Từ 2 năm liệt giường tới 2 ca mổ mang tính bước ngoặt
Tháng 2/2022, một tai nạn khiến bà Hà bị gãy xương đùi, buộc phải nhập viện cấp cứu và điều trị tại một cơ sở y tế tại Hà Nội. Ban đầu, mọi thứ dường như diễn ra suôn sẻ. Bà sau đó được xuất viện với nhận định xương sẽ lành theo thời gian.
Nhưng thực tế không như mong đợi, sau khi trở về nhà, những cơn đau buốt thấu tận xương không ngừng hành hạ người phụ nữ này, ngay cả khi không vận động. Đau đớn, mất ngủ triền miên và bất lực vì không thể tự đi lại khiến bà ngày càng kiệt quệ.
Không chấp nhận buông xuôi, bà đã quay lại cơ sở y tế ban đầu với hy vọng tìm được câu trả lời. Tuy nhiên, sau 2 lần tái khám, bác sĩ khẳng định xương đang hồi phục tốt, không phát hiện vấn đề nghiêm trọng.
Trái ngược với chẩn đoán, cơn đau vẫn đeo bám dai dẳng. Hai năm trời sống trong đau đớn và bất lực vì không thể đi lại, bà Hà rơi vào trạng thái trầm cảm. “Tôi đã từng nghĩ tới cái chết”, người phụ nữ nghẹn ngào chia sẻ.
Không bằng lòng với chẩn đoán tại cơ sở ban đầu, bà Hà đến Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City. Tại đây, GS.TS.BS Trần Trung Dũng, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, trực tiếp thăm khám và tiếp nhận ca bệnh.
Kết quả chẩn đoán cho thấy, tình trạng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu. Bệnh nhân đã bị nhiễm trùng sâu kéo dài, thoái hóa khớp gối, cứng khớp và hoại tử, biến dạng xương phức tạp. Điều đáng chú ý là ổ nhiễm trùng đã tiến triển trong xương suốt hai năm, trở thành nguyên nhân chính gây ra những cơn đau dai dẳng, bất kể khi nghỉ ngơi hay vận động.
Trước tình trạng này, đội ngũ y bác sĩ do GS. Dũng phụ trách đã chỉ định thực hiện 2 phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong đó, ca mổ đầu tiên tập trung loại bỏ ổ nhiễm trùng. Các bác sĩ buộc phải lấy bỏ gần như toàn bộ nửa dưới của xương đùi dài gần 25 cm đã bị ổ nhiễm trùng ăn sâu gây hoại tử, tiêu xương. Đồng thời, một khối xi măng kháng sinh được đặt vào tạm thời để tránh co rút gân cơ. Còn ca mổ thứ 2, bác sĩ thực hiện thay thế phần khuyết xương bằng xương nhân tạo từ hợp kim titan và thay khớp gối cho bệnh nhân.
Công nghệ 3D: Chìa khóa mở ra kỳ tích y khoa
Theo GS. Dũng, trước đây, những bệnh nhân gặp tình trạng khuyết hổng xương nghiêm trọng như vậy thường phải đối mặt với hơn 3 cuộc phẫu thuật lớn. Để xử lý, hai phương pháp phổ biến được áp dụng là ghép xương từ nguồn xương hiến tặng hoặc từ chính cơ thể bệnh nhân.
Tuy nhiên, ghép xương hiến tặng sẽ phải đối mặt nguy cơ không tương thích hoặc đào thải qua thời gian. Còn phương pháp ghép xương từ phần xương mác hay xương chậu của cơ thể người bệnh có thể gây đau đớn và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng vận động tại vị trí lấy xương. Những phương pháp này cũng khiến bệnh nhân phải bất động thời gian dài sau mổ chờ xương liền, với tỷ lệ thất bại cao.
Tại Vinmec, công nghệ lập kế hoạch và phẫu thuật 3D đã trở thành giải pháp cho những ca phẫu thuật khó khăn nhất. Công nghệ này không chỉ tái hiện chính xác cấu trúc giải phẫu mà còn hỗ trợ đội ngũ bác sĩ dự đoán rủi ro và tối ưu hóa quy trình phẫu thuật đến từng chi tiết.
Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Hà, việc người bệnh từng trải qua nhiều lần phẫu thuật thất bại khiến các mốc giải phẫu ban đầu bị xóa bỏ hoàn toàn. Nhưng nhờ ứng dụng công nghệ 3D, chỉ sau 2 lần phẫu thuật, đội ngũ bác sĩ tại Vinmec đã loại bỏ ổ nhiễm trùng và giải quyết triệt để mọi vấn đề liên quan tới hình thể, chức năng của vùng khớp gối tổn thương. Công nghệ đột phá đã mang lại cho bệnh nhân cơ hội phục hồi trọn vẹn khả năng đi lại.
Kết quả cuối cùng như một phép màu, chỉ hai ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể bắt đầu tập đi lại. Đến ngày thứ 10, bà Hà không chỉ có thể tự gập gối tới 100 độ mà còn có thể đi lại gần như bình thường, không cần bất cứ sự trợ giúp nào.
Bác sĩ Dũng cho biết, kết quả này vượt xa mọi kỳ vọng, thậm chí còn tốt hơn so với nhiều bệnh nhân thay khớp gối thông thường theo các phương pháp trước đây. Với tiến triển vượt trội đó, các bác sĩ dự đoán bà Hà sẽ nhanh chóng trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường và có thể đạp xe, leo cầu thang chỉ sau hai tuần.
“Tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ đi lại được nữa, hoặc tệ hơn là phải cắt bỏ đôi chân. Nhưng Vinmec đã mang đến cho tôi một phép màu”, bà Hà chia sẻ trong niềm xúc động nghẹn ngào.