Nhiễm HIV trẻ hóa nhanh: TPHCM đang quản lý bao nhiêu bệnh nhân?


Ngày 3/12, tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Gò Vấp, TPHCM đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2023 và ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12).

Theo Bộ Y tế, đại dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong thanh niên. Theo số liệu giám sát trọng điểm 2022, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ đồng giới nam có đến hơn 32%, nhóm phụ nữ mại dâm chiếm 3% và nhóm người nghiện chất ma túy còn trên 11%.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm thanh niên quan hệ đồng tính nam có xu hướng tăng rất nhanh (chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện). Bệnh cũng đang trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn.

Nhiễm HIV trẻ hóa nhanh: TPHCM đang quản lý bao nhiêu bệnh nhân? - 1

TPHCM tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2023 (Ảnh: NN).

Giới chuyên môn nhận định, kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên còn nhiều hạn chế. Ngay cả với các thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng không cao.

Khi nhiễm HIV không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý thay đổi tiêu cực mà còn dễ mắc các bệnh khác.

Do đó, việc đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho thanh, thiếu niên đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Tại TPHCM, tính đến cuối tháng 9, địa phương có hơn 51.500 người nhiễm HIV đang được quản lý. Trong đó, hơn 47.600 người đang được điều trị thuốc kháng virus.

Trong chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, TPHCM đã đặt ra 3 mục tiêu (95-95-95). Đó là 95% người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị bằng ARV, 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.

Nhiễm HIV trẻ hóa nhanh: TPHCM đang quản lý bao nhiêu bệnh nhân? - 2

Các hoạt động tuyên truyền về kiến thức phòng chống HIV/AIDS diễn ra tại lễ mít tinh (Ảnh: Anh Thư).

Đến nay, TPHCM đã đạt được 98% ở mục tiêu số 3, nhưng mục tiêu số 1 và 2 chưa đạt.

Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, Sở Y tế TPHCM mong muốn cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.

Đặc biệt, chú trọng trong việc tuyên truyền giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, cũng như tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người bệnh và trách nhiệm của họ với gia đình, xã hội.

Trao đổi với phóng viên Dân trí tại ngày hội “Sống trọn vẹn”, diễn ra ngày 30/11, chị Châu Bảo (quê Bến Tre) cho biết, bản thân vẫn đang tích cực dùng thuốc ARV và sống vui vẻ, lạc quan, dù đã là một bệnh nhân có hơn 20 năm nhiễm HIV.

Người phụ nữ chia sẻ, kể từ ngày phát hiện bệnh, chị chủ động tìm hiểu kiến thức về HIV, đồng thời tham gia vào tổ chức cộng đồng để tư vấn, động viên người có virus HIV như mình thoát khỏi “bờ vực sâu”, yên tâm điều trị. Chị còn tìm cách tạo việc làm cho nhiều mảnh đời bất hạnh.

“Những người mang trong người căn bệnh HIV/AIDS thường bị kỳ thị, xa lánh. Bản thân tôi hiểu được nỗi đau khổ trên, nên luôn giúp đỡ những ai cùng cảnh ngộ. Tôi vẫn tuân thủ điều trị và đang khỏe mạnh.

Tôi mong các bạn hãy tự tin lên, phải ăn uống, dùng thuốc đầy đủ, rồi mọi thứ sẽ ổn”, chị Bảo bày tỏ.

Nhiễm HIV trẻ hóa nhanh: TPHCM đang quản lý bao nhiêu bệnh nhân? - 3

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại buổi mít tinh (Ảnh: NN).

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM kêu gọi ngành y tế và các ngành chức năng tăng cường hơn trong việc mở rộng điều trị ARV, để đảm bảo cho bệnh nhân được điều trị liên tục.

Ông nhấn mạnh, vai trò của người đứng đầu và sự tham gia tích cực của cộng đồng là những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của mục tiêu đẩy lùi đại dịch.

“Tôi hy vọng với sự chung tay, góp sức của cộng đồng, TPHCM có khả năng giữ vững thành quả phòng chống HIV/AIDS đã đạt được, cũng như hoàn thành mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nói.

Sở Y tế TPHCM cho biết, giai đoạn hiện nay đã có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ, nguồn lực, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với sự hiểu biết của người dân, vấn đề chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV đã được nâng lên. Vì thế, công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.

UBND TPHCM mong muốn huy động sự vào cuộc của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng người dân tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS, để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Hoàng Lê – Anh Thư


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *