Gian nan tìm đường đến vị trí tái hẹp
Theo lời kể của bệnh nhân N.T.D (50 tuổi), một tháng trở lại đây, khi chơi thể thao, ông thường cảm thấy mỏi tay phải mức độ nặng nên quyết định đến Bệnh viện Hồng Ngọc khám. Kết quả chụp mạch cho thấy stent bị tái hẹp tới 99% và cần can thiệp ngay. Qua thăm khám tiền sử bệnh, ông cho biết, 3 năm trước ông từng đặt stent động mạch cánh tay phải.
Đây không phải là một ca nong stent bình thường bởi bệnh nhân có một cơ thể khá đặc biệt. Thông thường, với các trường hợp tái hẹp stent cánh tay, bác sĩ sẽ tạo đường vào từ động mạch tay. Nhưng với bệnh nhân N.T.D, cánh tay của ông từng mổ nhiều lần, ghép xương, hệ thống đinh vít chằng chịt nên ê-kíp bác sĩ phải chuyển đường vào là động mạch đùi.
Không những vậy, ông đã từng mổ thay khớp háng 2 bên nên việc tạo đường vào và luồn dụng cụ can thiệp gặp không ít khó khăn.
Theo Ths.BS Nguyễn Văn Hải, Trưởng Trung tâm can thiệp tim mạch Bệnh viện Hồng Ngọc, cũng là người chủ trì ca can thiệp cho bệnh nhân N.T.D, với trường hợp như bệnh nhân D, cánh tay và khớp háng đều bị tổn thương và từng can thiệp phẫu thuật gây nên những thay đổi mốc giải phẫu. Điều này khiến quá trình can thiệp khó khăn hơn.
“Chúng tôi phải rất tỉ mỉ, cẩn thận để tiếp cận đúng vị trí tái hẹp. Sau khi tiếp cận vị trí, chúng tôi tiến hành đưa dây dẫn qua tổn thương hẹp khít và dùng bóng áp lực cao nong rộng tổn thương ép mảng xơ vữa sát thành mạch lần lượt rồi tiếp tục nong lại bóng phủ thuốc, giúp tái thông mạch và tránh tái hẹp trong stent”, bác sĩ Hải nói.
Cuối cùng, sau khoảng 45 phút với những nỗ lực, tỉ mỉ của ê-kíp, ca can thiệp diễn ra thành công. Sau can thiệp, lòng stent được khơi thông, các triệu chứng trước đó của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.
Niềm vui trở lại với bệnh nhân mang “cơ thể bất hạnh”
Một ngày sau ca nong stent bị tái hẹp, ông N.T.D đã có thể vận động lại như bình thường mà không còn cảm thấy đau hay nhức mỏi nữa. Sự thuận lợi của ca can thiệp càng khiến ông thêm vững tin vào cơ thể và sức khỏe của bản thân trong tương lai.
Theo lời kể của ông, hơn 30 năm trước, ông phát hiện bị ung thư xương và phải xạ trị. Từ đó đến nay, thuốc men vẫn là người bạn đồng hành với ông. Tháng 4/2018, vì một tai nạn không mong muốn, ông phải tiến hành thay khớp háng. Đến tháng 8/2019, ông lại tiếp tục một lần thay khớp háng nữa. Cuộc sống đầy sóng gió chưa dừng lại ở đó. Tháng 5/2020, ông bị tắc cấp động mạch cánh tay phải và buộc phải thực hiện đặt stent ở vị trí tắc hẹp để khơi thông dòng chảy.
“Ngày ấy, mới chỉ 20 tuổi, nhận kết luận ung thư xương khiến tôi bất ngờ và ngã quỵ. Thế nhưng, sau khi suy nghĩ thấu đáo, tôi vui vẻ đón nhận. Cái gì đến thì tiếp nhận và tìm cách xử lý bởi buồn cũng đâu làm mình hết bệnh. Suốt ngần ấy năm tôi vẫn đồng hành cùng chỉ định điều trị của bác sĩ, chưa từng một lần từ bỏ. Sau lần can thiệp này, tôi càng thêm tin tưởng vào trình độ của các bác sĩ Việt Nam, vào các tiến bộ y khoa để giúp những bệnh nhân có cơ thể bất hạnh như tôi khỏe mạnh hơn”, ông D chia sẻ.
Cũng theo ông D, bệnh hiểm nghèo không phải là dấu chấm hết hay án tử chờ sẵn, ngược lại, nếu phát hiện, điều trị bệnh sớm và có tư duy tích cực, lối sống khoa học, bạn sẽ có khả năng chiến thắng bệnh tật.
ThS.BS. Nguyễn Văn Hải – Trưởng trung tâm tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc có hơn 10 năm kinh nghiệm về can thiệp tim mạch, đặc biệt là đặt stent tại các bệnh viện lớn:
– Nguyên Phó trưởng khoa Tim mạch
– Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội Thực hành tim mạch can thiệp tại Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai)
– Chủ tịch hội đồng khoa học, Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực