Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh thời gian qua, nhiều bệnh nhân khắp cả nước phản ánh với báo Dân trí việc phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế trong danh mục hưởng BHYT và phải tự chi trả, vì bệnh viện không thể cung ứng.
Tại TPHCM, dù tình tình cung ứng vật tư y tế không còn khó khăn như giai đoạn đầu sau dịch Covid-19, nhưng việc thiếu hụt một số thuốc và vật tư, do đứt gãy chuỗi cung ứng, không có công ty dự thầu, hoặc do nhu cầu tăng đột biến… vẫn xảy ra ở nhiều nơi, từ các cơ sở y tế quận huyện đến các bệnh viện tuyến cuối, gây khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã dành cho phóng viên Dân trí một cuộc trò chuyện xoay quanh thực trạng và giải pháp xử lý vấn đề trên.
Vận động mạnh thường quân hỗ trợ việc thiếu vật tư
– Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, gần đây, vật tư kim luồn tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết thầu của năm 2023. Dù bệnh viện khẩn trương đấu thầu bổ sung nhưng vì một số vấn đề phát sinh, vật tư mua mới chưa phù hợp để sử dụng điều trị. Xin ông chia sẻ tình hình thực tế trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế nói chung tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện nay và việc cung ứng kim luồn nói riêng.
Tính đến nay, việc thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc vật tư tiêu hao sử dụng cho năm 2023 của Bệnh viện Chợ Rẫy đã cơ bản đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên thực tế khi triển khai, tỷ lệ thành công của một lần đấu thầu ở mức khoảng 80%, nghĩa là vẫn còn một số mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu.
Mặc khác, sau khi trúng thầu, có một số mặt hàng bị gián đoạn cung cấp, hoặc hàng hóa không phù hợp với công tác điều trị, buộc phải phạt hợp đồng và dừng hợp đồng để thực hiện đấu thầu lại. Gần đây nhất là mặt hàng kim luồn.
Bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành đấu thầu lại để lựa chọn được hàng hóa phục vụ điều trị bệnh nhân. Trong thời gian chờ đấu thầu lại, bệnh viện đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ giúp để bệnh viện phục vụ cho bệnh nhân.
– Việc bệnh viện tìm kiếm mạnh thường quân hỗ trợ cho thấy sự cố gắng vượt qua khó khăn để phục vụ người bệnh, nhưng không phải phương cách lâu dài xử lý tình trạng thiếu thuốc. Trong thời gian tới, Bệnh viện Chợ Rẫy có những biện pháp nào giúp vấn đề cung ứng không bị đứt gãy, thưa ông?
Về giải pháp lâu dài, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 hiệu lực từ 1/1/2024 có những thay đổi giải quyết được các vấn đề khó khăn thuộc tình huống trên. Theo đó, Luật cho phép được chỉ định thầu trong tình huống cấp bách, nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở khám chữa bệnh.
Điều này quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 23 của Luật Đấu thầu:
“Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường”.
Dự thảo chi trả tiền thuốc bệnh nhân tự mua: “Rất khó”
– Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố dự thảo thông tư đề xuất cơ chế chi trả khi người có thẻ BHYT tự mua thuốc, vật tư. Theo ông, dự thảo này có cần bổ sung, chỉnh sửa nội dung nào để đạt được hiệu quả cao nhất, phù hợp nhất trong tình hình hiện tại?
Về dự thảo thông tư nêu trên, qua tìm hiểu, tôi nhận thấy cơ bản nếu có chỉ định của bác sĩ về thuốc, vật tư tiêu hao mà bệnh viện không đủ cung cấp cho người bệnh vì một tình huống khách quan, buộc bệnh nhân phải mua từ nhà thuốc của bệnh viện hoặc tại các đơn vị cung ứng, sẽ được cơ quan BHXH chi trả lại.
Tuy nhiên tại điểm b, khoản 1, Điều 3 của dự thảo thông tư quy định:
“Đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế tiêu hao đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Đã trúng thầu với bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với bảo hiểm y tế
Thuốc, vật tư y tế đã được sử dụng và thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh nơi đơn vị cung ứng trúng thầu;
Hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế còn hiệu lực”.
Để đáp ứng được các điều kiện này theo tôi rất khó. Vì thuốc, vật tư y tế tiêu hao tại các bệnh viện ở các hạng khác nhau sẽ có danh mục khác nhau, và một số chuyên khoa rất ít bệnh viện có. Như trên địa bàn TPHCM, khoa Bỏng chỉ có tại Bệnh viện Chợ Rẫy và một số ít nơi khác, nên nếu theo quy định này sẽ khó thực hiện.
– Có ý kiến cho rằng, việc quy định trả lại tiền cho bệnh nhân tham gia BHYT phải tự đi mua thuốc là chuyện cực chẳng đã, “mất bò mới lo làm chuồng”, và sẽ gây phiền hà cho nhiều người bệnh vì các vấn đề thủ tục phát sinh. Thay vào đó, cần có cách đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư ngay tại nơi điều trị. Là người đứng đầu bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, quan điểm của ông trong vấn đề này như thế nào?
Đây không phải câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”, mà việc chi trả này đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT. Bởi vì thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được lựa chọn đầy đủ như mong muốn qua công tác đấu thầu. Đồng thời, còn do ảnh hưởng của nhiều vấn đề khách quan, như: không có nhà thầu nào tham dự, hàng hóa bị đứt nguồn cung do ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, chiến tranh như thời gian qua…
Về phía Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi luôn cố gắng xây dựng kế hoạch đầy đủ để đảm bảo nhất có thể phục vụ cho bệnh nhân. Nhưng thực tế, Bệnh viện vẫn gặp phải một số vấn đề như trình bày ở trên.
Cũng như tôi đã nói ở trên, Luật Đấu thầu mới có hiệu lực từ 01/01/2024 cho phép được chỉ định thầu trong tình huống cấp bách nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở khám chữa bệnh.
Do đó, tôi đề nghị các Bộ, ngành Trung ương liên quan nhanh chóng ban hành Nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể nội dung này, để Luật đấu thầu được đi vào thực tiễn, đáp ứng cho công tác khám chữa bệnh hiện nay.
– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.
“Không phải bệnh nhân nào cũng có thể tự mua thuốc”
Chia sẻ quan điểm về dự thảo thông tư chi trả tiền tự mua thuốc cho bệnh nhân có thẻ BHYT của Bộ Y tế, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11 (TPHCM) cho biết, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có nêu: “Giá bán lẻ thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện có mức giá cao hơn mức giá mua vào”.
Do đó, dự thảo cần bổ sung nội dung BHXH sẽ thực hiện thanh toán cho người bệnh theo giá bán lẻ hay giá mua vào của bệnh viện.
Về 3 điều kiện cần đáp ứng của đơn vị cung ứng đã nêu ở trên, bác sĩ Dũng nhận định, các đơn vị cung ứng thuốc đa phần không bán lẻ mà chỉ cung cấp cho các cơ sở y tế. Vì vậy, cần phải có nguồn thông tin đầy đủ, dễ hiểu, dễ tìm, để người bệnh có thể tiếp cận và nắm rõ đơn vị đã trúng thầu, cửa hàng bán ở đâu, hợp đồng có còn hiệu lực hay không, nếu muốn tiếp cận với các đơn vị cung ứng.
Trong trường hợp người bệnh đề nghị thanh toán nhưng không được thanh toán, cần làm rõ trách nhiệm giải trình sẽ thuộc về đơn vị nào. Ngoài ra, cần quy định cụ thể đơn vị sẽ chịu trách nhiệm cung cấp hợp đồng thầu cung ứng thuốc để cơ quan BHXH thẩm định.
Giám đốc một bệnh viện tuyến quận, huyện khác ở TPHCM thẳng thắn nhận định, việc mua sắm thuốc, vật tư điều trị không phải chuyện của người dân – những người đã tham gia BHYT theo chủ trương của Nhà nước – mà là chức trách, nghĩa vụ của các nhà quản lý.
Trong khi đó, để trả tiền lại tiền thuốc cho bệnh nhân tự mua sẽ rất mất thời gian, chưa rõ ràng về phương thức thanh toán. Do vậy, gốc rễ của vấn đề là việc ngành y tế phải tìm cách đảm bảo cung ứng đủ ngay tại nơi điều trị.
“Việc tự ra ngoài mua sắm là chuyện giải quyết khó khăn cấp bách trước mắt. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có thể tự mua thuốc. Có bệnh nhân khỏe mạnh thì cũng có người hoàn cảnh đơn chiếc, nằm liệt một chỗ, có người tái khám phải đi nạng… không thể đá “trái bóng” khó khăn đó cho họ”, vị trên nói.