Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và sự 'lột xác' của tâm hồn


  • – Năm 2005, ca khúc ‘Bà tôi’ gần như “vượt khung”, xô đổ mọi rào cản của kỹ thuật để chiến thắng giải Bài hát Việt bằng cảm xúc rất lớn của tác phẩm, sau đó anh có bị áp lực trong việc sáng tác để vượt qua chính “cái bóng” của ca khúc này?

Sau Bà tôi, thành công từ chuỗi sáng tác mang phong cách dân gian đương đại như Giọt sương bay lên, Giấc mơ dai dẳng… đã tiếp thêm sự tự tin cho tôi trong quá trình làm nhạc.

Tôi nhận thức rằng mình đang dấn thân xây dựng thêm những tác phẩm mới cho một dòng nhạc có nét riêng nên không cảm thấy áp lực. 

Ngoài ra, năm 2007, tôi cũng cho ra mắt album mang phong cách dân gian thính phòng, với bài hát Ông tôiSông ơi đừng chảy. Rất may là sau này, Sông ơi đừng chảy cũng thành công và được lan tỏa với giọng hát Anh Thơ, Tân Nhàn và Hồng Vy.

– Nguyễn Vĩnh Tiến từng có sáng tác được Ngọc Khuê trình diễn rồi Tùng Dương, thậm chí cả Tuấn Hưng, nhưng gần đây là Thanh Lam. Nghe đâu anh đang làm sản phẩm riêng cho diva, có đúng không?

Hiện tại, tôi tập trung vào sản xuất album âm nhạc đương đại cho ca sĩ Thanh Lam. Tôi hy vọng rằng đây cũng là một bước ngoặt của Thanh Lam vì cô ấy không chỉ có chất giọng nội lực mà còn hát đa dạng các dòng nhạc. 

Việc lựa chọn sản phẩm cho Thanh Lam rất khắt khe, trong gần 100 tác phẩm thì ê-kíp phải nghe đi nghe lại nhiều lần và chọn ra 12 bài hát phù hợp, vừa có tính xã hội vừa mang ý nghĩa lan tỏa nhất.

Album sắp tới mang tiêu đề Cuốn phim với concept cùng tên, chúng tôi tham vọng “gói gọn” những ký ức và trải nghiệm của nhiều thập niên trước vào dự án. Để chuẩn bị cho album, ngoài việc ban nhạc trình diễn sống trên sân khấu, sử dụng kỹ thuật thu âm sử dụng mới nhất, phần nhiều vẫn còn phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm đầu vào của tôi.

Dù là diva hay divo, họ nên có tác phẩm ghi lại dấu ấn qua từng thời kỳ. Và mỗi album giống như một cuốn tiểu thuyết, không chỉ nhạc sĩ mà các ca sĩ cứ 1, 2 năm nên cho ra mắt một lần.

Ngoài ra, tôi cũng hợp tác với các diva khác, nhưng theo từng tác phẩm riêng biệt như ca sĩ Mỹ Linh và ca sĩ Hồng Nhung. 

Tôi đã có cơ hội hợp tác với Tùng Dương ở album thứ hai. Sau album của Thanh Lam, tôi mong tiếp tục làm việc với ca sĩ Tùng Dương và hoàn thành dự án của ca sĩ Tuấn Hưng.

– Thanh Lam là ca sĩ nhiều nội lực nhưng đôi khi khán giả khắt khe nói rằng cô hát như “phá nhạc”. Quan điểm của anh?

Với những ý kiến trái chiều về chất giọng, theo tôi, cần đến bàn tay người đạo diễn âm nhạc giỏi mới có thể phô diễn được hết sức mạnh, nét đẹp của giọng ca trầm, hiếm như ca sĩ Thanh Lam. 

Dự án âm nhạc sắp tới, tôi đặt niềm tin vào nhạc sĩ Trần Đức Minh – vị đạo diễn “cao tay” của nhiều chương trình âm nhạc lớn, trong đó có live show Tiền duyên của tôi năm 2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 

– Anh kiếm tiền từ nghề kiến trúc sư, làm thơ như đam mê và viết nhạc như định mệnh không thể khước từ… Với anh, việc phân định các công việc như nào và hãy thử chấm điểm cho từng nghề của mình?

Tôi từng nghĩ trước tuổi 50 sẽ tự chấm điểm cho mình, giờ nghĩ lại, việc đó cũng không còn cần thiết.

Theo quy luật phát triển, mỗi cá nhân sẽ để lại dấu ấn riêng và có thang điểm riêng theo từng giai đoạn. Là một kiến trúc sư, dù góp phần xây dựng bao nhiêu tòa nhà, những kiến trúc ấy vẫn dần cũ đi, được thay thế bởi nhiều tòa nhà mới hiện đại hơn. 

Trong lĩnh vực âm nhạc, thành công của tôi xuất phát và gắn liền với dòng nhạc dân gian đương đại, nhưng rồi dòng nhạc này sẽ lại biến hóa thành các loại hình mới.

Vì vậy, tôi không tự hào gì với những thứ đã làm, chỉ thích được vượt lên chính mình. Với người nghệ sĩ, ngọn lửa sáng tạo bên trong luôn cháy giúp họ không đi vào lối mòn. Làm nhạc cũng vậy, mỗi khi bước ra khỏi phòng thu, tôi tâm niệm sẽ không quay lại cung đường cũ để “lột xác” thành một Nguyễn Vĩnh Tiến mới.

– Cho đến bây giờ, thơ đối với anh có ý nghĩa như thế nào?

Bản chất Nguyễn Vĩnh Tiến vốn là con người của thơ ca, và tôi đã nên duyên với thơ từ rất sớm. Thời sinh viên, tôi đã lập ra nhóm thơ cách tân Hoa lạ. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến ba yếu tố: cách sử dụng chữ độc đáo, chứa đựng nội dung mới và thể hiện bằng hình thức mới nhằm tạo ra những bài thơ lạ. Như một lẽ tất nhiên, lạ thường đi kèm với yếu tố khó hiểu. 

Tôi cho rằng, nghệ thuật không nên quá dễ hiểu mà phải là sự thăng hoa của triết lý trong từng câu chữ.

Bên cạnh đó, người ta vẫn thường nói thơ tôi có sự “hóm”, đó chính là “chất dẫn” của câu chuyện, một thủ pháp dẫn dắt giúp cho người đọc không cảm thấy nặng nề. Bởi nếu từ đầu đến cuối một bài thơ chỉ toàn những u buồn sầu thảm, vô hình chung lại kéo con người vào “vũng bùn” của tâm trạng. 

Đặc biệt trong thời gian tới, ngoài sản xuất âm nhạc cho Thanh Lam, tôi được Nhã Nam đặt trước một tuyển tập thơ. Tôi rất vui vì có thêm những đóng góp, cống hiến về mặt nghệ thuật.

Với tôi, thơ cũng như hơi thở. Nhưng tôi chưa bao giờ hài lòng với những sáng tác của mình. Sau mỗi tập thơ, bản thân lại quyết tâm thay đổi, cải thiện bút pháp. Đó là nhiệm vụ, trách nhiệm tự đặt lên vai mình.

Dù sáng tạo trong lĩnh vực nào, con người không nên chỉ dậm chân tại chỗ, mà phải dấn thân lên “con tàu” thời gian tìm bến đỗ mới. Và thời gian sẽ trở thành bộ lọc, một “quan tòa vô hình” cho những sáng tạo của chúng ta.

– Bài thơ ‘Đắc đạo’ được độc giả thích thú, trân trọng vì đan xen góc nhìn nhẹ nhàng và vị tha cho quá khứ, phải chăng hiện tại anh đã có những chiêm nghiệm mới về cuộc đời?

Nhìn lại quá khứ, tôi thầm biết ơn cuộc đời, nhờ những trải nghiệm trước kia, tôi như được “tiến hóa” thành một con người tốt hơn. Con tằm chờ đợi trong kén có thể cảm thấy buồn chán, nhưng đến một giai đoạn nào đó, nó vẫn phải lột xác hóa thân thành bướm.

Vì vậy, mỗi lần không vui, tôi thường tự nhắc nhở đó là điều bản thân bắt buộc phải trải qua.

– Các bài thơ anh viết được nhiều người khen là “hóm”. Nguyễn Vĩnh Tiến giỏi chơi chữ, đánh đàn hay, giọng hát trầm ấm nhưng tình duyên thì lận đận. Dường như người tài hoa sẽ phải đối diện với sự cô đơn, anh có thấy như vậy ko?

Người Pháp vẫn thường nói: C’est la vie (Đời là thế), ý nói rằng cuộc đời vốn dĩ khó khăn nên chúng ta hãy chấp nhận và vượt qua nó. Nếu chưa từng trải qua những đổ vỡ, bạn sẽ không thể trở thành một con người khác.

Khi ngồi trên chuyến tàu thời gian, ai rồi cũng phải đi qua các bến đỗ khác nhau. Chuyện tình tôi ắt hẳn cũng vậy, nếu ở mãi trên một bến đỗ, tôi chẳng thể nào đến với những bến bờ sáng tạo mới.

Trong cuộc sống, mỗi người có số phận khác nhau nên tôi cũng không còn băn khoăn nhiều về hạnh phúc bản thân, không so bì với người khác và không tiếc nuối. 

– Anh đã trải qua 2 cuộc tình công khai chính thức, còn những cuộc tình thầm lặng, có lẽ chỉ mình anh biết. Có khi nào những đổ vỡ khiến anh cảm thấy sợ phụ nữ không?

Phụ nữ vẫn là con người mà cuộc sống vẫn luôn chuyển động cùng với sự tác động đa chiều của xã hội, tất nhiên tôi không sợ mà sớm coi đây là chuyện thường tình. Trong cuộc sống, chúng ta cần có cộng đồng, cần phải giao tiếp vì con người là sinh vật xã hội.

Vì vậy, cảm giác sợ hãi, cô đơn hay muốn từ bỏ mọi thứ để đi tu dưỡng cũng chỉ là thứ cảm xúc nhất thời. Dù yêu thích cảm giác cô đơn đến thế nào đi chăng nữa, một con người cũng không thể tách ra khỏi xã hội. Nhưng mỗi người sẽ có một “hàm lượng cô đơn” khác nhau.

– Sau cú vấp ngã đau trên đường đời, không phải ai cũng có đủ can đảm đứng dậy và bước tiếp, ai là người đã tiếp thêm động lực cho anh?

Một trong những động lực lớn nhất để một con người có thể bước tiếp chính là gia đình, tôi cũng không ngoại lệ. Chỉ cần xác định được điều đó, không gì có thể khiến bản thân suy sụp, họa chăng chỉ lúc cận kề cửa tử con người mới mất hết động lực. 

Và nếu nói theo một tầng nghĩa cao thượng hơn, những người bạn tốt, một cộng đồng tốt cũng có thể tiếp thêm sức mạnh cho ta đi tiếp.

– Khi hạnh phúc không còn vẹn tròn, thường bố mẹ sẽ hướng về con cái, còn anh thì sao?

Đúng vậy, hậu ly hôn người lớn thường nảy sinh tâm lý “bù đắp” cho con cái. Bố mẹ sẽ “thỏa thuận ngầm” với nhau để giảm thiểu tác động tiêu cực đến con trẻ, giúp cuộc sống các con vẫn có sự hiện diện của gia đình bên nội lẫn bên ngoại.

Thời gian đầu, phải trải qua giai đoạn vật vã, tôi mới có thể “thương lượng” được về thời gian bên con. Giờ đây các con lớn khôn đã có thể tự về với bố.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp, vừa ly hôn xong quay ra mắng chửi nhau, cấm đoán trẻ gặp lại bố, mẹ chúng. Làm như vậy không chỉ giày vò đối phương, mà còn rất thiệt thòi cho các con.

– Các con anh có thừa hưởng năng khiếu từ người bố đa tài?

Các con không những được thừa hưởng gen từ mẹ mà cũng thừa hưởng gen trội từ bố, và tôi hạnh phúc với điều đó.

Nhưng tôi tin rằng các con sẽ vượt trội hơn thế hệ trước, vì thời của tôi không có những điều kiện về vật chất, hay cơ hội được học hỏi như các cháu. Khi việc nắm bắt mọi kỹ thuật, tiếp cận thông tin ngày nay quá dễ dàng, khó khăn duy nhất có lẽ chỉ còn tìm một con đường đúng đắn nhất để đi.

Bé Dọc Mùng hợp tôi nhất trong việc sáng tác. Mỗi cuối tuần, tôi thường ghé qua nhà đón bạn ấy đi chơi và hai bố con sẽ chung tay sáng tác nên những giai điệu mới.

– Như anh từng chia sẻ đâu đó sẽ “quy hoạch” lại cuộc đời, vậy quá trình “quy hoạch” tới đâu rồi?

Trước tuổi 50, tôi đã hoàn thành việc “quy hoạch” lại cuộc đời, mặc dù ban nãy tôi có chia sẻ rằng không còn đoái hoài gì đến hạnh phúc lứa đôi, nhưng thực ra nếu có thêm một người sẵn lòng đồng hành cùng mình trên chặng đường đời sắp tới vẫn tốt hơn (cười).

Bài: Anh Nguyễn

Thiết kế: Ngọc Nguyễn

Ảnh: NVCC


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *