Khốn khổ trẻ nứt da, ngứa ngáy vì viêm da cơ địa mùa lạnh


Rét mướt, ôm con từ Hà Tĩnh ra Hà Nội chữa bệnh

Sáng 26/1, trời Hà Nội còn rét căm căm, anh Thắng Đoàn (42 tuổi) đã đưa vợ con từ bến xe đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

Khốn khổ trẻ nứt da, ngứa ngáy vì viêm da cơ địa mùa lạnh - 1

Bệnh nhi xuất hiện các mảng da khô, mẩn ngứa toàn thân rất khó chịu (Ảnh: T.A).

“Không trì hoãn được, con bị mấy ngày nay, ngứa quấy khóc rất nhiều. Trời thì lạnh mà không thể mặc đồ cho con, chỉ có thể sưởi than nhưng con vẫn ngứa ngáy, khó chịu… nên dù lạnh vẫn buộc phải đưa con đi khám.

Khốn khổ trẻ nứt da, ngứa ngáy vì viêm da cơ địa mùa lạnh - 2

Bệnh nhi liên tục dụi mặt vào vai mẹ vì ngứa ngáy (Ảnh: T.A).

Một bệnh nhi khác hơn một tuổi, trong thời gian chờ khám, bé liên tục cọ 2 má, dụi mặt vào vai mẹ vì ngứa ngáy.

Em bé 2 tuổi được xác định viêm da cơ địa cấp, điều trị có thể ngoại trú, nhưng thời gian điều trị rất lâu, cần kiên nhẫn.

Tại Hội nghị khoa học chuyên ngành da liễu nhân kỉ niệm 42 năm ngày thành lập Bệnh viện Da liễu Trung ương,  diễn ra sáng 26/1, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, viêm da cơ địa tăng lên trong mùa lạnh.

“Dù tổng bệnh nhân đến khám giảm do trời rét, nhưng các bệnh viêm da cơ địa, dị ứng liên quan lạnh, bệnh tự miễn lại tăng lên, đặc biệt là bệnh viêm da cơ địa”, PGS Doanh thông tin.

PGS Doanh cho biết, bệnh viêm da cơ địa là bệnh viêm mãn tính, liên quan trực tiếp đến thay đổi môi trường, liên quan đến mất nước qua da.

“Bình thường da có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Ở người viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bị khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da. Trong mùa khô hanh, độ ẩm càng thấp, khả năng mất nước qua da càng cao, bệnh nhân viêm da cơ địa thường gia tăng”, PGS Doanh cho biết.

Giữ ẩm da là chỉ định điều trị, tuyệt đối không bỏ qua

Theo PGS Doanh, viêm da cơ địa ở trẻ em cũng như người lớn cần điều trị lâu dài, chăm sóc da rất kỹ.

Bệnh viện từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện vì đợt cấp của viêm da cơ địa do sau điều trị ổn định liền bỏ dưỡng ẩm cho da.

Như trường hợp một bé trai 8 tháng tuổi đến viện trong tình trạng toàn bộ vùng đầu bong mảng, nứt toác. Nhiều vùng da của bệnh nhân tổn thương nặng, dát đỏ, khô da nhiều và lan rộng tay chân, người kèm mảng vảy dày, vảy tiết, nứt da vùng đầu. 

Mẹ bệnh nhi cho biết, từ 1 tháng tuổi bé đã xuất hiện các nốt dát đỏ, sẩn, mụn nước ở 2 má, người đã từng đi khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương chẩn đoán viêm da cơ địa dùng thuốc bôi, dưỡng ẩm, tổn thương đỡ.

Tuy nhiên, khi ra viện trẻ không được duy trì dưỡng ẩm thường xuyên, tổn thương nặng dần lên. Sau khi điều trị ổn định, trẻ được gia đình tắm nhiều loại lá khác nhau nhưng không duy trì giữ ẩm da.

Đặc biệt, PGS Doanh khuyến cáo, rất nhiều người viêm da cơ địa tùy tiện sử dụng các thuốc bôi có chứa corticoid, điều này rất nguy hiểm bởi ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới da, việc bôi, uống corticoid kéo dài không đúng chỉ định làm suy tuyến thượng thận gây nên hội chứng cushing, hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc.

Có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh sau 5 tuổi. Thông thường, 90% bệnh ổn định sau 2 tuổi, 10% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn.

Khi được chẩn đoán viêm da cơ địa, viêm da dầu, việc điều trị thuốc tại chỗ, chăm sóc da rất quan trọng. Tuyệt đối không nên dùng các phương pháp dân gian như tắm lá, bôi thuốc lá cho trẻ.

PGS Doanh khuyến cáo, viêm da cơ địa cần điều trị, kiểm soát lâu dài, tuyệt đối không nôn nóng tự bôi, tự uống thuốc. Bên cạnh đó cần đặc biệt lưu ý độ ẩm không khí, giữ ẩm cho da. Bệnh nhân viêm da cơ địa cần giữ ẩm cho da bất kể mùa đông hay mùa hè, kể cả khi da đang trong tình trạng ổn định cũng cần giữ ẩm để giảm nguy cơ các đợt viêm cấp.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *