Chị Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi, được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng buồn chán và thậm chí có suy nghĩ muốn chết.
Theo thông tin bệnh sử, chị Hạnh là con cả trong gia đình có 4 người con. Chị có tiền sử sản nhi, phát triển tâm thần vận động bình thường.
Bệnh nhân chỉ học được hết lớp 6, do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau khi nghỉ học, chị Hạnh xin nghỉ học và đi làm nghề tơ tằm phụ giúp kinh tế cho gia đình. Bệnh nhân được mọi người đánh giá là người hiền lành, chăm chỉ, trầm tính, ít nói.
Khi đến tuổi trưởng thành, bệnh nhân bắt đầu chuyển sang làm nghề cơ khí (cắt sắt, thép) và lập gia đình năm 19 tuổi.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của ThS.BS Ngô Tuấn Khiêm, Viện Sức khỏe Tâm thần, chồng bệnh nhân là người tâm lí, chăm chỉ làm ăn. Người chồng không bao giờ quát mắng bệnh nhân. Mặc dù hai vợ chồng kinh tế trung bình nhưng rất yêu thương nhau.
“Hiện gia đình này cũng đã có 2 người con. Con trai lớn đang học đại học ở Hà Nội; con gái đang học lớp 10 tại trường cấp 3 gần nhà. Các con cái ngoan ngoãn, khỏe mạnh, hiếu thảo với bố mẹ”, BS Khiêm chia sẻ.
Vấn đề xảy ra khi 3 tháng gần đây, bệnh nhân gặp áp lực công việc nhiều, phải làm nhiều việc hơn. Ngoài làm ban ngày, nhiều đêm bệnh nhân phải thức đến 3-4h để làm thêm công việc.
2,5 tháng trước, bệnh nhân xuất hiện tình trạng buồn bã, chán nản, bi quan, không còn thiết tha làm việc gì. Thậm chí, sở thích trước đây là xem phim, đi chơi cũng không còn hứng thú với bệnh nhân.
Bệnh nhân thấy khó khăn trong việc tập trung làm việc, khi cần phải làm một việc gì thì bệnh nhân thấy mình cần phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều mới làm xong. Bệnh nhân hay lo lắng, suy nghĩ nhiều.
“Bệnh nhân ăn thấy kém ngon miệng và ăn ít đi. Kể cả là những món ăn mà ngày xưa bệnh nhân rất ưa thích nhưng giờ khi ăn bệnh nhân cũng không thấy ngon nữa. Sau một tháng, bệnh nhân sụt đến 5kg”, BS Khiêm phân tích.
Kết quả khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy, chị Hạnh có tình trạng khí sắc trầm, giảm hoạt động và giao tiếp với mọi người, giảm tập trung chú ý. Kết quả khám các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường.
“Dựa trên thang đánh giá trầm cảm Hamiton, bệnh nhân có trầm cảm mức độ nặng (20 điểm). Bên cạnh đó, bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ dựa trên thang đánh giá giấc ngủ”, BS Khiêm phân tích.
Các bác sĩ kết luận bệnh nhân có hội chứng trầm cảm và có ý tưởng tự sát. Tình trạng bệnh cũng khiến bệnh nhân suy giảm khả năng lao động, chất lượng cuộc sống.
Để điều trị, các bác sĩ đã tạo môi trường an toàn cho bệnh nhân: Loại bỏ tất cả các vật có khả năng gây hại (các vật sắc nhọn như dao, kéo, vật dụng bằng thủy tinh), nhằm hạn chế nguy cơ bệnh nhân có thể sử dụng dao, kéo để tự sát.
Các bác sĩ cũng tích cực động viên bệnh nhân (thông qua thăm dò và thảo luận, giúp bệnh nhân xác định các dấu hiệu của hy vọng trong cuộc sống của mình), dặn dò bệnh nhân khi có ý tưởng tự sát thì cần gặp nhân viên y tế để cùng xây dựng phương án giải quyết.
Các y bác sĩ cũng giải thích cho người nhà phối hợp cùng nhân viên y tế theo dõi sát bệnh nhân 24/24h; duy trì theo dõi chặt chẽ bệnh nhân: Đặc biệt là vào ban đêm và những lúc trời rạng sáng.
Bệnh nhân được điều trị bằng hóa dược với thuốc Mirtazapin, theo liều lượng 30mg/ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân được thư giãn luyện tập 5 buổi/tuần. Việc này sẽ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, giảm lo lắng, căng thẳng về bệnh tật.
“Về trị liệu tâm lý, chúng tôi sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi. Nhà trị liệu sẽ tập trung vào việc giải quyết các kiểu suy nghĩ tiêu cực và các hành vi góp phần gây ra trầm cảm”, BS Khiêm cho hay.
Nhờ việc điều trị, trong giai đoạn ngày thứ 4 đến ngày thứ 10, khí sắc bệnh nhân dần cải thiện, tăng cường hoạt động, giao tiếp với mọi người. Bệnh nhân hết ý tưởng tự sát và đêm ngủ tốt hơn.
Những ngày tiếp theo, tình trạng bệnh nhân tiếp tục cải thiện: Khí sắc tốt lên, tăng cường hoạt động, giao tiếp với mọi người, ăn bình thường đêm ngủ tốt.