Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề Hội nghị tế bào gốc thường niên lần thứ 13, diễn ra mới đây ở TPHCM, Phó giáo sư Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TPHCM, cho biết từ năm 2012, có 68 danh mục kỹ thuật liên quan đến tế bào gốc được Bộ Y tế cho phép thực hiện.
Mới đây vào ngày 18/10, đã có thêm những danh mục kỹ thuật mới về ứng dụng tế bào gốc trong y khoa được cập nhật, trải đều ở các lĩnh vực như da liễu, cơ xương khớp…
Năm qua, Hội Tế bào gốc TPHCM chú trọng đến vấn đề thẩm mỹ và chống lão hóa trong tế bào gốc, vì đây là các lĩnh vực Bộ Y tế đã cho phép một số đơn vị ở TPHCM nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, với một số nghiên cứu cơ bản đã được công bố.
Theo Phó giáo sư Toại, hiện nay, việc quảng cáo quá sự thật hoặc không đúng sự thật, quảng cáo khi chưa được cấp phép là một vấn nạn trong lĩnh vực tế bào gốc.
Cụ thể, rất nhiều quảng cáo tế bào gốc trên mạng ghép thông tin chỗ này vào chỗ khác. Thậm chí mới đây, có quảng cáo tế bào gốc đóng cả logo đài truyền hình quốc gia trên clip, sử dụng AI để làm giả…
Khi xem những quảng cáo này, người dân rất dễ tin tưởng và nghe theo, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tại TPHCM, cơ quan quản lý y tế đã công bố thông tin các phòng khám, cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh đầy đủ trên website, người dân có thể tra cứu khi muốn thực hiện bất kỳ một kỹ thuật y tế nào, bao gồm cả tế bào gốc.
Phó giáo sư Toại khuyến cáo, ngoài các xử lý của cơ quan chức năng, rất cần những người tiêu dùng thông minh. Đơn cử, người dân khi đến các phòng khám, cơ sở y tế cần tìm hiểu kỹ, đề nghị họ cung cấp giấy phép hoạt động, các yếu tố pháp lý trong việc được phép thực hiện kỹ thuật tế bào gốc.
“Người bệnh phải nhận diện được ngay vấn đề, khi có nơi nào đó quảng cáo nhập tế bào gốc từ nước ngoài. Bởi cho đến nay, Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất cứ một đơn vị nào thực hiện điều này, mà chỉ cho nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm tế bào gốc trong nước”, ông Toại nói.
Phó giáo sư Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ tế bào gốc đã và đang mở ra những triển vọng to lớn trong y học hiện đại, từ trị liệu các bệnh lý phức tạp, tái tạo mô đến ứng dụng trong các lĩnh vực.
Dù vậy, ông nhấn mạnh việc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật trong nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng tế bào gốc, phải tuân theo các quy định của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là đảm bảo an toàn, minh bạch và đạo đức trong y học.
Các nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ hướng đến sự đổi mới, mà còn phải gắn liền với trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội.
Trước đó, tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam”, diễn ra vào tháng 9, Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), chia sẻ hiện nay việc điều trị tế bào gốc còn mang tính tự phát, nhiều nơi ứng dụng chưa đúng quy định.
Đặc biệt, nhiều quảng cáo không được kiểm chứng khoa học có thể gây hậu quả cho người bệnh, hoặc gây tốn kém khi hiệu quả không rõ ràng.