Bơ là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như ăn nguyên miếng, xay sinh tố, trộn salad, nấu chè, làm kem, làm bánh, làm sushi…
Mặc dù mỗi khẩu phần bơ có chứa một lượng lớn calo, nhưng nó cũng rất giàu chất xơ, vitamin K, folate, vitamin C, vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin A, đồng, mangan, magie, phospho, kẽm, sắt và kali, cùng với một số axit béo omega-3, axit béo omega-6, choline, betaine, calci và selen.
Thành phần dinh dưỡng của bơ tùy thuộc vào giống bơ, thổ nhưỡng, mùa, độ trưởng thành của cây.
Trong đó, với giống Persea Americana được nghiên cứu, 100gr cùi bơ có 15gr chất béo chủ yếu là MUFA và PUFA, 8,5gr cacbon hydrate (6,8gr là chất xơ) và 2gr protein. Trung bình 100gr bơ cung cấp khoảng 160 kcal, 14% nhu cầu kali hàng ngày cho cơ thể.
Ngoài ra, tách chiết từ cùi, hạt, lá bơ cũng cho ra các chất có hoạt tính chống oxy hóa, chống các tế bào ung thư như carotenoid, phenolics, dẫn xuất furanone…
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, các dòng tế bào ung thư bị ức chế bởi các chất chiết xuất từ bơ (lá, vỏ, cùi, hạt) đã được chứng minh trong ống nghiệm bao gồm ung thư vú, ruột kết, gan, phổi, thanh quản, bệnh bạch cầu, thực quản, miệng, buồng trứng và tuyến tiền liệt.
Các chất chiết xuất theo các cơ chế khác nhau tác động lên quá trình phân chia của tế bào, góp phần vào hoạt động chống ung thư của cả quả bơ.
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy MUFA trong quả bơ giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Đối với các loại ung thư khác, nghiên cứu lâm sàng còn hạn chế.
Nghiên cứu trong ống nghiệm đã chứng minh khả năng chống oxy hóa của các hoạt chất có trong bơ như hợp chất phenolic (bao gồm axit phenolic và hydroxycinnamic, flavonoid và tannin ngưng tụ), carotenoid, α, β, γ, và δ-tocopherols, acetogenin, MUFA và PUFA.
Các nghiên cứu cũng cho thấy các chất chiết xuất từ lá, vỏ, hạt có khả năng chống oxy hóa cao hơn so với cùi. Tuy nhiên các chất chống oxy hóa này cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu độc tính và hiệu quả trên người.
TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết thêm, Tạp chí Dinh dưỡng và Ung thư đã công bố kết quả của một nghiên cứu in vitro cho thấy các hoạt chất trong quả bơ có thể giúp tiêu diệt các tế bào ung thư vòm họng.
Một nghiên cứu sơ bộ được công bố vào năm 2011 cho thấy các hoạt chất chiết xuất từ quả bơ giúp bắt giữ chu kỳ tế bào, ức chế sự phát triển và thúc đẩy quá trình chết rụng ở các dòng tế bào tiền ung thư và ung thư. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các hoạt chất trong bơ giúp tăng sinh các tế bào lympho của người và giảm các thay đổi nhiễm sắc thể.
“Một lý do khác khiến bơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư và tiểu đường là do các axit béo không bão hòa đơn. Chúng đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh mãn tính tốt vì khả năng giảm viêm”, TS Giang phân tích.
β-sitosterol, một hợp chất khác được tìm thấy trong quả bơ, có khả năng bảo vệ tuyến tiền liệt và có liên quan đến chức năng miễn dịch tốt hơn giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Bên cạnh đó, với hàm lượng chất béo không bão hòa chiếm ưu thế cao đặc biệt là MUFA cùng với nhiều chất xơ, bơ rất có lợi với sức khỏe tim mạch. Đưa bơ vào chế độ ăn uống cân bằng giúp ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch do mức cholesterol thấp.
Nghiên cứu tổng hợp năm 2018 cho thấy chế độ ăn có bơ giúp gia tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt), có lợi cho tim mạch.
Như vậy, sử dụng bơ thường xuyên giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Do bơ có hàm lượng chất béo và calo cao, bạn chỉ nên ăn trung bình một nửa quả bơ hàng ngày (khoảng 100gr), bảo quản để đảm bảo chất lượng tốt nhất.