Được trao quyền, giám đốc bệnh viện vẫn băn khoăn cách thực hiện
Tại Hội nghị giám đốc về Đào tạo – Chỉ đạo tuyến và Đấu thầu được Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chia sẻ về vấn đề “gỡ nút thắt” đấu thầu trong lĩnh vực y tế.
“Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, vừa được Chính phủ ban hành có những điểm mới để giải quyết khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế”, ông Cương nói.
Ông Cương khẳng định, hiện các chủ đầu tư đã có đủ hành lang pháp lý để thực hiện đấu thầu.
Tuy nhiên, để công tác đấu thầu được thực hiện dễ dàng và đồng bộ, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế cũng đang khẩn trương xây dựng các thông tư, hướng dẫn để cụ thể hóa Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
“Trong quá trình xây dựng luật, về cơ bản, chúng tôi đã nhìn ra các vướng mắc, khó khăn trong vấn đề đấu thầu nói chung và đặc biệt là đấu thầu trong lĩnh vực y tế nói riêng, để có hướng giải quyết trong luật và nghị định”, ông Cương cho hay.
Cũng theo ông Cương, trong luật mới trao quyền nhiều hơn cho các giám đốc bệnh viện công lập trong công tác đấu thầu.
Ông Cương cũng nhấn mạnh, sự cần thiết của các cơ chế giao toàn quyền cho giám đốc bệnh viện để đảm bảo tính linh hoạt, tự chủ của các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, công tác này cần phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước.
Tiến tới xây dựng thông tư để phân cấp cho các đơn vị trong hoạt động đấu thầu, trong đó phần quyền và giao cho các giám đốc bệnh viện được quyền quyết định các vấn đề liên quan đến đấu thầu, mua sắm.
Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra, vẫn có trường hợp giám đốc bệnh viện trực tiếp bày tỏ băn khoăn về cách thực thiện như thế nào cho đúng.
“Luật mới phân cấp một cách triệt để, về cơ bản sẽ phân cấp cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành phân cấp cho các bệnh viện công lập theo hướng sắp tới giám đốc bệnh viện sẽ quyết tất. Phân cấp triệt để ,để tự quyết và tự chịu trách nhiệm”, ông Cương nói.
Băn khoăn về “phí ship”, mỗi cơ quan một cách hiểu
Các chia sẻ tại hội nghị cũng xoay quanh vấn đề vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, thuốc, vật tư, khiến nhiều bệnh viện vẫn băn khoăn chưa dám thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực về mắt.
Theo nhiều bệnh viện, mặc dù luật đấu thầu sửa đổi cũng như nghị định 24 đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm của các cơ sở y tế, song trên thực tế hiện vẫn chưa có đầy đủ thông tư hướng dẫn nên nhiều bệnh viện chưa dám thực hiện.
Đáng chú ý, theo đại diện các bệnh viện mắt, vẫn chưa có sự phân nhóm các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị cụ thể đâu là hạng mục dành cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh được phép chủ động đấu thầu mua sắm.
Chia sẻ bên lề hội nghị, BSCKII Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM nhận định, luật 22 và nghị định 24 có nhiều điểm mới về đấu thầu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, góp phần tháo gỡ những nút thắt bấy lâu nay.
Tuy nhiên, từ thực tiễn, chuyên gia này nhận định trong quá trình đấu thầu chắc chắn sẽ còn nhiều điều khó khăn do các bệnh viện vẫn chưa thể hiểu hết các quy định mới.
Vị lãnh đạo này chỉ ra 3 vấn đề cần các cơ quan chức năng hướng dẫn thêm bằng thông tư, cũng như có biện pháp để hỗ trợ cơ sở y tế thực thi luật đấu thầu mới một cách chính xác, đồng bộ, đặc biệt tránh vấn đề cách hiểu khác nhau về các định nghĩa, thuật ngữ giữa các cơ quan hữu quan khi làm việc với bệnh viện:
Thứ nhất là cần các thông tư, hướng dẫn về vấn đề chọn nhóm nước, nguồn gốc sản xuất nói chung trong đấu thầu. “Theo luật và nghị định hiện tại chúng tôi vẫn chưa thật sự rõ để có thể lựa chọn đúng với quy định và nhu cầu của bác sĩ chuyên môn”.
Thứ hai là cần có hướng dẫn về những hình thức đấu thầu mới nhưng các bệnh viện chưa có kinh nghiệm. BS Tuấn dẫn chứng về đấu thầu trọn gói cung cấp dịch vụ.
Với hình thức này, các cơ sở y tế có thể chọn được nhà cung cấp trọn gói về trang thiết bị, hóa chất, tất cả chế độ, vật tư bảo hành đi kèm.
Ông nhấn mạnh đây là điểm rất hay của luật để tránh phụ thuộc vào nguồn vật tư độc quyền. Tuy nhiên, hiện trên toàn quốc chưa có bệnh viện nào có kinh nghiệm về việc này và cần có hướng dẫn của các bộ ngành.
“Nghị định có hướng dẫn rất rõ về vấn đề báo giá nhưng chúng tôi lo vấn đề các cơ quan hữu quan hiểu khác nhau về vấn đề báo giá, điển hình là câu chuyện có lấy giá ship (giá vận chuyển – PV) hay không.
Thực sự khi chúng tôi đọc hết các thông tư, nghị định không hề thấy vấn đề về giá ship, nên chúng tôi rất băn khoăn vấn đề này”, BS Tuấn nhấn mạnh.
Việc thứ ba, theo Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế sau thời gian thực hiện các quy định mới về đấu thầu khoảng 6 tháng hoặc một năm cần có sơ kết, đánh giá, để các đơn vị trình bày khó khăn vướng mắc gặp phải thực tiễn và được hướng dẫn gỡ rối.
Hội nghị Giám đốc về Đào tạo – Chỉ đạo tuyến và đấu thầu do Bệnh viện Mắt trung ương chủ trì cùng sự tham dự của các bệnh viện mắt công lập trên toàn quốc diễn ra sáng nay tại Bắc Ninh.
Theo PGS.TS.Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Mắt Trung ương, hội nghị là nơi chia sẻ, trao đổi của các lãnh đạo bệnh viện mắt sau thời gian Covid-19. Qua những trao đổi tại hội nghị, sẽ hướng tới 3 vấn đề chính:
– Tăng cường hiệu quả của công tác đào tạo – chỉ đạo tuyến.
– Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, bao gồm nghiên cứu ứng dụng và cập nhật các kiến thức nhãn khoa trên thế giới.
– Cùng tháo gỡ các vướng mắc của vấn đề đấu thầu.