Đang khỏe mạnh bất ngờ suy thận tuổi 30
Ở tuổi 30, Hương (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng như nhiều người đồng trang lứa bị cuốn vào công việc.
Không mấy khi đau ốm gì nên với Hương, việc khám sức khỏe định kỳ gần như không có trong “từ điển”.
Có một thời gian, Hương xuất hiện dấu hiệu mệt nhiều, mặt phù. Cô gái quyết định đi khám bệnh theo lời khuyên của mọi người, song vẫn nghĩ rằng chỉ là ốm vặt.
Tuy nhiên, cuộc sống của cô đã thay đổi 180 độ khi trong lần kiểm tra này, bác sĩ thông báo Hương mắc suy thận giai đoạn cuối, hai quả thận đã mất hoàn toàn chức năng.
“Khi đó tôi mới 30 tuổi, độ tuổi sung sức. Tôi không nghĩ mình lại có thể bị bệnh nặng vậy. Tôi không biết bệnh này sẽ ra sao, bác sĩ nói phải lọc máu suốt đời, tôi sợ lắm.
Hai đứa con tôi còn quá nhỏ, một cháu học lớp 5 và một cháu mới 4 tuổi, tôi lo cho con rất nhiều”, Hương nhớ lại.
Sau khi có kết quả, Hương bắt đầu bước vào chuỗi ngày lọc máu chu kỳ đều đặn 3 lần/tuần tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Đáng chú ý, kết quả khám sức khỏe phát hiện cô gái này bị cao huyết áp. Tuy nhiên, vì không hề biết mình mắc bệnh do không khám sức khỏe định kỳ, Hương chưa từng uống thuốc để kiểm soát tình trạng này.
Các bác sĩ nhận định, tình trạng cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ khiến cầu thận bị tổn thương và gây ra suy thận mạn tính.
Hương cũng cho biết thêm, trước kia cô rất khỏe. Làm chuyên gia trang điểm khá đắt khách nên ngày chạy xe 50-60km đi trang điểm cho cô dâu ở xa là rất bình thường. Những lúc làm việc nhiều chỉ nằm nghỉ một chút, hết mệt lại làm tiếp.
“Giá như lúc đó tôi quan tâm giữ gìn sức khỏe của mình không thức quá khuya, đi làm vừa phải, ăn uống đầy đủ… thì giờ không phải nằm nhìn máy lọc máu”, Hương ngậm ngùi.
Sau 3 năm chạy thận chu kỳ, sự sống của Hương được duy trì. Tuy nhiên, cô không còn có thể làm việc nặng. Công việc cũng ảnh hưởng nhiều khi chỉ có thể nhận khách ở loanh quanh Hà Nội.
Gánh nặng gia đình dồn hết lên vai người chồng của cô.
Nhiều người trẻ suy thận giai đoạn cuối vì chủ quan
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi phải điều trị lọc máu chu kỳ trong những năm gần đây có sự gia tăng. Đây là một thực trạng rất đáng quan ngại.
Lý giải nguyên nhân suy thận ngày càng trẻ hóa, theo TS Tuyên, ngoài các nguyên nhân truyền thống như: bệnh lý về di truyền, nhiễm trùng, đái tháo đường, lối sống ít vận động, không khoa học cũng trở thành yếu tố nguy cơ đặc trưng của thời đại 4.0.
“Lối sống đô thị hóa, chế độ ăn giàu năng lượng, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn với nhiều chất bảo quản, lạm dụng rượu bia và lười vận động là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận”, TS Tuyên phân tích.
Đáng chú ý, theo TS Tuyên, nhiều người trẻ vì thấy mình khỏe mạnh nên rất chủ quan, không đi khám sức khỏe. Sự chủ quan này dẫn đến việc không thể phát hiện sớm tình trạng suy thận khi chỉ ở giai đoạn đầu, bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị bệnh.
“Thậm chí, với cả những người có lối sống lành mạnh cũng có nguy cơ bị suy thận nên tuyệt đối không được chủ quan”, TS Tuyên chỉ rõ.
Theo chuyên gia này, triệu chứng suy thận mạn tính rất mơ hồ. Các bạn trẻ thường tự tin về sức khỏe của mình nên thi thoảng thấy cơn đau đầu thoáng qua hay huyết áp tăng sẽ bỏ qua không đi khám.
Đến khi triệu chứng đã rầm rộ mới đi khám, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, suy thận mạn tính phát hiện sớm, được bác sĩ tư vấn về chế độ ăn, sinh hoạt và cách kiểm soát bệnh tật sẽ giúp làm chậm quá trình tiến triển của suy thận và hạn chế biến chứng suy thận mạn.