Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM và các cơ quan chức năng địa phương đã kiểm tra một căn nhà ở quận Phú Nhuận, phát hiện vợ chồng ông Hà Duy Thọ có sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh, bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc khi chưa có giấy phép hoạt động.
Ông Thọ (nổi tiếng với danh xưng “Giáo sư, bác sĩ Hà Duy Thọ”) sau đó thừa nhận không có bằng cấp chuyên môn bác sĩ, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Có dễ gây ung thư từ thói quen ăn uống?
Trước khi xảy ra sự việc trên, các phát ngôn về cách ăn uống, dinh dưỡng của “bác sĩ Hà Duy Thọ” đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trên hàng loạt diễn đàn Facebook, TikTok và giới y khoa. Nhất là những nhận định liên quan đến bệnh ung thư.
Có thể kể đến như việc ông Thọ khuyên người dân uống sản phẩm “nước ion kiềm” (độ pH cao) để kiềm hóa máu, điều trị các bệnh mãn tính, tim mạch và cả ung thư.
Người đàn ông trên cũng cho rằng, ăn gạo lứt muối mè theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa có thể khỏi ung thư, kể cả ung thư giai đoạn cuối.
Gần đây nhất khi chia sẻ kiến thức ăn uống, ông Hà Duy Thọ khẳng định nước mắm rót ra 4 tiếng không ăn hết sẽ sinh ra chất gây ung thư. Thông tin này khiến dư luận hoang mang, bởi nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt.
Câu hỏi được đặt ra là: Thói quen ăn uống như thế nào sẽ gây ung thư, và bệnh nhân ung thư cần dinh dưỡng thế nào mới đúng đắn?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, một số thực phẩm, sản phẩm được xem là có yếu tố sinh ung thư, nhưng không có nghĩa tiêu thụ nó chắc chắn sẽ bị ung thư.
Như thịt hay cá được ướp muối lâu sẽ sinh ra hợp chất nitrosamine gây bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa, nhưng không phải tất cả người ăn cá ướp muối chắc chắn bị ung thư.
Còn việc hút thuốc lá sẽ gây nguy cơ cao bị ung thư phổi, nhưng cũng không phải ai hút thuốc đều bị ung thư phổi, hay tất cả bệnh nhân ung thư phổi đều hút thuốc lá.
Bác sĩ Tường nhận định, khi tiếp xúc các yếu tố nguy cơ hay các chất sinh ung thư, tùy theo số lần tiếp xúc, cường độ tiếp xúc, có tiếp xúc cùng lúc nhiều yếu tố sinh ung thư không mà rủi ro xảy ra sẽ ít hay nhiều hơn.
Các chất sinh ung thư có thể là hóa chất (hydrocarbon thơm đa vòng, các amin thơm, nitrosamin, aflatoxin, arsenic, thuốc bảo vệ thực vật) hoặc bức xạ, sinh học.
Di truyền (gen) cũng là một yếu tố thuận lợi hay bất lợi để đột biến xảy ra, sau khi tiếp xúc với chất sinh ung thư. Nhưng không nhất thiết tổn thương ADN sẽ thành ung thư, mà cơ thể có thể tự sữa chữa nhờ hệ thống miễn dịch tốt.
“Câu hỏi vì sao bị ung thư rất khó để bác sĩ trả lời cho bệnh nhân, vì đến nay nguyên nhân gây ra ung thư không xác định được. Chúng tôi chỉ có thể nói các tác nhân sinh ung thư hay yếu tố nguy cơ của ung thư mà thôi”, bác sĩ chia sẻ.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Dinh dưỡng và chuyển hóa Châu Âu (ESPEN) cũng như Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, người bệnh ung thư cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhu cầu 30kcal/kg/ngày và đạm từ 1,2-1,5gram/kg/ngày (cao gần gấp đôi so với người bình thường).
Nhu cầu chất béo của bệnh nhân ung thư cũng nhiều hơn (đặc biệt là chất béo đến từ Omega 3), còn nhu cầu về vi chất tương đương với người bình thường.
Quá trình điều trị, nhu cầu có thể tăng hay giảm, tùy theo sự thay đổi chuyển hóa của từng cá thể, diễn tiến bệnh, khả năng trị khỏi, tuổi và tình trạng thể chất trước điều trị của bệnh nhân.
Bác sĩ Tường phân tích, suy dinh dưỡng rất dễ xảy ra khi bị bệnh ung thư, đặc biệt đối với ung thư đường tiêu hóa. Suy dinh dưỡng đem lại nhiều hậu quả cho bệnh nhân, như tăng tỷ lệ tử vong, biến chứng, chậm thời gian hồi phục, gián đoạn điều trị, tăng độc tính hóa xạ trị, suy giảm chất lượng sống.
Người bệnh ung thư không thể ăn đủ nhu cầu là chuyện xảy ra trên 100% bệnh nhân đến khám tại khoa Dinh dưỡng. Sữa công thức (ONS – Oral Nutrition Supplement) có thể giúp người bệnh thêm 400-600kcal/ ngày, 20-40g đạm (50% nhu cầu) chỉ qua 2 ly mỗi ngày.
Tuy nhiên, ONS cần có chỉ định như thuốc, không tùy tiện sử dụng nếu chế độ ăn bằng thực phẩm thông thường đã nạp đủ nhu cầu.
Về mặt loãng xương, khi các món ăn khó có thể cung cấp đủ canxi, sữa và các chế phẩm từ sữa sẽ được khuyến cáo sử dụng. Dù vậy, đủ canxi mới là điều kiện cần, chưa đủ để điều trị loãng xương.
Cũng theo bác sĩ Tường, với bệnh nhân ung thư hay những người có chế độ ăn phương Tây được xem là “không lành”, khi phân tích độ pH máu của họ cho thấy khuynh hướng thấp (hướng về axit). Ngược lại, những người ăn chế độ ăn lành mạnh hay ăn thực vật là chủ đạo thì pH có tính kiềm.
Từ đó, một số tác giả suy diễn nên “kiềm hóa” nước uống để góp phần làm kiềm hóa máu, tránh nguy cơ ung thư. Nhưng cơ thể luôn được cân bằng khi có gì đó vượt ngưỡng cho phép, nên có muốn kiềm hóa máu cũng không phải uống nước kiềm là được.
“Nếu muốn chứng minh một cách ăn hay một thức uống nào có tác dụng phòng ngừa ung thư, phải nghiên cứu trên một cỡ mẫu rất lớn, rất lâu và kiểm soát các yếu tố gây nhiễu mới có thể kết luận được.
Do vậy, không thể kết luận vội vã nước mắm gây ra ung thư khi dựa vào sự diễn giải đơn giản, và phải xem xét các chất phụ gia, bảo quản được bỏ vào nước mắm có an toàn cho sức khỏe không…”, bác sĩ Tường phân tích.
Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng chuẩn, ăn uống cân bằng, đủ chất, thiên về thực vật và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế nướng, chiên nhiệt độ cao, quá liều đường và muối, là những gì cần làm để phòng ngừa ung thư.
Ngoài ra, khi đã bị ung thư, bệnh nhân cần được bác sĩ hoặc nhân viên y tế chuyên khoa dinh dưỡng tiết chế hướng dẫn cụ thể trên từng trường hợp, mới có thể đạt hiệu quả tối ưu.