Mới đây, Nhật Bản vừa ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc cúm. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản công bố ngày 22/9, số ca mắc cúm mới tại các cơ sở y tế được chỉ định ở nước này đã tăng 57% trong vòng một tuần.
Theo cơ quan quản lý hỏa hoạn và thảm họa Nhật Bản (FDMA), người cao tuổi là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm 55% số ca nhập viện. Trong số trường hợp được đưa đến bệnh viện, có 48 trường hợp tử vong và 11.176 ca phải nhập viện điều trị. Diễn biến bất ngờ của bệnh cúm tại Nhật Bản trong thời gian qua là bài học để mọi người chủ động tăng cường các biện pháp phòng bệnh trong dịp lễ hội cuối năm.
Khoảng 290.000 đến 650 000 ca tử vong hàng năm liên quan đến cúm mùa, theo ước tính mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US-CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác y tế toàn cầu.
Biến chứng nguy hiểm của cúm mùa
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao qua đường hô hấp, thông qua giọt bắn từ nước bọt hay dịch tiết mũi họng trong khi hắt hơi, ho khạc.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt từ 38 đến 40 độ C, ho khan, đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Thông thường, bệnh nhân mắc cúm mùa có thể hồi phục trong vòng 2 đến 7 ngày. Tuy nhiên, đối với những đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm.
Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, cúm mùa tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi. Ngoài ra còn có thể dẫn tới những biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm cơ tim cấp, viêm não cấp… có thể gây tử vong. Thống kê cho thấy hằng năm, có nhiều trường hợp trẻ em tử vong có liên quan đến cúm mùa.
Đối với người cao tuổi, nhiễm cúm có thể góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến họ không thể phục hồi lại hoàn toàn thể trạng trước đó. Cúm mùa còn khiến người cao tuổi đối diện với nguy cơ đột quỵ gấp 8 lần và tăng gấp 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim sau một tuần nhiễm cúm.
Bên cạnh đó, cúm mùa còn là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền mạn tính khác như tim mạch, hen, COPD, đái tháo đường. Cúm có thể thúc đẩy, châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở những bệnh nhân đã có tình trạng xơ vữa động mạch trước đó.
Bệnh nhân mắc bệnh nền mạn tính nếu không may nhiễm cúm cũng phải đối mặt với nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm mùa gấp 5 lần đối với bệnh nhân tim mạch, gấp 12 lần đối với bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính, gấp 20 lần với bệnh nhân có bệnh lý nền bao gồm cả bệnh tim mạch và bệnh phổi.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm cúm mùa. Môi trường làm việc, trường học, máy bay, và các khu vực đông người là những nơi nguy cơ lây nhiễm cao. Trong bối cảnh lễ hội cuối năm, nguy cơ lây nhiễm cúm mùa càng tăng cao do hoạt động tập trung đông người. Đây còn là giai đoạn thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển.
Tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi cúm mùa
Cúm mùa có thể bùng phát bất ngờ và gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi những tác động và hậu quả nghiêm trọng của cúm mùa, tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm, nhất là trong mùa lễ hội và dịp Tết, là cách phòng ngừa hiệu quả.
Nghiên cứu cho thấy vaccine cúm mùa có thể giúp bảo vệ khỏi bị nhiễm cúm. Cụ thể, tiêm phòng cúm giúp trẻ em giảm 36% nguy cơ viêm tai giữa, giảm đến 41% nguy cơ lên cơn hen cấp ở trẻ bị hen và giảm 33% nguy cơ viêm đường hô hấp cấp.
Đối với người mắc bệnh nền mạn tính, vaccine cúm giúp giảm nguy cơ các cơn đau tim từ 15-45%, giảm 48% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tim mạch trên 65 tuổi, 70% ở các bệnh nhân COPD, 58% ở nhóm bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, tiêm ngừa cúm hàng năm còn giúp người cao tuổi giảm đến 40% nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer).