Những cuộc vui đánh đổi bằng cuộc đời
Sau bữa tiệc mừng tốt nghiệp cấp ba, Quang (tên nhân vật đã được thay đổi), cùng người bạn ngà ngà men say chở nhau về trên một chiếc xe máy.
Vì “ly rượu mừng”, cuộc vui bỗng chốc hóa thảm kịch khi chiếc xe gặp tai nạn, Quang bị chấn thương sọ não.
Thời điểm được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều người nghĩ rằng nam thanh niên này không qua khỏi vì chấn thương quá nặng.
Phải trải qua 3 ca đại phẫu để giải tỏa não, ghép xương, xử trí nhiễm trùng, bệnh nhân mới thoát khỏi cửa tử. Tuy nhiên, cũng như nhiều bệnh nhân chấn thương sọ não do tai nạn giao thông khác, cậu phải chung sống với di chứng nặng nề.
Mới hơn 30 tuổi, nhưng đến nay, nam thanh niên này đã hơn 10 năm “sống mòn” vì hậu quả để lại sau một cuộc vui.
Đi cùng với bệnh tật là gánh nặng khổng lồ về kinh tế khiến cả gia đình kiệt quệ.
“Một bệnh nhân chấn thương sọ não là “thảm họa” với cả gia đình. Riêng về chi phí điều trị của các bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật đã dao động 60-70 triệu đồng”, TS.BS Bùi Huy Mạnh, khoa Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.
Đáng nói, đây chỉ là chi phí bước đầu. Với bệnh nhân phải nằm hồi sức, thực hiện các can thiệp đặc biệt, viện phí sẽ còn đội lên đáng kể. Sau khi ra viện, bệnh nhân và gia đình phải đối mặt với chi phí điều trị các di chứng.
Như trường hợp của Quang, khoảng 2 năm lại phải lên bệnh viện phẫu thuật xử lý biến chứng một lần. Mỗi ca phẫu thuật như vậy có chi phí 30-40 triệu đồng. Đến nay, bệnh nhân đã mổ trên dưới 15 lần.
Bợm nhậu lạc trôi trong vòng xoáy bệnh tật – nợ nần
Bên cạnh những thương tích do tai nạn giao thông, rượu bia cũng có thể trực tiếp đưa người uống vào “vòng xoáy” bệnh tật – nợ nần.
BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều lần điều trị cho các trường hợp ngộ độc rượu cận kề cửa tử.
Theo BS Phúc, nặng nề nhất là các trường hợp ngộ độc methanol do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Trường hợp này, các y bác sĩ phải tiến hành khử methanol, nặng thì phải lọc máu, hồi sức và nhiều can thiệp khác.
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol có chi phí điều trị thường rất cao. Ngay cả khi có bảo hiểm y tế, một bệnh nhân ngộ độc methanol nằm hồi sức có thể phải tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng viện phí mỗi ngày.
Chỉ vì ham rẻ mua những chai rượu chỉ có giá vài chục nghìn đồng, nhiều bệnh nhân đã phải đánh đổi 100-200 triệu đồng viện phí vì ngộ độc methanol.
Thậm chí, có trường hợp phải đánh đổi bằng cả tính mạng hay di chứng mù mắt sau một cuộc vui.
Nhiều năm liền tình nguyện cứu nạn trên các nẻo đường Thủ đô, không biết bao nhiêu lần, anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel phải lắc đầu tiếc nuối trước những cuộc đời bị “đánh đổi” bằng cuộc vui.
“Khoảng 80% các ca tai nạn giao thông mà đội tiếp nhận có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia. Đáng tiếc hơn, hầu hết các trường hợp tai nạn giao thông do rượu bia là người trẻ 25-30 tuổi.
Người bị nhẹ thì xây xước, gãy tay, gãy chân. Trường hợp nặng thì chấn thương sọ não, nếu may mắn sống sót cũng sẽ mịt mờ tương lai vì những di chứng thần kinh”, anh Việt chia sẻ.
Đội trưởng FAS Angel vẫn còn nhớ như in hình ảnh người mẹ khóc ngất bên cạnh thi thể con trai đã tử nạn sau khi va chạm với ô tô.
Đó là vụ tai nạn thương tâm cuối tháng 9/2023 gần Công viên Thiên Đường Bảo Sơn (Hà Nội). Nam thanh niên sinh năm 1996 tự lái xe về nhà sau cuộc nhậu không may va vào xe tải đang đỗ ở bên lề đường (Đã bật đèn tín hiệu báo xe hỏng).
Sau khi tiếp cận, các thành viên của đội đã cố gắng hồi sức tim phổi cho nạn nhân. Tuy nhiên, vì vết thương quá nặng nam thanh niên đã không qua khỏi.
