Ngộ độc vì nghĩ thịt cóc bổ dưỡng
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ tiếp nhận cùng lúc 3 mẹ con trong tình trạng mệt lả, buồn nôn, nôn ói liên tục.
Người mẹ cho biết, nghe nói thịt cóc bổ dưỡng, nên chị đã bắt cóc, chế biến cho con ăn.
Trong quá trình chế biến, chị đã lột bỏ da cóc, bỏ nội tạng nhưng giữ lại trứng. 2 con ăn món cóc chiên, chị ăn món trứng cóc chiên khoảng 30 phút thì thấy nôn nao, buồn nôn, nôn ói nên được đưa ngay đến trung tâm y tế huyện, sau đó chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Bác sĩ điều trị cho biết, may mắn do ăn lượng ít và vào viện ngay khi có biểu hiện, nên cả 3 mẹ con bệnh nhân đều chưa ảnh hưởng đến cơ quan tim mạch, thần kinh.
Bệnh nhân được rửa dạ dày, dùng than hoạt, truyền dịch thải độc, tình trạng dần cải thiện.
Tại Trung tâm y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) giữa tháng 10 cũng tiếp nhận, điều trị 3 ca ngộ độc thịt cóc. Các bệnh nhi từ 7 đến 9 tuổi, cùng trú xã Ia Hla, huyện Chư Pưh (Gia Lai).
Theo người nhà bệnh nhân, 3 em nhỏ ở nhà tự bắt cóc, làm thịt cóc ăn bữa trưa. 30 phút sau khi ăn, các em nôn ói nhiều, mệt mỏi, được gia đình đưa vào Trung tâm y tế huyện Chư Sê cấp cứu.
Dễ dính độc tố
TS.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người dân không nên mạo hiểm ăn thịt cóc vì nghĩ bổ, chữa được còi xương, suy dinh dưỡng. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định, nhưng lại tiềm ẩn quá nhiều rủi ro ngộ độc.
“Trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh cóc có chứa rất nhiều chất độc, đặc biệt là chất độc bufotoxin. Đây là một chất cực độc, bền với nhiệt, có thể gây rối loạn nhịp tim và tử vong trong thời gian rất ngắn”, TS Vân cảnh báo.
Các độc tố trong cóc được hấp thu qua đường tiêu hóa. Vì thế, khoảng 1-2 giờ sau khi ăn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đầu tiên như chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội,… có thể bị tiêu chảy.
Sau đó, nạn nhân có thêm các triệu chứng như chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và các triệu chứng khác.
Thịt và mỡ của cóc tuy không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến thì vẫn có thể bị chất độc từ các bộ phận khác dính vào. Ngộ độc thịt và trứng cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cảnh báo, trong quá trình chế biến cóc, rất dễ gây vỡ các tuyến nọc độc của cóc. Vì chất độc của cóc có trong nhựa cóc (là dịch tiết màu trắng đục) có “chi chít” ở các tuyến dưới da và mang tai. Đó là lý do nhiều trường hợp ngộ độc thịt cóc dù đã bỏ hết da, nội tạng, trứng cóc.
“Độc tố rất dễ dính vào vùng thịt, khi ăn vẫn xảy ra ngộ độc như thường”, TS Nguyên nói.
Trong nọc cóc có những thành phần rất độc với hệ thần kinh và đặc biệt là tim. Tỷ lệ tử vong của loại ngộ độc này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện.
Vì thế, người dân không nên ăn thịt cóc để “tẩm bổ” vì thực tế, rất nhiều loại thực phẩm khác như trứng, thịt bò, thịt lợn, tôm, cua, cá… đều là những nguồn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể mà không tiềm ẩn mối nguy quá lớn như khi ăn thịt cóc.