Tại Hội nghị khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29, vừa diễn ra ở TPHCM, Giáo sư Mai Hồng Bàng, Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam cho biết, trong số 5 loại ung thư phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam (ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng), có đến 3 loại ung thư thuộc cơ quan tiêu hóa và đều là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Bệnh lý tiêu hóa rất phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh lý này chiếm tỷ lệ cao trong nhóm bệnh nội và ngoại khoa, với biểu hiện triệu chứng đa dạng, tiến triển âm thầm nhưng diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nặng nề.
Trong số nhóm ung thư tiêu hóa, ung thư gan – mật – tụy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa (như ung thư dạ dày thực quản, ung thư gan mật tụy, ung thư đại trực tràng) ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Thống kê cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng gần 18.000 người mắc ung thư dạ dày, trong đó 15.000 trường hợp tử vong. Với ung thư đại trực tràng thì có 16.000 người mắc và hơn 7.000 người chết.
Giáo sư Mai Hồng Bàng nhận định, những con số thống kê trên đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nghiên cứu về bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng sâu và chất lượng hơn, góp phần chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả.
Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đội ngũ các thầy thuốc, các nhà khoa học đã không ngừng nỗ lực cập nhật và ứng dụng các thành tựu trong thực hành lâm sàng để giúp chẩn đoán sớm và chính xác, điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng và thời gian sống cho người bệnh.
Các chuyên gia cho biết, trước đây, phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư dạ dày là phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn uống sau mổ, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng.
Nếu ung thư giai đoạn sớm, người bệnh cũng phải cắt nửa phần trên dạ dày, nhưng việc nối lại thực quản và dạ dày sau khi cắt là một thách thức. Hiện nay, việc phẫu thuật nội soi bảo tồn chức năng dạ dày, điều trị đa mô thức là xu hướng chung trong điều trị ung thư dạ dày cũng như các loại ung thư khác.
Ngoài ra, một số bệnh viện trong nước đã ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong chẩn đoán sớm và theo dõi, phát hiện tái phát sau điều trị ung thư dạ dày, đạt được thành công bước đầu.