Khi chất gây nghiện hóa biểu tượng sành điệu, đẳng cấp
Trong quán nhậu, trên đường hay thậm chí là các quán nước cạnh trường học, hình ảnh các nhóm thanh niên tụm 5, tụm 3 phì phèo thuốc lá điện tử ngày càng trở nên phổ biến.
Việc cầm vape, pod (tên gọi khác của thuốc lá điện tử) phì phèo thậm chí còn trở thành một cái uy của giới trẻ, là cách để khẳng định sự sành điệu.
“Có học sinh còn mang cả thuốc lá điện tử trước ngực như vòng trang sức để sử dụng”, đó là chia sẻ của Đại úy Trần Văn Thắng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An, tại Chương trình truyền thông “Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới”.
Trên các trang web, Fanpage bán thuốc lá điện tử, không khó bắt gặp những lời lẽ “có cánh” để quảng cáo cho sản phẩm này, đánh đúng vào thị hiếu của giới trẻ.
“Đằm nhưng lại rất êm ái tựa như đưa anh em dạo chơi khu vườn trên mây với nốt bay bổng khó cưỡng”, một Fanpage bán thuốc lá điện tử quảng cáo cho một loại tinh dầu mới ra mắt.
Các cuộc điều tra xã hội học cho thấy, tỉ lệ hút thuốc lá truyền thống trong lứa tuổi 13-15 tại Việt Nam đang giảm dần, từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2002). Trong khi đó, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tại Việt Nam là 2,6% (năm 2019), tăng lên 3,5% vào năm 2022.
Từ thống kê trên có thể thấy, chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh.
Kiểm soát bằng “đồng phục, mặt non”
Theo khảo sát thực tế của phóng viên báo Dân trí tại Hà Nội, nhiều cửa hàng bán thuốc lá điện tử nằm ở mặt tiền đường và có biển hiệu rất dễ nhận ra. Đáng chú ý, không ít cửa hàng nằm ở gần khu vực trường học.
Trong vai người đi mua hàng, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với các chủ cửa hàng bán thuốc lá điện tử để tìm hiểu thêm.
Theo chia sẻ của các chủ cửa hàng thuốc lá điện tử, đối tượng khách hàng lớn nhất là giới trẻ.
“Nhiều nhất sẽ rơi vào khoảng từ 16 đến 23 tuổi”, một chủ cửa hàng cho biết.
Đáng chú ý, các chủ cửa hàng đều khẳng định không bán thuốc lá điện tử cho học sinh vì vi phạm quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết này lại cho thấy nhiều điểm lỏng lẻo và hoàn toàn cảm tính: Dựa vào “mặt non” hay “mặc đồng phục”.
Sự lỏng lẻo này được thể hiện rõ ràng hơn nữa ở kênh bán hàng online. Trong 5 Fanpage quảng cáo bán thuốc lá điện tử mà phóng viên hỏi mua, đều không hề có bước kiểm tra lại thông tin khách hàng xem có đủ độ tuổi hay không.
Thậm chí, ngay cả khi phóng viên tự nhận mình là học sinh, người bán vẫn nhiệt tình tư vấn các sản phẩm ngon-bổ-rẻ. Chưa dừng lại ở đó, người bán còn hỗ trợ che tên sản phẩm cho khách hàng để qua mặt phụ huynh.
Chỉ cần khách có nhu cầu, chủ shop nhanh chóng chốt đơn và hỗ trợ giao đến tận nhà.
Theo điều tra thuốc lá thanh thiếu niên thuộc kế hoạch Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên (GYTS) 2022, mạng Internet là nơi có tỷ lệ học sinh mua thuốc lá điện tử nhiều nhất (22,1%); kênh quảng cáo thuốc lá điện tử nhiều nhất là mạng xã hội.
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cảnh báo, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể.
“Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ”, bà Hải nhận định.