kỳ thị khi sinh hoạt, đi chợ, đi chơi, thậm chí đi đón con ở trường. Đến nỗi, con gái anh không muốn đi học vì bị các bạn tẩy chay. Anh cũng không thể xin việc trong nhà máy gần nhà, dù đúng chuyên môn vì chủ đầu tư không nhận người xăm trổ.
Hối hận vì trót dại, chàng trai muốn đi xóa hình xăm. Một thẩm mỹ viện báo giá xóa lên đến 60 triệu đồng cho riêng vùng cánh tay, gấp 6 lần phí xăm con rồng trước đó, nhưng không đảm bảo sạch mực tuyệt đối. Chưa kể anh B. từng chịu đau xóa xăm một lần, bị chiếu tia laser gây bỏng rộp, viêm da.
Gần đây, anh tới bệnh viện ở TPHCM trình bày mong muốn được xóa xăm an toàn, ít đau. Qua thăm khám, các bác sĩ tư vấn cho anh liệu trình điều trị với công nghệ laser pico. Hiện, anh B. đã hoàn thành xong lần xóa đầu tiên với nửa hình xăm trên.
Tương tự, cuộc sống của Q.K. (17 tuổi, quê Đồng Nai) cũng chịu đủ sự bất tiện khi nửa năm trước đã lén đi xăm hình hổ trên lưng để bắt chước thần tượng.
Nhưng trải qua 6 tiếng chịu đau chảy nước mắt, K. nhận lại hình con hổ xấu xí, cùng với tình trạng nhiễm trùng da trải dài từ bả vai đến thắt lưng. Lúc này, thiếu niên buộc phải nhờ bố mẹ đưa đi điều trị.
Còn ông V. (63 tuổi, quê TPHCM) cũng cầu cứu bác sĩ, nhờ tìm cách xóa giúp hình quan tài và trái tim bị hai mũi tên xuyên qua, kèm tên của mối tình đầu trên bắp tay phải, vì thường xuyên bị vợ cằn nhằn, khiến gia đình bất hòa.
Xăm xong hối hận, rất phức tạp để xóa
Bác sĩ chuyên khoa 1 Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da cho biết, số ca xóa xăm tại nơi cô làm việc có xu hướng tăng dần, hiện đã lên đến 130-150 ca/tháng, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2/3 khách là nam giới.
Đa số người đi xóa hình xăm trong độ tuổi 15-35. Những hình hay được xóa nhất là hình có kích thước lớn, xấu, cũ, vỡ nét, phai màu; hình xăm đôi, tên hoặc chân dung người yêu cũ; hình xăm ghê rợn, kỳ quái, có ý nghĩa tiêu cực; hình ở vị trí khó che chắn…
“Nguyên nhân mọi người đi xóa nhiều nhất là do hối hận, lo lắng khi hình xăm ảnh hưởng tới công việc, học tập và các mối quan hệ, hoặc không còn phù hợp với hiện tại”, bác sĩ Vân nói.
Một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (quy mô 1.100 người lớn ở Mỹ có hình xăm tham gia) cho thấy, hơn 18% hối hận về một hoặc nhiều hình xăm của họ, và hơn 52% quan tâm đến việc xóa, che hoặc sửa lại hình xăm. Tuy nhiên, việc xóa xăm phức tạp hơn rất nhiều so với xăm hình.
Bác sĩ Lý Thiên Phúc, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da phân tích, muốn xóa hình xăm nhanh chỉ có thể phẫu thuật cắt bỏ vùng da này. Đây là can thiệp y tế lớn, bắt buộc phải đến cơ sở được cấp phép, có thể phải gây mê, gây tê. Phương pháp này cũng tiềm ẩn rủi ro nhiễm trùng, sẹo xấu sau phẫu thuật.
Hiện nay, xóa xăm bằng công nghệ laser pico được đánh giá an toàn cao, khi tác động chính xác đến sắc tố mục tiêu mà ít gây tổn thương mô xung quanh, ít làm tăng sắc tố sau viêm. Song phương pháp này cần nhiều tháng, nhiều năm và chi phí điều trị tương đối cao.
Bác sĩ cũng khẳng định, rất khó để hình xăm biến mất 100% hay trở về màu da bình thường. Khả năng đáp ứng điều trị nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào thành phần mực xăm, độ sâu của mực trong da, cơ địa của người bệnh.
Như trường hợp của anh K., dự kiến liệu trình xóa xăm bằng laser pico cần tối thiểu 10 lần.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có nhu cầu xóa xăm, người dân nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, để được khám trực tiếp, tư vấn liệu trình điều trị cụ thể, giảm biến chứng và đạt hiệu quả tốt nhất.