Mở cửa xe ô tô tưởng chừng là điều dễ dàng, thế nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện một cách an toàn. Trên thực tế, nhiều vụ va chạm, thậm chí tai nạn chết người xảy ra chỉ bởi nguyên nhân từ những cái mở cửa xe ẩu, thiếu quan sát và vô ý thức.
Đơn cử như vụ việc mới đây xảy ra vào khoảng 10h sáng 13/10 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) liên quan đến tài xế taxi mở cửa bất cẩn khiến 1 người phụ nữ đi xe máy thiệt mạng khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Theo đó, chiếc taxi đang dừng bên đường để khách xuống xe, nhưng không sát về lề bên phải. Nam tài xế chiếc taxi này bất ngờ mở cửa ghế lái, đúng lúc người phụ nữ điều khiển xe máy đi từ phía sau đến tông trúng cánh cửa, ngã xuống đường. Không may, một chiếc ô tô 4 chỗ chạy ngược chiều đã không kịp phanh tông vào nạn nhân. Người phụ nữ sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
(Nguồn video: OtoSaigon)
Mở cửa ô tô không đảm bảo an toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với VietNamNet về tình huống trên, luật sư Dương Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, việc mở cửa xe ô tô một cách an toàn đã được “luật hóa” rất rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Cụ thể, tại khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ: “Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn”.
Với lỗi mở cửa xe thông thường, tài xế bị xử phạt theo khoản 2, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) với mức phạt tiền 400-600 nghìn đồng. Đồng thời, nếu lái xe thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX 2-4 tháng.
Tuy nhiên, với trường hợp mở cửa xe khiến 1 người chết như vụ việc ở Vũng Tàu ở trên, luật sư Thắng cho rằng tài xế taxi rất có khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt có thể lên tới 10 năm tù.
“Với vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm 1 người chết, tài xế có thể bị áp theo khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp xấu hơn, căn cứ theo hồ sơ và kết quả điều tra từ phía cơ quan công an, nếu tài xế taxi không có GPLX theo quy định, vi phạm nồng độ cồn, trong người có chất ma tuý, cố ý không cứu giúp người bị nạn,… thì sẽ bị áp theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 3-10 năm”, luật sư Dương Đức Thắng nhận định.