Hơn 23.000 ca bệnh, 4 ca tử vong vì sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, chỉ trong tuần qua đã có hơn 2.000 ca sốt xuất huyết mới được ghi nhận.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 23.314 ca mắc, 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn. Các địa phương ghi nhận có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai (1.558 ca), Phú Xuyên (1.548 ca), Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca)…
Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.419 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Đối với một số dịch bệnh khác như: tay chân miệng từ đầu năm đến nay ghi nhận 2.354 ca mắc, 0 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (1.547); uốn ván người lớn ghi nhận 23 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10); liên cầu lợn ghi nhận 15 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (2)…
Theo ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát tại các quận, huyện thì vẫn còn bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, vệ sinh môi trường.
Các quận, huyện chưa phát huy được hiệu quả tối đa đội xung kích và tổ giám sát tại cộng đồng, việc phát hiện ổ dịch còn chậm, muộn dẫn đến số ca mắc gia tăng.
Theo CDC Hà nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới.
Do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần lưu ý xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết hơn đối với từng nội dung hoạt động làm sao triển khai một cách hiệu quả.
Bệnh viện kín giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
Nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô cũng đang kín giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hiện mỗi ngày riêng Đơn nguyên Truyền nhiễm, phải tiếp nhận 15-18 bệnh nhân sốt xuất huyết, lúc cao điểm lên tới 25 bệnh nhân.
Áp lực công việc đè nặng lên lực lượng y tế của đơn vị này khi phải “chạy đua” điều trị vừa đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, vừa giúp bệnh nhân sớm xuất viện, để có thể tiếp nhận các bệnh nhân mới liên tục chuyển vào.
Các bệnh nhân sốt xuất huyết mà Đơn nguyên Truyền nhiễm tiếp nhận trong đợt dịch này chủ yếu trong độ tuổi 20-50 tuổi (Đơn nguyên chỉ tiếp nhận bệnh nhân trên 16 tuổi).
Có đến 20% các bệnh nhân tiếp nhận diễn biến nặng, chủ yếu trong độ tuổi 30-40 tuổi. Người béo phì nguy cơ cao hơn.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến cuối điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại miền Bắc, hiện đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhiều khoa khác nhau.
Cao điểm phòng chống sốt xuất huyết
Từ đầu tháng 10, Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm 2023.
Vừa qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã yêu cầu các quận, huyện kiểm tra lại toàn bộ máy phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đảm bảo máy móc hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn được giao; CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị tăng cường triển khai công tác giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn thành phố.
Các đơn vị rà soát lại toàn bộ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine dịch vụ; kiểm tra hệ thống tủ bảo quản vaccine; đăng ký nhu cầu sử dụng vaccine gửi CDC Hà Nội để tổng hợp, báo cáo kịp thời…