Trở về nhà vào 20h sau một ngày “ngập trong công việc”, nữ sinh viên ngành truyền thông của một học viện tại Hà Nội, chỉ kịp ăn vội bánh mì sau đó lại vùi đầu vào soạn thảo kế hoạch cho một dự án mới.
Mỗi ngày chỉ ăn 2 bữa, ngủ khoảng 5 tiếng, đó là lịch trình quen thuộc của Huyền, 20 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh viên một trường đại học tại Hà Nội từ khi đảm nhận vị trí trưởng ban của một câu lạc bộ chuyên về sự kiện.
Ngoài vị trí trưởng ban, Huyền còn là thành viên chủ chốt của 2 câu lạc bộ khác về kỹ năng mềm.
“Tôi thường xuyên phải lên kế hoạch tổ chức các sự kiện tại trường, đồng thời kiêm cả vị trí MC, chưa kể công việc tại các câu lạc bộ khác. Vì vậy, sau giờ học trên lớp là những cuộc “chạy xô” theo nhiệm vụ của câu lạc bộ chèn kín thời gian biểu”, Huyền chia sẻ.
Nhiều thời điểm, đặc biệt là sát các lễ kỷ niệm hay chương trình chào đón tân sinh viên, Huyền chỉ có đủ thời gian ngủ khoảng 5 tiếng mỗi ngày, việc ăn sáng trở thành thứ xa xỉ.
Nhà ở Hà Nội nhưng những bữa cơm hàng ngày của gia đình thường xuyên thiếu vắng nữ sinh này.
Sau khoảng thời gian dài vùi đầu vào công việc, Huyền xuất hiện tình trạng stress, mất ngủ triền miên, khó tập trung, hiệu quả công việc giảm sút, sức lực kiệt quệ và thường xuyên bị đau bụng không rõ nguyên do.
Tháng 9/2023, kết quả khám sức khỏe tâm thần xác định Huyền bị rối loạn lo âu.
Đỉnh điểm, cách đây vài tuần, Huyền phải nhập viện cấp cứu trong đêm vì cơn đau quặn bụng. Kết quả thăm khám xác định Huyền bị xuất huyết dạ dày. Đáng chú ý, các bác sĩ nhận định, stress vì công việc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Trở về nhà vào 20h, sau một ngày “ngập trong công việc”, Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh viên chuyên ngành truyền thông của một học viện tại Hà Nội, chỉ kịp ăn vội ổ bánh mì. Sau đó, cô lại vùi đầu vào soạn thảo kế hoạch truyền thông cho một dự án mới.
Ngọc cho biết, cũng như nhiều bạn học khác, khi vừa vào năm nhất cô đăng ký tham gia vào hàng loạt các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa để “trải nghiệm”.
Thế nhưng, đến học kỳ hai, cô gái trẻ bắt đầu “ngấm đòn” vì quyết định này khi bị quá tải trong hàng loạt các đầu việc.
“Có thời điểm tôi tham gia đồng thời 2 câu lạc bộ tại trường, thực tập sinh tại ban truyền thông của phòng Đào tạo, dạy thêm cho 3 lớp, đó là chưa kể việc học chính khóa của tôi cũng tương đối nặng”, Ngọc chia sẻ.
Ngọc dùng từ “ám ảnh” để mô tả giai đoạn vừa ôn thi cuối kỳ vừa “chạy deadline” ở các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa mà mình tham gia.
“Giai đoạn cao điểm kéo dài khoảng 2 tháng, tôi phải làm tiểu luận cho 6 môn học cộng thêm các công việc ngoại khóa, nên mỗi ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng. Nhiều ngày chỉ ăn đúng một bữa, đi tắm lúc nửa đêm.
Việc ngồi cắm mặt vào máy tính để làm bài và xử lý công việc từ 8h đến 0h xảy ra như cơm bữa, nhiều hôm còn ngủ quên luôn trên bàn”, Ngọc nói.
Nhiều lần quá tải công việc, Ngọc chỉ biết nhắn tin cho bạn thân “tao áp lực quá” và ngồi khóc một mình.
Sau một đợt “chạy deadline” dài ngày, có lần Ngọc đi ngủ lúc 21h và phải đến 17h hôm sau mới tỉnh dậy. Đó cũng là lần đầu tiên cô cảm thấy sợ và quyết định phải thay đổi để bảo vệ sức khỏe.
