Người trẻ loạn thần, viêm phổi vì thuốc lá điện tử
Ngày 21/8/2023, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam 19 tuổi bị viêm màng ngoài tim và viêm phổi sau một tháng hút thuốc lá điện tử.
Tháng 8/2023, cô gái 27 tuổi tại Hà Nội được gia đình đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng loạn thần, dễ cáu gắt, mặt đờ đẫn, nói nhiều câu không tự chủ. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do dùng thuốc lá điện tử.
Trong tháng 12/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, trong đó có cả học sinh cấp 2, cấp 3, không có bệnh mạn tính vào viện vì tình trạng viêm phổi.
Đa số đều liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử. Điển hình là bệnh nhân nam 16 tuổi vào viện vì đau tức ngực, ho khạc đờm và khó thở khi gắng sức.
Theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023, cơ sở này đã tiếp nhận hơn 120 ca nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Đáng nói, hầu như tuần nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc lá điện tử.
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng; Thư ký Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: “Trong quá trình làm công tác tư vấn cũng đã gặp rất nhiều những học sinh nghiện thuốc lá điện tử.
Qua quan sát, bác sĩ nhận thấy có những ngôi trường cấp 3 có đến 1/3 số học sinh dùng thuốc lá điện tử.
Có trường hợp đã phải vào viện cấp cứu nhưng khi về nhà lại tiếp tục sử dụng vì lúc đó trẻ đã bị nghiện”.
Trên thực tế, việc trẻ em phải đi cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử không phải là vấn đề mới và cũng không hề hy hữu.
Theo các báo cáo, ở Mỹ trước năm 2019 đã có hơn 2000 trường hợp có bệnh lý hô hấp, thậm chí có 50-60 ca tử vong vì thuốc lá điện tử.
Ở châu Á cũng đã ghi nhận hàng ngàn ca có bệnh lý hô hấp và cũng đã có rất nhiều trường hợp trẻ tử vong do thuốc lá điện tử.
Loạt nguy cơ ẩn trong làn khói thơm sành điệu
Thuốc lá điện tử vẫn thường được quảng cáo là phương pháp thay thế “an toàn” hơn cho thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, BS Phương Anh cho rằng không có căn cứ khoa học.
Chưa có một nghiên cứu nào nói rõ được là thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá truyền thống.
Thông tin này là do các công ty sản xuất thuốc lá điện tử đưa ra. Trên thực tế, để nói về thành phần của khói thuốc thì bất cứ một loại nào đốt lên, đều tạo ra các chất hóa học…
Dung dịch dùng để hút được đưa vào đủ các loại mùi khác nhau, để kích thích giới trẻ như: mùi dâu, cam, xoài. Nhiều bạn trẻ sa vào thuốc lá điện tử vì “nghiện mùi” và những chất tạo mùi đó cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy vấn đề còn xuất phát từ dụng cụ để làm nóng hóa chất. Dụng cụ này có thể có nguy cơ phát nổ. Trên thực tế, đã ghi nhận rất nhiều trường hợp ở Mỹ, châu Âu bị chấn thương bỏng vì thuốc lá điện tử phát nổ.
Bên cạnh đó, BS Phương Anh còn cảnh báo nguy cơ ma túy có thể “ẩn mình” trong dung dịch thuốc lá điện tử.
“Một vấn đề khác là trong dung dịch thuốc lá điện tử, người bán có thể cố tình cho các chất gây nghiện vào mà khó có thể phát hiện được.
Đứa trẻ khi hút chế phẩm thuốc lá có các chất đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý và sức khỏe. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ hấp thụ quá liều các chất gây nghiện này có thể dẫn đến các phản ứng, thậm chí là sốc và ngộ độc”, BS Phương Anh nhấn mạnh.
Trên toàn cầu, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử đáng lo ngại đến mức Tổng giám đốc của WHO đã kêu gọi các quốc gia cần có hành động khẩn cấp, để ngăn chặn, bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá điện tử.