'Nghệ sĩ mà quay lưng với thầy giáo thì khán giả cũng quay lưng với họ'


Thật buồn khi những người ‘làm đẹp cho đời’ lại hành xử như thế!

Những ngày qua dư luận dậy sóng vì bài đăng của ca sĩ Đinh Trang tố ba nghệ sĩ trẻ nói xấu, miệt thị cô một cách cay nghiệt trong nhóm chat Facebook.

ca si lan quynh.jpg
 Lan Quỳnh là 1 trong 3 ca sĩ bị ca sĩ Đinh Trang nhắc tới trong ‘lùm xùm’ mấy ngày qua.

Chia sẻ với VietNamNet, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: “Nghệ thuật là sứ giả của những điều đẹp đẽ nhất được đấng tối cao gửi xuống xoa dịu cuộc đời, giúp cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn. Hơn thế nó còn chia sẻ nỗi đau, hân hoan cùng niềm hạnh phúc, giúp cảm xúc của mỗi người được thăng hoa. Cho nên, nghệ thuật là nhân văn, người làm nghệ thuật giàu lòng nhân ái. Người làm nghệ thuật không nên quay lưng với thầy dạy của mình.

Nghệ thuật ca hát dân gian có câu nói rất hay: ‘Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm’. Học cả khóa, học một năm, một tháng, một ngày hay thậm chí chỉ gián tiếp nghe tác phẩm hay đọc được một ý hay giúp bản thân mình ‘khai mở’ một điều gì đó cũng là điều hết sức đáng trân trọng, xứng đáng được tôn vinh là thầy”.

Đồng tình với ý kiến này của nhà phê bình Nguyễn Quang Long, bạn Nguyenkhangthai nhận định: “Showbiz ngày một đông đúc nên cũng sẽ có người này người kia. Tài năng, đức độ còn khó cạnh tranh vị trí nữa là mấy người tài năng chưa thấy đâu mà đã vô ơn bạc nghĩa”.

Người đọc ký tên Khải đưa ra lời cảnh báo: “Có nhiều nghệ sĩ trẻ tự dưng thành sao sau một cuộc thi nào đó thế là tưởng mình thành sao thật, rồi phủ nhận công ơn những người đã nâng đỡ mình. Chẳng mấy sẽ lại thành sao xịt thôi!”.

Bạn đọc Vũ Tuấn Lực thể hiện sự bất bình: “Chẳng cứ người làm nghệ thuật, mà nghề nào cũng thế. Không tôn sư thì sao hiểu trọng đạo, chưa thành nhân mà sao thành công được? Càng đọc càng bực bội! Không thể ngờ những người làm nghệ thuật, tưởng tốt đẹp lại hóa ra hành xử thua xa cả người ít học”.

Độc giả Thành Huy Lê đánh giá: “Tôi nghĩ những nghệ sĩ trẻ này đã tự tay đạp đổ bát cơm của mình rồi! Ai còn muốn nghe họ hát, muốn nhìn thấy họ trình diễn trên sân khấu lung linh ánh đèn mà thực ra tâm hồn tăm tối, tri thức hạn hẹp khi ngay cả bài học đầu tiên về tôn sư trọng đạo cũng không thèm đếm xỉa”. 

Sống vô ơn thì không thể thành công

Độc giả Đỗ Hạnh thẳng thắn nói: “Học trò nghệ sĩ mà quay lưng với thầy của mình thì các khán giả cũng sẽ quay lưng với chính họ thôi. Chẳng ai đi hâm mộ một người sống vô ơn cả”.

Theo độc giả Vũ Thanh Thu: “Truyền thống tôn sư trọng đạo không tỷ lệ thuận với tài năng. Nhưng thước đo nhân cách thì có. Không có nhân cách thì sao hiểu tôn sư trọng đạo? Dù tài giỏi mà không có sự tôn sư trọng đạo không thể thành công và được yêu mến đâu”.

Bạn Trần Thị Mai Loan không giấu nổi sự băn khoăn: “Chẳng thể hiểu, khi hạ bệ những người đã dìu dắt mình, họ có tiến thêm được bước nào, có thành công hay nổi tiếng, giỏi giang hơn không?”.

“Nếu đọc những lời xin lỗi của LQ mới thấy bực bội, và đau xót cho những người làm nghề giáo, nhất là giáo viên của những người tự nhận là nghệ sĩ”, người đọc ký tên Trường Phương nói.

Bạn Hải Hà bày tỏ: “Tôi mong người trẻ có sự chân thành, biết lỗi và biết ơn, dù chỉ là thầy trong một câu nói, một sự tư vấn trong quá khứ đã rất xa nhưng nó giúp mình khá hơn lên. Đây cũng là suy nghĩ của tôi. Mong các em lắng nghe và thấu hiểu. Chứ đừng để cái tôi to quá, cuối cùng xấu cả hình ảnh của mình và quan trọng là nhân cách không còn, sự tôn trọng của lớp đàn em, các đồng nghiệp cũng mất sạch”.

Người đọc có nickname Hải Tâm_98 cho rằng: “Háo thắng, vô ơn, chưa xong bài học đạo đức vỡ lòng đã lên mặt dạy đời, các ca sĩ trẻ này xứng đáng được nhận bài học nghiêm khắc. Nếu còn trụ được với nghề, ngoài trau dồi chuyên môn việc đầu tiên là phải học làm người, sống tình nghĩa có trước có sau, biết kính trọng những người đi trước đã dạy dỗ, bảo ban mình”.

Độc giả Bùi Hiếu An chia sẻ: “Các nghệ sĩ chân chính sẽ có cách cư xử đúng mực, hiểu biết, trân trọng những người đã góp phần tạo nên thành công cho mình”.

“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Các cụ ngày xưa nói cấm có sai. Sống có tình có nghĩa, biết trước biết sau thì sự nghiệp mới thành công bền lâu được” – là phần bình luận đáng suy ngẫm của bạn Lưu Huy.

Trong khi đó, bạn ngothithanh72 vẫn mong đợi lời xin lỗi chân thật của những nghệ sĩ trẻ: “Theo dõi trang Facebook và quá trình hoạt động nghệ thuật của Sao Mai LQ cũng thấy hoạt động năng nổ, giọng hát được đào tạo chỉn chu, có nhiều khán giả yêu thích. Hôm qua, tôi mới biết đến câu chuyện không hay này. Nếu là lỗi lầm, sự ngạo mạn nhất thời của tuổi trẻ thì mong rằng bạn biết quay đầu nhận lỗi chân thành. Thật đáng tiếc khi tài năng chưa kịp nở rộ đã bị héo úa bởi những suy nghĩ và việc làm đáng trách”.

 Mạng xã hội đang ồn ào trước bài đăng của ca sĩ Đinh Trang, Á quân cuộc thi Sao Mai 2013 dòng nhạc Thính phòng “tố” 3 nghệ sĩ trẻ lập nhóm chat riêng tư chê bai, mỉa mai “mổ xẻ” những khuyết điểm trong đêm nhạc của cô. Đinh Trang cũng cho biết cả ba ca sĩ nói xấu mình chính là những người đã được cô tư vấn, dạy dỗ, dựng bài cho cuộc thi Sao Mai 2022, trong đó Lan Quỳnh – người từng giành giải Quán quân dòng nhạc Thính phòng.

Hơn 1 ngày sau bài viết của Đinh Trang, đến sáng 13/10, ca sĩ Lan Quỳnh đã viết 1 status xin lỗi trên trang cá nhân. Lan Quỳnh gửi lời xin lỗi tới công chúng vì “những thông tin đã gây ảnh hưởng đến tâm trạng của mọi người”. Cô cũng cho rằng mình đã sai khi có những hành vi không đúng chuẩn mực và “xin được rút kinh nghiệm sâu sắc từ sai lầm của chính mình”.

Tuy nhiên, cuối status, Lan Quỳnh khẳng định: “Người tôi phải xin lỗi nếu tôi có “ăn cháo đá bát” thì đó là cô giáo của tôi – Phó Trưởng khoa thanh nhạc Tân Nhàn. Cô là người tôi kính trọng, dạy dỗ tôi 3 năm học qua, không bao giờ tôi phản cô. Còn với người đã vu khống tự xưng là cô giáo và nhận tôi làm học trò, nhằm hạ bệ tôi, suy kiệt tinh thần, danh dự và kinh tế, luật pháp sẽ làm việc với họ”. Sau đó ít giờ, nữ ca sĩ lại xoá dòng chia sẻ này trên trang cá nhân.

Thiên Di

‘Người làm nghệ thuật không nên quay lưng với thầy dạy của mình’“Nghệ thuật là nhân văn, người làm nghệ thuật giàu lòng nhân ái. Người làm nghệ thuật không nên quay lưng với thầy dạy của mình” – nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *