Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng
Thông tin được TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết tại lễ kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng chống bệnh lao diễn ra tại Hà Nội sáng 22/3.
Theo TS Lượng, ngày 24/3 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là ngày Thế giới Phòng chống lao để nhắc nhở mọi người về mối nguy hại của căn bệnh này đối với con người.
Vào ngày 24/3/1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, cho đến nay, đã 142 năm, bệnh lao vẫn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn cầu.
“Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao còn rất thấp. Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng”, TS Lượng nhấn mạnh.
Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Năm 2023, WHO ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm từng điều trị. So với miền Bắc và miền Trung, dịch tễ lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400 đến 500 ca lao trên 100.000 dân.
Theo TS Lượng, tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, tuy nhiên số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Năm 2023, nước ta phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể.
Như vậy, có gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo. Vì thế, Chương trình Chống lao Quốc gia cần đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, ưu tiên phát hiện bệnh lao bằng việc kết hợp nhiều biện pháp…
Bệnh viện Phổi Trung ương đã biên soạn và hoàn thành cuốn tài liệu Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế – Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tài liệu nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao và một số bệnh hô hấp trên toàn quốc.
Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thêm, số liệu thống kê cho thấy số bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
“Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là giảm nguy cơ tử vong cho hơn 13.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao”, Bộ trưởng Lan nói.
Theo Bộ trưởng, mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2034 là một mục tiêu rất tham vọng nhưng hết sức có ý nghĩa vì cứu sống hàng chục ngàn người dân Việt Nam mỗi năm.
“Từ hiện tại đến đích cuối cùng để chấm dứt bệnh lao còn rất xa và nhiều khó khăn thách thức. Chúng ta vẫn có thể đạt được nếu có quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn thể nhân dân”, Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.
Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho biết, bất chấp những tiến bộ đã đạt được, Việt Nam vẫn phải chịu gánh nặng bệnh lao rất cao. Việt Nam đang có một số thách thức rất lớn cần giải quyết để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 như khó khăn về kinh phí, phải chủ động tìm kiếm ca bệnh…
“Chúng tôi biết đây không phải là những nhiệm vụ dễ dàng nhưng chúng có thể thực hiện được. Và nếu đúng như vậy, chúng ta có thể mong đợi một ngày có thể nói: “Đúng, Việt Nam đã chấm dứt bệnh lao!””, đại diện WHO nói.