“Tôi đặt lên bàn cân các công việc mà mình đang tham gia và quyết định sẽ giảm đi 30%”, Ngọc khẳng định.
Tham gia hàng loạt các hoạt động ngoại khóa để rồi “ngập lụt” trong công việc là câu chuyện chung của nhiều Gen Z. Đáng nói, nhiều bạn trẻ ý thức được rằng sức khỏe của mình bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nhận định đó là sự đánh đổi cho tương lai.
Như trường hợp của Huyền, trước khi phải nhập viện vì xuất huyết dạ dày nhiều tháng, cô biết rõ sức khỏe của mình đang xuống dốc vì quá tải.
“Cơ hội việc làm ngày càng khó. Do đó, từ khi bước vào cánh cửa đại học tôi đã đặt mục tiêu phát triển bản thân hết sức có thể. Vừa phát triển bản thân, vừa “làm đẹp” CV thì sau này tốt nghiệp mới có thể có được công việc tốt.
Thêm vào đó, tôi cảm nhận được kỳ vọng rất lớn của gia đình, nên lại càng phải cố gắng”, Huyền cho hay.
Nhiều lần cảm thấy kiệt sức hoặc những bất thường khác, Huyền thường tặc lưỡi “chỉ cần qua được 4 năm đại học thôi” và phớt lờ tín hiệu cầu cứu từ cơ thể.
Tương tự, là người tỉnh lẻ với giấc mơ lập nghiệp tại Hà Nội, áp lực phát triển bản thân với Ngọc lại càng nặng nề.
Cô cho biết mình vừa làm thêm, vừa tham gia nhiều câu lạc bộ như vậy xuất phát phần nhiều vì tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội và thua kém bạn bè.
Tôi cố gắng không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội phát triển bản thân nào. Thú thật có nhiều hoạt động, câu lạc bộ chính bản thân tôi khi đăng ký tham gia cũng chưa thể nhận thức rõ được giá trị mang lại, nhưng vẫn “nhắm mắt” điền tên, chỉ bởi vì sợ “hụt hơi” với bạn bè”, Ngọc bộc bạch.
Hương Chi, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội bày tỏ, nhiều Gen Z đang bị ngợp trước thành tích đến từ môi trường xung quanh, đặc biệt là mạng xã hội.
“Ai đó chỉ cần cập nhật một thành tích cá nhân thật xịn sò lên các phương tiện truyền thông đại chúng, dù chưa có tính xác thực nào ở đây, nhưng cũng đã khiến Gen Z thêm một mục tiêu để cố gắng trong hành trình hoàn thiện bản thân”, Chi chia sẻ.
Nhiều chuyên gia và thống kê chỉ rõ thực trạng, cuộc sống ngày càng hiện đại khiến cho giới trẻ luôn phải đối diện với nhiều áp lực hơn từ công việc, học tập cho đến những “deadline” đến từ cuộc sống bên ngoài.
Từ đó, những căn bệnh liên quan đến tinh thần như: trầm cảm, căng thẳng…, xuất hiện ngày càng nhiều và đang có xu hướng “trẻ hóa”.
ThS Nguyễn Minh Hà, Chuyên gia tâm lý nhận định: “Hiện tượng “nghiện việc” ở giới trẻ có thể đến từ tác động từ bên ngoài như môi trường, giao tiếp xung quanh (là lí do được đề cập phổ biến).
Tuy nhiên, một số trường hợp chịu sự tác động từ chính những yếu tố nội tâm xuất phát từ nhu cầu chứng minh bản thân của Gen Z hiện nay và quan điểm chịu ảnh hưởng, bồi đắp từ nhỏ bởi cha mẹ”.
Nhiều trường hợp tham gia khảo sát mà chuyên gia này thực hiện chia sẻ rằng, bản thân lao đầu vào “núi công việc” vì muốn được bạn bè và gia đình công nhận.
Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn tâm thần, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, có một thực trạng đặc biệt nhấn mạnh là số lượng học sinh, sinh viên đến thăm khám các vấn đề stress, trầm cảm ngày càng nhiều.
Một khảo sát do BS Tâm thực hiện cùng học viên đã phần nào cho thấy “con sóng ngầm” rất đáng báo động này.
Theo đó, khi tiến hành khảo sát tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh 10-19 tuổi, trong giai đoạn 2019-2020 đã cho thấy những con số đáng báo động:
– 55,6% số trẻ tham gia nghiên cứu có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn bè trong trường 8,9%).
– Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, đây cũng là độ tuổi ôn thi chuyển cấp.
“Đáng chú ý, stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Vì các bạn này nhận thức về áp lực nhiều hơn các bạn mải chơi, nhất là những áp lực vô hình như: sau này ra trường làm gì, áp lực làm hài lòng bố mẹ và đôi khi các bạn cũng cảm nhận được mong muốn của thầy cô, người khác và tự tạo áp lực cho mình phải hoàn thành nó”, BS Tâm chia sẻ.
Theo ThS Hà, căng thẳng là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước mọi áp lực và có thể cho chúng ta động lực cùng sự tập trung khi được kiểm soát và điều hòa tốt bởi yếu tố bên trong và môi trường xung quanh các bạn trẻ.
Tuy nhiên thực tế hiện nay áp lực của học sinh đa phần lại không được định hình theo hướng tích cực như vậy.
“Đa phần các bạn đều được giáo dục để nhận thức về giới hạn tâm lý bản thân cũng như tầm quan trọng của việc học so với những hoạt động khác.
Thực tế, không phải ai cũng hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề khi thời buổi cạnh tranh đang gián tiếp yêu cầu học sinh, sinh viên phải nỗ lực để thoát khỏi nguy cơ bị đào thải”, ThS Hà phân tích.
Theo UNICEF Việt Nam, so với sức khỏe về thể chất, các vấn đề sức khỏe tâm thần vì quá tải học tập và hoạt động ngoại khóa (chuyện học tập) đang là gánh nặng lớn nhất đối với trẻ vị thành niên.
Kết quả điều tra mới đây của UNICEF chỉ ra, nhiều trẻ em, vị thành niên, thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần do thiếu kỹ năng ứng phó và các dịch vụ hỗ trợ cần thiết.
Báo cáo điều tra cho thấy khoảng 20% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng chỉ 8,4% trẻ em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề cảm xúc và hành vi.
Đặc biệt, chỉ có 5,1 % cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Theo BS Tâm, cần sớm phát hiện các dấu hiệu của stress để ngăn chặn trước khi quá muộn.
Khi bị stress, trẻ sẽ có những biểu hiện về tâm lý và cả về cơ thể. Tuy nhiên, loại biểu hiện và mức độ biểu hiện lại khác nhau với từng cá nhân.
Trẻ bị stress thường có dấu hiệu lảng tránh, lo lắng, bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, khó giải quyết vấn đề, dễ cáu gắt. Nhiều trẻ khó tin tưởng người khác, sống cô lập với xã hội, khó khăn trong học tập, chậm phát triển…
“Có em có tâm lý u uất, buồn bã, chán nản, nhưng cũng có trường hợp stress dẫn đến các triệu chứng trên cơ thể như đau đầu, đau bụng”, BS Tâm cho hay.
Với trẻ bị stress, điều quan trọng là cần xác định gốc rễ vấn đề để loại bỏ hoặc tìm cách vượt qua, thích ứng với nó.
Gia đình, nhà trường cần quan tâm hơn tới con trẻ bằng cách chia sẻ, thấu hiểu, tâm sự. Phụ huynh không nên áp đặt tiêu chí quá cao hay có thái độ buông bỏ trước nỗ lực của trẻ.
Với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.
ThS Hà nhấn mạnh, sự quan tâm theo sát của gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng hình thành nên cách nhìn nhận và thái độ của trẻ sau này.
Nhưng ở thời đại ai cũng bận bịu, việc này nhìn chung gần như bị phớt lờ bởi phần lớn các bố mẹ hoặc là họ dùng cách truyền đạt chưa được phù hợp để tiếp cận con cái.
“Giáo dục từ trường lớp nên kèm theo sản phẩm hình ảnh như video, diễn kịch để các em có điều kiện tiếp cận với hoàn cảnh thực tế xã hội. Bên cạnh đó, sự lắng nghe thấu hiểu, động viên từ gia đình và thầy cô là yếu tố vô cùng quan trọng để giảm thiểu những áp lực”, ThS Hà nhấn mạnh.
20/01/2024 – 06:41