Lần cắt bao quy đầu ở tiệm xăm khiến trai trẻ không dám yêu


Ở tuổi dậy thì, Trường (tên nhân vật đã được thay đổi), 25 tuổi, sống tại Ninh Bình, từng có một cậu nhỏ bình thường với chiều dài tương đương với các bạn cùng trang lứa.

Khi lớn hơn, tình cờ xem video trên mạng, Trường mới biết mình chưa lột da bao quy đầu. Vì nghe nói rằng đây là một thủ thuật đơn giản, cậu đã tìm đến một tiệm xăm để cắt da bao quy đầu.

Sau khi cắt bao quy đầu trở về nhà, Trường thấy cậu nhỏ bị sưng tấy, loét 0,3cm, chảy mủ ở vị trí khâu vết thương. Trường đã dùng kháng sinh nhưng không thấy đỡ.

Lần cắt bao quy đầu ở tiệm xăm khiến trai trẻ không dám yêu - 1

Bác sĩ Đức thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Mặc dù lo lắng, hoang mang, lo sợ vết khâu sau này bị nhiễm trùng và không quan hệ được, nhưng Trường chỉ ở nhà theo dõi, rửa vết thương.

Sau vài ngày, tình trạng của cậu không khá hơn. Trường quyết định tới một bệnh viện ở địa phương để thăm khám. Tại bệnh viện, bác sĩ đã kết luận cậu bị nhiễm trùng nặng, cần phải xử lý gấp.

Bác sĩ cũng nhận định, Trường đã bị cắt bao quy đầu quá tay, khiến cậu nhỏ bị ngắn đi. Khi ấy bác sĩ chỉ có thể xử lý vấn đề nhiễm trùng, còn việc cậu nhỏ bị ngắn, không thể xử lý được.

Sau sự cố cắt bao quy đầu quá tay, “cậu nhỏ” bị ngắn đi và đau mỗi lần cương cứng khiến Trường luôn cảm thấy tự ti, thậm chí không dám yêu ai hay chia sẻ với ai về câu chuyện của mình.

Vừa qua, sau khi tìm hiểu thông tin, Trường quyết định tìm tới Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để xử lý tình trạng “cậu nhỏ” của mình.

ThS.BS Nguyễn Văn Đức, Đơn nguyên Nam học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) là người tiếp nhận và xử lý trực tiếp ca bệnh của Trường.

Theo BS Đức, bệnh nhân bị cắt bao quy đầu ở tiệm xăm nên bị nhiễm trùng, đồng thời bị cắt quá nhiều da, phần da bao quy đầu còn lại rất ngắn.

Vì thế, nên khi bị loét, các bác sĩ trước đó đã cắt lọc tổ chức đó đi, sau đó khâu lại, hậu quả để lại, dù bác sĩ đã tiết kiệm da rất nhiều, nhưng vẫn bị thiếu da, việc khâu lại làm thân dương vật ngắn lại.

Khi kiểm tra, bác sĩ kéo căng dương vật của bệnh nhân Trường thì thấy tình trạng da rất căng do trước đây cắt bao quy đầu bị thiếu da, tức là người phẫu thuật đã cắt rất nhiều da của bệnh nhân và để lại hậu quả là chiều dài ngắn lại.

BS Đức đã đưa ra phương án xử lý phần da bị thiếu là tạo hình lại da trên dương vật cho bệnh nhân, bằng tấm độn sinh học.

Tấm độn sinh học là vật liệu y tế có cấu tạo từ mô da người đã được xử lý bằng công nghệ cao làm bất hoạt hoặc loại bỏ các mảnh vụn tế bào, kháng nguyên và virus tiềm ẩn. Trong khi đó, tấm độn vẫn duy trì tính toàn vẹn cấu trúc vốn có trong collagen.

BS Đức cho biết, sau 6 tháng, tấm độn sinh học sẽ gắn chặt vào thân của dương vật, giống như bộ phận của cơ thể người, trở thành da, thịt của cơ thể người. Từ đó, tình trạng thiếu da bao quy đầu và ngắn dương vật của bệnh nhân được cải thiện, giúp người bệnh lấy lại tự tin trong cuộc sống.

“Nam giới khi cắt bao quy đầu cần tìm đến cơ sở y tế uy tín, không nên thực hiện tại các cơ sở không đảm bảo. Nếu thực hiện ở các cơ sở không đảm bảo có thể gặp phải những hậu quả đáng tiếc”, BS Đức khuyến cáo.

Theo chuyên gia này, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, chảy mủ sau cắt bao quy đầu do:

– Không tuân thủ quy trình chăm sóc vệ sinh vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ;

– Người thực hiện không đúng kỹ thuật, dụng cụ cắt bao quy đầu không đảm bảo vệ sinh tiệt trùng;

– Bệnh nhân quan hệ tình dục sớm hoặc tham gia các hoạt động vận động mạnh khi vết thương chưa lành…

BS Đức nhấn mạnh: “Bệnh nhân bị nhiễm trùng, chảy mủ sau khi cắt bao quy đầu cần được xử lý càng sớm càng tốt. Nếu không được xử lý, nhiễm trùng sẽ lan rộng hơn tới các cơ quan xung quanh như: đường tiết niệu, tuyến tiền liệt…

Nguy hiểm hơn, tình trạng này có thể gây ra hoại tử vùng kín nam, suy thận, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và nhiều biến chứng nguy hiểm khác”.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *