Nơi duy nhất ở Việt Nam có vùng an toàn dịch bệnh dại cấp tỉnh


Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện nay TPHCM là địa phương duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh (toàn bộ tỉnh, thành phố).

Để đạt kết quả này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM đã phối hợp với UBND dân quận, huyện, TP Thủ Đức đã tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn. Trong đó, tập trung tiêm phòng đại trà vào khoảng tháng 3-5 hằng năm, cũng như tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi.

Nơi duy nhất ở Việt Nam có vùng an toàn dịch bệnh dại cấp tỉnh - 1

Người dân đưa chó đi tiêm vaccine phòng dại (Ảnh: HCDC).

Kết quả cho thấy, nhiều năm liền trên địa bàn TPHCM có tỷ lệ tiêm vaccine phòng, chống bệnh dại luôn đạt khoảng trên 90% tổng đàn chó, mèo.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) chia sẻ, tiêm vaccine phòng bệnh dại là biện pháp đơn giản, góp phần ổn định tình hình dịch tễ bệnh dại trên đàn chó mèo.

Về mặt pháp lý, vào năm 2022, TPHCM đã ban hành Quyết định số 1464 về chương trình phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030. Trong đó, tiêm vaccine cho đàn chó, mèo là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất.

Nơi duy nhất ở Việt Nam có vùng an toàn dịch bệnh dại cấp tỉnh - 2

Chó thả rông, không rọ mõm có thể tấn công con người gây bệnh dại (Ảnh minh họa: HCDC).

Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả, HCDC khuyến cáo, ngoài việc các cơ quan, chính quyền địa phương làm nhiệm vụ, người dân cũng cần phối hợp để cùng thực hiện tốt, như rà soát thống kê về tình hình tiêm vaccine của chó mèo 2 lần/năm. Kết quả thống kê này sẽ là cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng kế hoạch triển khai công tác tiêm phòng.

Cũng theo HCDC, việc tuân thủ nghiêm quy định tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo nuôi tại hộ gia đình là bệnh bắt buộc phải tiêm phòng. Nếu người nuôi chó, mèo không tuân thủ sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng và buộc phải chấp hành việc tiêm phòng theo quy định.

Trước đó, tại “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024”, diễn ra ngày 27/3, đại diện Bộ Y tế cho biết, 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.

Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: cúm A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng. Những bệnh lây truyền từ động vật qua người có tác động lớn không chỉ đến sức khỏe mà còn cả về kinh tế.

Những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Trong đó, dại một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.

Thống kê năm 2023, toàn quốc ghi nhận gần 675.000 người tiêm vaccine phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022. Số ca tử vong do bệnh dại năm 2023 là 82 trường hợp, trong đó 1/3 là trẻ em dưới 15 tuổi. Riêng từ đầu năm 2024, toàn quốc đã ghi nhận 143.000 người đi tiêm phòng dại. Số ca tử vong do bệnh dại năm nay đã lên đến 27 trường hợp tăng, gần gấp ba lần so với cùng kỳ 2023.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *