Cố giáo sư Đặng Văn Ngữ trong hồi ức của học trò là người thầy đặc biệt nghiêm khắc, khiến trò nghe thấy tiếng xe đã “phải ngoan”; là ông viện trưởng lội ruộng, băng rừng để người dân đỡ khổ vì sốt rét.
Trong căn phòng rộng khoảng 30 mét vuông được bày biện giản dị, ấm áp, PGS.TS Phạm Văn Thân, Nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội lần giở từng trang của cuốn sách Ký sinh trùng y học.
Giáo trình y khoa gồm 2 tập dày gần 1000 trang do vị bác sĩ 84 tuổi này tham gia biên soạn và hiệu đính cách đây 2 năm, một thời ngắn sau ca phẫu thuật ung thư gan.
Ở tuổi “điền viên”, PGS Thân vẫn dành phần lớn thời gian trong ngày cho y học, công việc được ông mô tả “đã ngấm vào máu”.
“Tôi may mắn học được nhiều điều từ thầy Ngữ từ công việc cho đến cách sống”, PGS Thân chậm rãi nói.
Cuộc gặp của phóng viên Dân trí với PGS.TS Phạm Văn Thân diễn ra trước thềm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, để cùng ông ôn lại ký ức về GS Đặng Văn Ngữ, nhà khoa học đã đặt nền móng cho ngành Ký sinh trùng y học của Việt Nam, cũng là người thầy lớn của PGS Thân và nhiều cây đa, cây đề trong ngành y.
Một Đặng Văn Ngữ trong những dòng ký ức của học trò là “chất thép” của người thầy đặc biệt nghiêm khắc, khiến trò nghe thấy tiếng xe đã “phải ngoan”; một vị giáo sư tỉ mẩn, kỷ luật trong công tác nghiên cứu.
Nhưng sâu bên trong người đàn ông thép này là “dòng máu ấm nóng” cuộn trào của nhà khoa học từ bỏ điều kiện vật chất hiện đại ở nước ngoài, trở về quê hương “lội ruộng”, “băng rừng”, làm việc dưới “mưa bom”, để người dân đỡ khổ vì sốt rét, ký sinh trùng; là người cha gà trống nuôi con.
Giống như cách PGS Phạm Văn Thân mở lời: “Sự nghiệp, thành tựu khoa học đồ sộ của GS Đặng Văn Ngữ đã được phản ánh qua rất nhiều bài báo, sách, báo cáo, phim tư liệu, hiện vật trưng bày tại Trung tâm lưu giữ di sản trí thức Việt Nam.
Hôm nay, tôi muốn kể về thầy Ngữ qua những gì một người học trò được nghe, được thấy và được học”.
PV: Ký sinh trùng là một ngành vất vả và nhiều nguy cơ, nhất là trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ nước ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phải chăng GS Đặng Văn Ngữ là người khiến ông quyết định gắn bó với ngành này?
PGS.TS Phạm Văn Thân: Trong ngành y có 36 chuyên khoa, thời điểm đó có những khoa nhiều người thích như ngoại khoa, sản khoa, nội khoa. Những khoa “kén” người nhất là ký sinh trùng, tâm thần, da liễu.
Thú thật khi được phân về Khoa Ký sinh trùng tôi rất buồn và thời gian đầu luôn có mong muốn được thay đổi chuyên khoa.
Mọi chuyện thay đổi khi tôi được làm học trò của thầy Ngữ và nghe thầy kể về chuyện nghề của mình.
Khoảng năm 1935, Trường Y Đông Dương tuyển Trợ lý giảng dạy Ký sinh trùng, thầy Ngữ khi ấy là một trong 2 sinh viên y khoa tự nguyện dự tuyển.
Vào ngành Ký sinh trùng tức là chấp nhận ít danh tiếng, thu nhập thấp, vất vả. Ký sinh trùng là làm việc với chất thải (phân, nước tiểu, đờm dãi), là giun sán, ghẻ lở, hắc lào, là chấy, rận, rệp, làm việc chủ yếu với người dân bần hàn, đến cộng đồng nghèo khó…
Thầy tâm sự rằng, bệnh này ít người quan tâm nhưng dân mình bị nhiều như: giun sán, ghẻ lở, hắc lào, nhất là sốt rét rất nặng nề, nên thầy muốn đi vào nghề đó.
Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông được cử sang Nhật trong chương trình trao đổi nghiên cứu sinh và sinh viên giữa hai nước. Ông học tập và làm việc, nghiên cứu tại các labo (phòng thí nghiệm) ở Đại học Tokyo; Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo và Quân Y Viện 406 của Mỹ tại Nhật Bản.
Năm 1949, thầy Ngữ đã từ bỏ các điều kiện, vật chất “trong mơ” đối với người làm khoa học, để vượt qua muôn vàn khó khăn tìm đường về nước phục vụ kháng chiến, phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân.
Nghe chuyện này tôi thật sự kính phục thầy và quyết định học theo thầy cống hiến trọn đời cho ngành Ký sinh trùng.
PV: Ấn tượng của ông trong những năm tháng làm học trò thầy Ngữ là gì?
PGS.TS Phạm Văn Thân: Thầy là một người rất giản dị. Thầy ở nhà tập thể, ăn bếp ăn tập thể. Chúng tôi chỉ thấy thầy có vài bộ quần áo: Mấy áo sơ mi trắng, vài chiếc quần kaki, vài đôi giày dép. Bộ comple chắc là thứ giá trị nhất trong tủ đồ của thầy.
Có lần tôi chứng kiến thầy dùng một mảnh băng dính để vá tạm chiếc quần bị thủng một lỗ nhỏ.
Thế nhưng ở bất kỳ môi trường giảng dạy nào thì hình ảnh, tác phong, hành vi, ngôn ngữ của nhà giáo khả kính vẫn toát lên ở GS Đặng Văn Ngữ.
Mỗi khi lên giảng đường, trang phục của thầy phải thật gọn gàng, chỉn chu. Thầy Ngữ có thói quen gài hết tất cả khuy của áo sơ mi không thiếu khuy nào. Đây là một trong những điều tôi học theo thầy đến tận bây giờ.
Trong dạy học, thầy chuẩn bị bài giảng chu đáo, cẩn thận, đúng giờ, ngôn ngữ và thuật ngữ khoa học luôn chuẩn chỉnh, chú ý các kênh thông tin: chữ và hình ảnh chính xác, luôn lấy phản hồi từ người học. Thầy Ngữ đặc biệt chú ý đến thực hành, thực tập của học viên.
Mỗi khi lên bộ môn, thầy Ngữ không ngồi ở ghế chủ nhiệm, mà dành gần như toàn bộ thời gian ở labo nghiên cứu và theo sát anh em chúng tôi làm thí nghiệm để hướng dẫn, kiểm tra.
Chúng tôi làm sai nhiều nhưng được thầy uốn nắn, hướng dẫn từng chút một.
Thầy Ngữ làm việc rất nguyên tắc, tỉ mỉ, chính xác nhưng linh hoạt trong mọi công việc khi cần thiết. Vì vậy tuy rất mệt và rất sợ, nhưng ai cũng nể trọng, thích làm việc trực tiếp với thầy.
PV: Ông có từng bị thầy mình mắng?
PGS.TS Phạm Văn Thân: Thầy Ngữ nghiêm lắm!
Nhớ thời chúng tôi còn trẻ, nhiều khi thầy đi vắng lại tranh thủ ngồi uống nước, nói chuyện. Thế nhưng chỉ cần nghe tiếng xe của thầy dưới sân là anh em lại giật mình, lao vào bàn làm việc ngay.
Có lần thầy hỏi chúng tôi thường đọc sách khi nào. Nhiều anh em thú thật đều tranh thủ đọc ở labo liền bị thầy mắng ngay.
Với thầy Ngữ, ở đâu làm việc đó, đến labo là để làm thí nghiệm, nghiên cứu. Đêm đến mới là lúc đọc sách. Vì vậy thầy thường thức rất khuya.
Làm sinh viên rồi sau đó là đồng nghiệp của thầy, tôi chưa một lần được thầy khen nhưng số lần bị mắng thì không đếm xuể.
Tôi nhớ mãi lần bộ môn lên sơ tán ở Bắc Thái (tỉnh cũ được sát nhập từ Bắc Kạn và Thái Nguyên). Chỗ chúng tôi ở là một nhà sàn bên dưới nuôi trâu, bò, gà, vịt nên bọ chét, bọ nhảy rất nhiều.
Thấy sinh viên bị bọ đốt nhiều đến mất ăn mất ngủ, thầy tổ trưởng phụ trách chúng tôi đã cho lấy thuốc DDT để phun diệt bọ chét.
Mặc dù DDT diệt bọ chét rất hiệu quả nhưng nguyên tắc là chỉ được dùng trong phun diệt muỗi chống sốt rét. Trong nông nghiệp phải dùng thuốc 666 để tránh tình trạng kháng thuốc.
Thầy tổ trưởng biết rõ nguyên tắc này nhưng vì muốn diệt triệt để bọ chét cho sinh viên nên đánh liều “phá lệ”.
Chuyện đến tai thầy Ngữ. Chúng tôi bị thầy mắng một trận chỉ còn nước “thăng thiên” hoặc “độn thổ” vì vi phạm nguyên tắc khoa học.
Nhìn lại mới thấy chúng tôi trưởng thành được cũng là vì thầy nghiêm khắc. Chúng tôi biết ơn thầy vì những lần phê bình như vậy.
PV: Điều khiến ông kính nể nhất về người thầy của mình là gì?
PGS.TS Phạm Văn Thân: “Chất” Đặng Văn Ngữ trong nghiên cứu khoa học là điều mà chúng tôi luôn nể phục và cố gắng học theo.
Ngay từ khi bắt đầu theo ngành Ký sinh trùng, GS Đặng Văn Ngữ đã lăn lộn đến rất nhiều vùng miền, thôn xóm, bản làng xa xôi, thậm chí lên bìa rừng, khe suối vào chuồng trâu bò, để nghiên cứu về Ký sinh trùng.
Ngay cả khi đã làm Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Việt Nam (Sau này là Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) và lãnh đạo Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội, sự quên mình vì khoa học này của thầy vẫn không thay đổi.
Tôi còn nhớ thời đó hay phải sang viện để xin chữ ký của thầy. Thế nhưng hiếm lắm mới gặp được thầy ở phòng Viện trưởng. Lúc thì thầy ở phòng thí nghiệm, lúc lại xuống khu chuột, bọ, nấm để nghiên cứu.
Có lần nhận được thông tin người nông dân ở vùng đồng chiêm trũng Nghĩa Hưng, Nam Định bị ngứa tay chân nhiều, thầy Ngữ đã trực tiếp xuống thực địa lội ruộng để tìm bệnh.
Sau đó, thầy phát hiện thủ phạm là sán máng vịt do phân vịt thải ra đồng ruộng. Khi người nông dân lội vào rất dễ bị lây nhiễm. Sán gây viêm da và có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Hồi cả bộ môn lên sơ tán ở Bắc Thái, thầy ăn chung bếp ăn tập thể, ngủ ở lán giữa rừng.
Thương thầy cao tuổi lại là thủ trưởng, cấp dưỡng thường lén thêm thức ăn. Có lần biết mình được ưu tiên hơn mọi người, thầy lập tức phê bình. Với thầy “lính tráng có suất”, không có ngoại lệ.
Khu vực sơ tán không có giếng, chúng tôi phải uống nước suối. Mỗi đợt có mưa, suối lại đục. Người trẻ như chúng tôi còn e dè nhưng thầy vẫn uống như thường không phàn nàn một lời nào.
Sự nhiệt huyết, dấn thân vì khoa học của thầy được truyền lại cho các học trò trên giảng đường. Ký sinh trùng chủ yếu đường máu và đường ruột. Đường ruột lại có rất nhiều loại. Khi khám thì phải xem phân màu sắc như thế nào thậm chí là mùi, có máu, mủ nhầy không.
Do đó, khi thực hành, thầy thị phạm và yêu cầu chúng tôi phải đánh giá phân bệnh nhân thật kỹ, trước khi đưa lên kính hiển vi quan sát, để có thể “bắt” bệnh chính xác.
Chính đam mê với ngành Ký sinh trùng, thương người dân nghèo khó dễ bị nhiễm bệnh, nên cả đời giáo sư đã đem hết tâm huyết, trí tuệ, sức lực cống hiến cho ngành Ký sinh trùng, đặt những nền móng vững chắc cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam ngày càng phát triển.
PV: Tôi được biết GS Đặng Văn Ngữ có một đời tư khá đặc biệt, khi một mình gà trống nuôi con, ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?
PGS.TS Phạm Văn Thân: Vợ GS Đặng Văn Ngữ là bà Tôn Nữ Thị Cung. Bà là kỹ thuật viên làm việc tại labo nghiên cứu Penicillin, đã giúp chồng rất nhiều trong việc nuôi cấy, sản xuất thành công kháng sinh này.
Chính loại kháng sinh được ra đời giữa rừng núi, trong điều kiện nghiên cứu hết sức thô sơ này đã góp phần đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi. Nhờ “nước lọc Penicillin” mà 80% thương binh có thể trở về đơn vị chiến đấu không bị cưa chân tay.
Không may vào năm 1954, bà qua đời tại Việt Bắc do bệnh tật. Lúc này, thầy Ngữ chỉ hơn 40 tuổi.
Gia đình bên cô, gia đình bên thầy, lãnh đạo Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, các chị ở bộ môn Ký sinh trùng thấy cảnh “gà trống nuôi con” rất thương thầy, nên rất muốn thầy đi bước nữa.
Thế nhưng thầy chỉ luôn cảm ơn và từ chối, quyết ở vậy “thờ vợ, nuôi con” cho đến khi đi vào cõi niết bàn gặp cô.
Hồi còn sơ tán, con gái út của thầy là chị Quý ở Nga về thăm, tôi ngạc nhiên khi thấy thầy cho con gái gối đầu vào tay để ngủ. Thầy bảo: “Mẹ nó mất sớm, tôi làm được gì thay cho mẹ nó thì tôi làm”.
Thầy vẫn luôn như thế, một người rất nghiêm khắc trong công việc nhưng lại rất tình cảm.
Tâm nguyện của thầy là nuôi dạy các con nên người và tâm nguyện đó đã trở thành hiện thực.
Các con của GS Đặng Văn Ngữ đều học hành thành đạt. Con trai cả của thầy là NSND Đặng Nhật Minh, Nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; con gái thứ Đặng Nguyệt Ánh là tiến sĩ Điện tử hạt nhân ở Đức; con út Đặng Nguyệt Quý đã học tại Đại học tổng hợp Leningrad, Liên xô (cũ).
PV: Nhắc đến sự nghiệp của GS Đặng Văn Ngữ không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của ông trong cuộc chiến với bệnh sốt rét. Ông cảm nhận được tâm huyết của thầy mình về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Phạm Văn Thân: Lúc bấy giờ, sốt rét là nỗi ám ảnh với bộ đội và người dân ở vùng sâu vùng xa. Vì vậy, thanh toán sốt rét cũng là một trong những mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp của GS Đặng Văn Ngữ.
Từ năm 1957 đến năm 1962, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng Đặng Văn Ngữ đã tiến hành khảo sát, điều tra toàn diện bệnh sốt rét trên toàn miền Bắc.
Cuối năm 1962, Chính phủ đã thông qua Chương trình Tiêu diệt bệnh sốt rét trên toàn miền Bắc trong 3 năm. Chủ tịch Ủy ban Tiêu diệt sốt rét Trung ương là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và người chỉ đạo trực tiếp chương trình là thầy Ngữ.
Kết thúc chương trình, cuối năm 1964, bệnh sốt rét đã bị đẩy lùi xuống còn 20%. Đây là một thành quả rất khả quan, nếu biết rằng trước đó có những vùng miền núi, nông thôn tỷ lệ sốt rét chiếm tới 90-100% dân số.
Trong những lần được nghe thầy kể về mục tiêu thanh toán sốt rét, tôi cảm nhận được những chia sẻ của thầy như “có lửa”.
Với mục tiêu loại bỏ sốt rét hoàn toàn khỏi đời sống cộng đồng, thầy Ngữ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine. Để có thể chế tạo được thứ “vũ khí” cuối cùng này, giáo sư mặc bom đạn, quyết vào vùng chiến sự.
Quảng Bình và Quảng Trị là 2 khu vực được thầy lựa chọn để thực hiện nghiên cứu thăm dò.
Trong thư gửi cho con gái sau mỗi chuyến đi, giáo sư nhắc tới những trận bom đạn ác liệt của Mỹ nhưng cũng bày tỏ sự lạc quan phần nào về kết quả nghiên cứu ban đầu.
Tháng 3/1967, GS Đặng Văn Ngữ cùng các cộng sự gồm 12 y bác sĩ đã lên đường vào chiến khu Trị – Thiên Huế (Đi B) để nghiên cứu tại chỗ vaccine chống sốt rét.
Theo tôi được biết, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Y tế khi đó hết mực can ngăn kế hoạch đi B của thầy. Tuy nhiên, thầy vẫn xin đi bằng được, vì quyết tâm xóa sổ căn bệnh đang hàng ngày cướp đi bao sinh mệnh người lính và đồng bào.
Trong chuyến đi công tác định mệnh này, vì bom đạn quân thù, tiếc thay chí lớn chưa thành!
PV: Ông và các đồng nghiệp trong bộ môn có biết về quyết định đi B của GS Đặng Văn Ngữ?
PGS.TS Phạm Văn Thân: Việc thầy quyết định đi B, bộ môn chúng tôi khi đó dù đang sơ tán ở Bắc Thái, nhưng cũng có nghe loáng thoáng.
Trước khi đi B vài ngày, thầy từ Hà Nội lên Bắc Thái để họp. Chúng tôi tin chắc rằng thông tin về chuyến đi của thầy là chính xác, vì trước mỗi lần đi công tác xa thầy đều lên họp bộ môn.
Cuộc họp hôm đó cũng như bao cuộc họp khác, diễn ra vỏn vẹn 30 phút. Chủ yếu là thầy dặn dò, đốc thúc các anh em phải hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Anh em đều tâm tư nhưng không dám để thầy biết. Chiến tranh vào giai đoạn cực kỳ ác liệt, mọi người đều hiểu đi B là chuyến đi đặt cược sinh mạng vì lành ít, dữ nhiều. Thêm vào đó, nghiên cứu làm vaccine sốt rét phải mất thời gian rất lâu nên càng nguy hiểm.
Phút chia tay, thầy Phạm Hoàng Thế phụ trách chúng tôi ở khu sơ tán đại diện bắt tay thầy Ngữ. Lúc giáo sư lên xe, thầy Thế lại chạy ra xe bắt tay thầy một lần nữa vì “sợ sau này nhỡ đâu không được gặp lại giáo sư”.
Đáng buồn thay, lần đó thầy đi là “đi mãi”.
Ngày 1/4/1967, thầy tôi hy sinh trong một trận Mỹ rải bom B52 khi đang nghiên cứu bệnh sốt rét tại miền Tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
PV: Khoảnh khắc nhận được tin thầy của mình đã hy sinh, cảm xúc của ông như thế nào?
PGS.TS Phạm Văn Thân: Chúng tôi biết tin vài ngày sau khi thầy hy sinh. Dù đã lường trước chuyện có thể xảy ra nhưng tất cả anh em đều bị sốc, đau nhói. Cả ngày hôm đó, tôi như người mất hồn.
GS Đặng Văn Ngữ ra đi khi chỉ mới hơn 50 tuổi. Cả cuộc đời giáo sư dành trọn cho khoa học, cho người dân. Thầy ra đi cũng trong giây phút đang cống hiến cho sự nghiệp cao cả này, ngay trên chính mảnh đất quê nhà sau mấy mươi năm xa cách.
Thời điểm này, vaccine sốt rét do thầy và cộng sự điều chế từ thoa trùng ở tuyến nước bọt của muỗi, đã cho những kết quả thử nghiệm trên người bước đầu hết sức hứa hẹn.
Tiếc thay, tâm huyết cả sự nghiệp cùng bao nhiêu công trình khác của thầy đành dang dở.
Thầy “đi”, người con gái út Đặng Nguyệt Quý đã có những dòng thơ khiến lòng người quặn thắt:
PV: Những “di sản” mà GS Đặng Văn Ngữ đã để lại có giá trị như thế nào đối với ngành Ký sinh trùng cũng như thế hệ sau?
PGS.TS Phạm Văn Thân: Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức đưa vaccine chống thoa trùng sốt rét vào sử dụng cho người để phòng sốt rét.
Những năm gần đây, cùng với hướng nghiên cứu của giáo sư trước kia, những công trình của các nhà khoa học quốc tế đã viết tiếp ước mơ còn dang dở của thầy: Công bố các kết quả nghiên cứu về vaccine thoa trùng sốt rét.
Các triết lý, chiến lược và giải pháp, biện pháp chính của Kế hoạch Phòng chống và Tiêu diệt sốt rét ngày nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học và giá trị thực tiễn.
Không chỉ áp dụng cho bệnh sốt rét, mà còn cho các bệnh khác do vector (muỗi, côn trùng), trong đó có những bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, zika…
“Lá đã rụng về cội” trên nửa thế kỷ nay, nhưng “di sản” Đặng Văn Ngữ về nhân cách một nhà khoa học, một người thầy, người cha và những công trình khoa học vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và sẽ trường tồn mãi mãi.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
20/11/2023 – 06:16