Người mẹ đến hiện trường, trông thấy xác con, bà ngã quỵ như không còn chút sức lực nào. Tiếng khóc xé lòng của người phụ nữ khiến khung cảnh trở nên tang thương gấp bội.
Sau 10 phút, dường như không chịu nổi cú sốc quá lớn, người mẹ ngất lịm phải cần đến sự trợ giúp của đội sơ cứu.
“Chỉ vì chén rượu, không chỉ có những con người kết thúc cuộc đời ở độ tuổi đẹp nhất, mà còn là những nỗi đau không thể đong đếm cho người ở lại”, anh Việt ngậm ngùi.
Cái giá đắt của “niềm vui rẻ”
Theo Bộ Y tế, giá bia rượu của Việt Nam được đánh giá là rẻ so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, giá bia vốn đã rẻ lại càng trở nên rẻ hơn trong các năm qua.
Thống kê từ Euro Monitor 2023 cho thấy, giá bia đã giảm từ 60.000 đồng/l vào năm 2008 xuống còn khoảng 40.000 đồng/l vào năm 2023.
Thống kê của WHO cũng phản ánh thực trạng này. Giá tương đối theo thu nhập (RIP) của rượu bia tại Việt Nam đang ngày càng giảm.
RIP thể hiện phần trăm GDP bình quân đầu người cần để mua 100l bia, một chỉ số cho thấy giá bia đang trở nên “rẻ” hơn đối với người tiêu dùng khi so với thu nhập bình quân.
Cụ thể, vào năm 2008, để mua 100l bia, trung bình một người Việt cần gần 18% tổng thu nhập của cả năm, con số này là khoảng 180% với rượu mạnh và khoảng 150% với rượu vang.
Tuy nhiên, đến năm 2023, một người Việt chỉ cần bỏ ra khoảng 6% thu nhập một năm để mua 100l bia, tương tự với rượu mạnh là khoảng 60% và với rượu vang là khoảng 40%.
Nhiều chuyên gia đánh giá, thói quen uống bia của người Việt một phần do bia ở Việt Nam quá rẻ và dễ mua. Hàng quán nào cũng có thể bán mà không có bất cứ quy định, tiêu chuẩn nào. Vì vậy, bất kỳ khi nào, thời điểm nào, số lượng ra sao, người dân có nhu cầu đều được đáp ứng.
Đằng sau “niềm vui rẻ” của nhiều người Việt luôn tiềm tàng một cái giá rất đắt về sức khỏe và kinh tế.
Trong kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua, theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận khoảng 150 ca cấp cứu. Mức này tương đương với kỳ nghỉ lễ năm 2022.
Tỷ lệ các ca cấp cứu do tai nạn giao thông chiếm khoảng 50%. Trong các ngày 31/8, 1/9, 2/9, khoa Cấp cứu tiếp nhận trên dưới 75 ca nhập viện do tai nạn giao thông.
Trong số đó, các trường hợp tai nạn giao thông có nồng độ cồn khoảng 15 ca mỗi ngày.
Tại Hội thảo sơ kết 3 năm thi hành quy định về kiểm soát nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, do Bộ Y tế tổ chức ngày 18/8/2023 nêu thông tin: “Trong 3 năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận 49.803 người bị tai nạn giao thông, trong đó 8.689 ca xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu (17,4%)”.
Số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật (DALY) là thước đo gánh nặng bệnh tật tổng thể, được biểu thị bằng số năm bị mất đi do sức khỏe kém, khuyết tật hoặc chết sớm.
Tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia luôn là vấn đề của toàn xã hội. Tại Việt Nam, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới 15-49 tuổi.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, rượu bia gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường và hành vi lối sống.
“Sử dụng rượu bia liên quan hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích (rối loạn sử dụng rượu bia, tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính, các bệnh tim mạch, ung thư, các thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông…)
Thống kê năm 2021, rượu bia là nguyên nhân gây ra 46.000 ca tử vong, chiếm hơn 6% tổng số ca tử vong ở Việt Nam”, bà Hương chỉ rõ.
Cũng theo chuyên gia này, rượu bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng: bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, phân hóa xã hội.
“Thiệt hại về kinh tế do sử dụng rượu bia chiếm 1,3-3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia.
Khoảng 40.000 ca tử vong/năm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; hơn 230 loại bệnh tật và thương tích do rượu bia gây ra; ít nhất 9 nhóm bệnh liên quan đến đồ uống có đường…, gây tốn kém chi phí y tế ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP”, bà Hương nhấn mạnh.
Để giảm gánh nặng bệnh tật do các sản phẩm này gây ra, các chuyên gia y tế khẳng định, thuế là biện pháp quan trọng nhất, tuy nhiên mức tăng thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng.