Chiều 14/4, bác sĩ Ngô Tuấn Khiêm (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nữ bệnh nhân được chẩn đoán mắc trầm cảm nặng không loạn thần, có ý tưởng và hành vi tự sát.
Theo khai thác thông tin từ bố mẹ, cô là con cả trong gia đình có 2 chị em. Cô không hợp với em trai, hay chành chọe cãi cọ chuyện nhỏ nhặt. Tuy nhiên, mối quan hệ với bố mẹ và gia đình tốt đẹp, yêu thương, kinh tế gia đình bình thường.

Cô gái nhập viện điều trị vì trầm cảm nặng, có hành vi tự sát (Ảnh: Chinh Nguyên).
Học cấp 2, cấp 3, cô đều được bạn bè, thầy cô đánh giá ngoan ngoãn, hiền lành, có ít bạn bè, học lực khá.
Khi lên Hà Nội học đại học, cô trọ cùng một bạn nữ, vui vẻ, hay tâm sự, mua sắm cùng nhau. Cô cũng học hành ổn định, không phải thi lại môn nào.
Tuy nhiên, trước thời điểm nhập viện 2 tháng, gia đình bệnh nhân xảy ra biến cố là bố bị ốm, không đi làm được. Bệnh nhân bày tỏ sự lo lắng, thương bố.
Rồi sau khoảng 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện chán nản, bi quan, không thiết tha làm việc gì. Cô cũng không còn muốn đi chơi, mua sắm cùng bạn, không tập trung nghe giảng được, xem bộ phim cũng khó khăn.
Chỉ trong 2 tuần, cô sụt đến 3kg do ăn kém ngon, ngủ ít chỉ được 2-3 tiếng/đêm, có những đêm thức trắng vì lo lắng khi học hành không tập trung được, thương bố ốm đau.
Bệnh nhân có nhiều lúc thấy bi quan, tuyệt vọng, sau đó có nhiều lần nghĩ đến cái chết. Bệnh nhân thường nghĩ đến tự tử vào buổi tối, khi nằm một mình, không ngủ được và thấy tương lai ảm đạm.
Bạn cùng phòng phát hiện cô có hành vi định tự tử đã báo gia đình đưa vào viện.
Một bệnh nhân khác là nữ học sinh 15 tuổi. Em sống cùng bố mẹ, ông bà đến năm 6 tuổi thì mẹ đi làm ăn xa, lấy một người chồng khác, để 2 chị em cho bố nuôi.
Dù được ông bà yêu thương, chăm sóc, nhưng bố bệnh nhân đôi lúc buồn chán là uống rượu, gây chuyện mắng chửi các con vô cớ. Mẹ thỉnh thoảng về thăm, mua quần áo cho các con, bố đều vứt đi hết, không cho con gọi điện với mẹ, ngăn cản con gặp mẹ.
Em đang học lớp 9 tại trường THCS gần nhà, học trung bình kém. Trong lớp có chơi cùng các bạn nữ, nhưng ít chia sẻ chuyện gia đình với các bạn.
3 tháng gần đây bệnh nhân xảy ra mâu thuẫn với bạn trong lớp, bị cô lập, nói xấu, em đã báo cáo lên cô chủ nhiệm nhưng không giải quyết được gì. Bệnh nhân có nói với bố nhưng bố cho rằng chuyện trẻ con, không xử lý, giúp gì con.
Sau đó bệnh nhân xuất hiện tâm trạng buồn chán, thường ngồi một mình, ít nói chuyện với mọi người, đi học rồi về nhà. Đêm em ngủ kém, trằn trọc khó vào giấc, sáng dậy không tập trung nghe giảng, không hiểu bài, dễ cáu gắt. Em đã có vài lần dùng dao cắt tay để giải tỏa căng thẳng.
Cách vào viện một ngày, bệnh nhân uống thuốc chuột tự tử, được gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu.
Theo bác sĩ Bùi Văn Lợi, Phó Trưởng phòng Rối loạn cảm xúc và Rối loạn ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết trầm cảm là rối loạn phổ biến ở trẻ em và vị thành niên, với nguy cơ kéo dài đến tuổi trưởng thành cao gấp 4 lần. Đây là một trong bốn nguyên nhân gây tử vong ở độ tuổi 10-14 và nằm trong ba nguyên nhân hàng đầu ở nhóm 15-24 tuổi.
Đặc biệt, trầm cảm ở tuổi vị thành niên có biểu hiện khác người lớn. Thay vì buồn rầu, trẻ có thể cáu kỉnh, dễ kích động nên dễ bị bỏ sót khi khám bệnh.
Dấu hiệu nhận biết trẻ trầm cảm gồm buồn bã, hay khóc; cảm giác vô vọng; cáu gắt, dễ nổi nóng; mất hứng thú với sở thích; cảm giác vô giá trị, tội lỗi; nhạy cảm với lời từ chối; suy nghĩ về cái chết…
Đặc biệt, trẻ có thể ngủ rất ít, hoặc có trẻ lại ngủ rất nhiều. Vì thế, nếu thấy con có biểu hiện tâm trạng bất thường, ăn ngủ kém hoặc ngủ nhiều bất thường, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được can thiệp kịp thời.