Gắp hàng chục viên sỏi từ ống mật cụ ông


Cụ ông 92 tuổi được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng nhiễm trùng đường mật tái phát nhiều lần, với đường mật giãn lớn do sự tích tụ của nhiều viên sỏi trong ống gan chung và ống mật chủ.

Cụ ông có tuổi cao, sức khỏe yếu và mắc nhiều bệnh lý nền, làm tăng nguy cơ biến chứng trong điều trị.

Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, dựa trên tình trạng sỏi phức tạp và các bệnh lý nền, các bác sĩ đã quyết định tư vấn và đồng thuận với bệnh nhân cùng gia đình về phương pháp tán sỏi mật qua da.

Gắp hàng chục viên sỏi từ ống mật cụ ông - 1

Các bác sĩ thực hiện tán sỏi qua da (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Đây là phương pháp ít xâm lấn, sử dụng siêu âm để tiếp cận đường mật, định vị bằng máy số hóa xóa nền và thực hiện tán sỏi mật bằng laser.

Trong quá trình can thiệp, bác sĩ rạch một vết nhỏ trên da, đặt một cổng tán, thiết bị laser được đưa vào đường mật qua cổng này xuống ống mật chủ, để tiếp cận và phá vỡ sỏi to thành các mảnh nhỏ bằng hệ thống laser, sau đó lấy ra ngoài.

Theo BS Lê Hoàng Đạt, khoa Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang can thiệp, với sỏi lớn trong ống mật chủ, việc loại bỏ qua nội soi ngược dòng (ERCP) gặp nhiều khó khăn.

Tán sỏi qua da bằng laser là giải pháp an toàn và hiệu quả, đặc biệt phù hợp với bệnh nhân cao tuổi, sức khỏe yếu và có nhiều bệnh lý nền. Phương pháp này giảm thiểu nguy cơ và thời gian hồi phục nhanh hơn, ít đau đớn và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Gắp hàng chục viên sỏi từ ống mật cụ ông - 2

Sỏi mật được gắp ra (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

“Đối với người cao tuổi, sức khỏe đã suy yếu, phẫu thuật mở không phải là lựa chọn ưu tiên vì có thể gây ra nhiều biến chứng. Phương pháp tán sỏi qua da cho phép tiếp cận các vị trí sỏi khó mà không cần phẫu thuật phức tạp, giảm thiểu tối đa rủi ro cho bệnh nhân”, BS Đạt chia sẻ.

BS Đạt khuyến cáo, bệnh lý sỏi mật là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, thừa cân, hoặc có tiền sử gia đình mắc sỏi mật nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Siêu âm và các xét nghiệm hình ảnh giúp phát hiện sớm sỏi mật và dấu hiệu tắc nghẽn đường mật, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.

“Người bệnh cần chú ý đến các triệu chứng như đau tức vùng hạ sườn phải, sốt, vàng da, buồn nôn hoặc đầy bụng. Vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng đường mật. Nếu gặp phải các triệu chứng này, nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời”, BS Đạt nhấn mạnh.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *