Riềng có trong nhiều công thức nấu ăn của người châu Á vì chúng có hương vị độc đáo. Loại gia vị này cũng được đưa vào y học cổ truyền với tên gọi là cao lương khương.
Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe đáng chú ý của riềng:
1. Tác nhân chống ung thư mạnh mẽ
TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, lợi ích sức khỏe nổi bật nhất của riềng là khả năng chống lại và có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư và khối u một cách mạnh mẽ.
Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2014 ở Iran đã phát hiện ra rằng chiết xuất riềng lỏng đã phá hủy đáng kể số lượng tế bào ung thư dạ dày trong một thử nghiệm trong phòng thí nghiệm sau 48 giờ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chiayi ở Đài Loan cũng đã nghiên cứu tác động của 3 hợp chất từ củ riềng đối với tế bào khối u ác tính (ung thư da) ở người. Cả 3 hợp chất đều có tác dụng chống tăng sinh, nghĩa là chúng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào mới.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 đã thử nghiệm nhiều hợp chất từ riềng trong phòng thí nghiệm và tác động của chúng đối với các tế bào ung thư tuyến tụy. Họ phát hiện ra rằng chúng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào mới và ức chế các con đường gen chịu trách nhiệm mở rộng tác động của ung thư.
Ngoài ra, còn nhiều nghiên cứu khác cho thấy công dụng chống ung thư của củ riềng với ung thư đại tràng, vú, gan, đường mật…
2. Cải thiện số lượng và chức năng của tinh trùng
Riềng hữu ích trong việc thúc đẩy khả năng sinh sản của nam giới. Trong một mô hình chuột, các nhà nghiên cứu ở Iran đã phát hiện ra rằng riềng làm tăng số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng.
Một nghiên cứu ở Đan Mạch đã xem xét ảnh hưởng của thân rễ riềng kết hợp với chiết xuất từ quả lựu đối với tinh trùng ở nam giới khỏe mạnh. Các nhà khoa học kết luận rằng số lượng tinh trùng di động tăng gấp 3 lần so với giả dược.
3. Hoạt động như một chất chống viêm
Chứng viêm là gốc rễ của hầu hết các bệnh. Điều này có nghĩa là tình trạng viêm mãn tính có liên quan đến sự phát triển nhiều loại bệnh, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer và một số bệnh khác.
Nghiên cứu cho thấy củ riềng thể hiện tác dụng chống viêm trên cơ thể nói chung và chống lại các tình trạng cụ thể.
Theo TS Giang, loại thảo dược này cũng có thể giúp giảm viêm liên quan đến viêm khớp. Trong một nghiên cứu năm 2001, các đối tượng dùng một hợp chất bao gồm chiết xuất riềng và gừng đã giảm đáng kể chứng đau khớp gối.
Một tình trạng khác có thể được điều trị thành công bằng một trong những hoạt chất trong riềng (kaempferol) là bệnh viêm vú. Khi được điều trị bằng kaempferol, những con chuột trong một nghiên cứu đã giảm viêm đáng kể.
Một tình trạng đặc biệt quan trọng khác có thể được điều trị bằng riềng là tổn thương phổi cấp tính dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính. Kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc chỉ ra rằng hoạt động chống viêm của củ riềng dường như có tác động tích cực đến tổn thương phổi cấp tính và có thể là một lựa chọn điều trị quan trọng trong tương lai.
4. Có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm
Nghiên cứu cho thấy chiết xuất riềng có tác dụng kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, E. coli, listeria, salmonella và clostridium.
Một loại vi khuẩn phổ biến khác mà khoảng 66% dân số thế giới mang theo (theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ) được gọi là H. pylori. Một nghiên cứu chỉ ra rằng loại thảo dược mạnh mẽ này có thể giúp ngăn ngừa loét dạ dày thường do vi khuẩn H. pylori gây ra.
5. Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Các chất chống oxy hóa có trong riềng dường như hiệu quả nhất trong việc bảo quản các sản phẩm thịt trong thời gian dài hơn là không có riềng.
6. Hỗ trợ sức khỏe não bộ
Điều này một phần do đặc tính chống viêm của riềng. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng một hợp chất lấy từ riềng là ACA có thể có tác dụng bảo vệ não, làm giảm một số dạng thoái hóa nhận thức liên quan đến tuổi tác.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng riềng thậm chí có thể giúp chống trầm cảm.
7. Có thể làm dịu cơn đau dạ dày và các vấn đề về tiêu hóa
TS Giang cho biết thêm, mặc dù rõ ràng riềng có những lợi ích đáng kinh ngạc theo khoa học hiện đại, nhưng tác dụng lâu đời nhất và thường được tìm kiếm nhất của riềng là tác dụng đối với chứng đau dạ dày. Trong y học cổ truyền, riềng được sử dụng để làm dịu cơn đau dạ dày, giải quyết tiêu chảy, giảm nôn mửa và ngừng nấc cụt.