Thời hoàng kim “đỏ đèn” của sân khấu kịch
Nhiều người vẫn tò mò, không biết nghệ sĩ Đỗ Kỷ đến với nghệ thuật như thế nào?
– Ngày đó, nhiều người học xong phổ thông cơ sở (cấp 2) là đi làm, nếu nhà nào cho con học xong phổ thông trung học (cấp 3) là sự cố gắng rất lớn. Tôi học xong phổ thông trung học (ngày đó), thì muốn đi làm nhưng vô tình nghe được loa phát thanh của phường thông báo Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển diễn viên thì muốn thử sức.
Dòng thông báo khá hấp dẫn vì mỗi tháng, một diễn viên sẽ được 18 kg gạo, mấy chục đồng tiền lương nên tôi đã đăng ký tham dự (cười).
Thời đó, chúng tôi phải thi tiểu phẩm, hát và đọc thơ. Tôi ngây thơ đến nỗi không hiểu tiểu phẩm là gì. Đến ngày thi, tôi vào trước ngồi xem các bạn diễn thế nào, làm tiểu phẩm ra sao để hình dung, lấy kinh nghiệm cho mình.
Đến lúc thi, các bậc tiền bối như: Đào Mộng Long, Trọng Khôi, Trúc Quỳnh… là những người tuyển tôi. Hồi đó, có 3.000 người thi mà lấy khoảng 40 diễn viên, may mắn tôi đã vượt qua 3 vòng và đỗ. Tôi học cùng lớp bà xã Lan Hương, tính đến nay, tôi đã có 45 năm vào nghề.
Anh đã làm nghề hơn 40 năm, trong đó có những năm tháng hoàng kim của sân khấu kịch?
– Năm 1978, tôi bắt đầu học ở Nhà hát Kịch Việt Nam, năm 1982 tôi vào bộ đội, năm 1984, tôi trở về Nhà hát công tác. Từ năm 1985-1990 là thời kỳ hoàng kim của kịch nói. Nhà hát có nhiều vở hay, động chạm nhiều đến vấn đề thời sự nóng, khán giả cũng sẵn sàng bỏ “hầu bao” đến rạp để xem.
Hồi đó, diễn viên đi các tỉnh diễn rất nhiều. Mỗi năm, đoàn nọ nối đoàn kia đi xuyên Việt 2-3 lần để phục vụ bà con. Có thời điểm, cả Nhà hát tập trung ở một nơi để diễn.
Bà con thấy diễn viên về thì vui lắm. Có lần về Hải Phòng, tôi đóng nhân vật bị mù, gần hết vở diễn tôi còn nghe thấy khán giả phía dưới cá độ xem tôi có bị mù thật hay giả. Khi vào trong cánh gà, có người chạy theo tôi và nói “ông này có mù đâu”. Thời đó, khán giả hồn nhiên như vậy đấy.
Có những đợt chúng tôi đi 20 ngày để làm vở Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ, hay vở Nhân danh công lý. Chúng tôi mang vào TPHCM, sau khi vở thành công, có hiệu ứng tốt nên hàng đêm sân khấu luôn “đỏ đèn” để phục vụ khán giả.
Ngày ấy, Nhà hát Kịch Việt Nam nằm trong khuôn viên của Nhà hát Lớn, thường xuyên đông đúc, tắc đường vì hàng dài người đến xếp hàng mua vé. Lúc đó, cả hai đoàn đều diễn vở này, mấy tháng trời chỉ làm Nhân danh công lý mà vẫn không thấy “hạ nhiệt”, diễn viên sướng lắm.
Có cả việc khi diễn xong, đội phe vé chăm sóc đặc biệt cho cả đoàn, sáng thì mời ăn sáng, tối thì mời ăn khuya để mong diễn viên giữ sức, diễn tốt để họ bán được vé.
Có kỷ niệm nào về nghề diễn mà anh nhớ mãi không?
– Sân khấu cũng có thời gian bị khủng hoảng, vì thế ai mà gắn bó được với nghề thì phải có đam mê rất lớn. Có lần Nhà hát đi lưu diễn ở Lạng Sơn, thành phố này đông lắm, vì nhân dân cả nước lên đây để lấy hàng gần biên giới về buôn bán. Cả ngày, người và xe tấp nập, đoàn diễn mừng thầm vì kiểu gì cũng bán được vé.
Sau khi làm việc với Sở Văn hóa, chúng tôi vào Nhà hát để chuẩn bị tối diễn nhưng khi lấy tay quệt vào ghế thấy bụi dày đặc, đoàn thoáng buồn nhưng đã “hạ quân” rồi nên vẫn phải làm việc tiếp để hy vọng tối đón được nhiều khán giả.
Cả ê-kíp chuẩn bị phục trang, trang trí sân khấu, xe ô tô cổ động của đoàn đi nói loa khắp thành phố để giới thiệu về vở diễn. 19h tối không thấy ai đến, 20h không có một khán giả, đến 21h tối, cửa rạp leo lét ánh đèn dầu của bà cụ bán ô mai ngoài cổng.
Chúng tôi thu đồ lại ra về mà ngậm ngùi vì khán giả có nhiều mối quan tâm hơn là vào rạp xem kịch. Chuyện này gây ám ảnh với tôi một thời gian dài. Chúng tôi cũng động viên nhau rằng “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”.
Theo anh, vì sao khán giả hiện nay không mặn mà với sân khấu? Có phải họ có nhiều thứ giải trí khác hấp dẫn không?
– Điều đó cũng chỉ một phần thôi, quan trọng là chúng ta chưa có kịch bản hay, thời sự. Tác phẩm phải đưa ra cái mà khán giả cần, nếu kịch bản xa rời thực tế, người xem không cảm nhận được sự gần gũi là thất bại.
Khi khán giả ngồi xem thấy mình trong đó, xem kịch mà như thấy đang nói mình thì mới hấp dẫn. Sân khấu phải sống động như bên ngoài thì mới có người quan tâm.
Nếu bây giờ có kịch bản viết về thâm cung bí sử của những vấn đề nóng, tôi đảm bảo sẽ “vỡ cửa rạp”. Tại sao phim truyền hình thời gian gần đây lại hot vậy? Là do có kịch bản gần gũi, có những bộ phim nói được những “bí mật” gãi đúng “chỗ ngứa” của người xem.
Sau một thời gian làm việc ở Nhà hát kịch, anh chuyển sang làm quản lý ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, anh có tiếc nuối khi xa sân khấu mà mình đang còn nhiều nhiệt huyết không?
– Tôi chưa bao giờ tiếc nuối vì điều gì cả, tôi cho đó là quy luật thôi. Khi đã trưởng thành thì tôi muốn thử sức sang một lĩnh vực khác. Cuộc sống của tôi không có từ giá như, vì ở môi trường nào, tôi cũng cố gắng làm tốt, để sau này không tiếc nuối gì cả.
Nhưng phải nói thật, nghề diễn đã ăn sâu vào “máu”, đến bây giờ, khi ngủ, tôi vẫn mơ mình đi diễn. 30 năm làm kịch nói, tôi hiểu được cảm giác háo hức, hồ hởi khi lắp ráp sân khấu và cảm giác buồn khi diễn xong, khán giả về hết, diễn viên lủi thủi thu dọn đồ ra về. Sau này, dù làm ở Cục Nghệ thuật biểu diễn nhưng công việc của tôi vẫn gắn liền với nghề biểu diễn.
Đến giờ, vợ chồng tôi vẫn đi xe Cub cũ
Trong các phim truyền hình, NSƯT Đỗ Kỷ hay được mời vào những vai cương nghị, chính trực, có phải là do tính cách của anh nên các đạo diễn “đo ni đóng giày” vai diễn?
– Đúng là có thể do khuôn mặt của tôi nên các đạo diễn thấy hợp vai nào thì mời vai đó. Với một nghệ sĩ chuyên nghiệp, mỗi người có một cách diễn, không ai giống ai. Vẫn là vai diễn người tốt, nhưng tôi diễn khác đồng nghiệp. Một nghệ sĩ nổi tiếng từng nói với tôi “làm nghệ thuật thì nên tiết kiệm”, để mỗi lần vào vai, người nghệ sĩ vẫn có “chất” để phục vụ khán giả.
Cái khó của người nghệ sĩ là không tự quyết được vai, mình muốn làm vai này nhưng nếu đạo diễn không thấy hợp thì không thể làm được. Có người may mắn thì hợp vai được nổi tiếng, có người thì vẫn “dậm chân tại chỗ” vì chưa tìm được vai diễn để bật tài năng của mình lên.
Có bao giờ anh chạnh lòng không khi thường xuyên được mời vào vai phụ trong nhiều phim?
– Tôi không buồn, vì bây giờ vai chính thường dành cho các bạn trẻ. Khi tôi còn trẻ, tôi cũng từng vào vai chính, vai dài. Công nghệ hóa trang bây giờ cũng không thể “cân” nổi một người 60 tuổi lại đóng thanh niên 30 tuổi. Khán giả xem phim chứ có phải đi nghe phim đâu. Nghệ thuật là thỏa mãn phần nhìn trước tiên.
Trẻ xong sẽ già, đó quy luật của cuộc sống, tuổi nào thì đóng vai đó. Tôi nghĩ, cũng cần tạo điều kiện cho các bạn trẻ cống hiến, chỉ khi nào các bạn cần thì mình xuất hiện, nếu không cần thì mình “né” đi. Đừng hét lên “chúng mày quên tao à”, buồn cười lắm.
Là một nghệ sĩ có tên tuổi nhưng khán giả thấy Đỗ Kỷ rất giản dị?
– Có thể do xuất phát điểm, tôi sinh ra trong một gia đình bình thường. Tính giản dị là tôi đã có sẵn. Bố mẹ tôi trước là công nhân nên ông bà cũng dạy các con sống sao cho hòa đồng, vui vẻ với mọi người.
Về hưu, anh có thấy hụt hẫng không?
– Có thể ai đó ở một vị trí cao, khi về hưu thì hụt hẫng, nhưng tôi chỉ là công chức bình thường nên nghỉ hưu không ảnh hưởng gì nhiều. Trước khi về hưu một năm, tôi đã chuẩn bị cho mình tâm lý, cởi bỏ dần áp lực đi.
Có những người khi làm việc thì béo tốt nhưng khi về hưu thì gầy sọp, 6 tháng sau mới cân bằng được. Tôi thì về hưu an nhàn, có thời gian chăm sóc gia đình, chơi với cháu nhiều hơn.
Khán giả vẫn “rỉ tai” nhau là vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương – Đỗ Kỷ là đại gia đấy, có nhà đất ở khắp nơi?
– Làm gì có chuyện đó, hai vợ chồng tôi chỉ làm diễn viên, như các cụ bảo “ráo mồ hôi là hết tiền” chứ làm gì có “của chìm của nổi”. Chúng tôi không buôn bán bất động sản, nhà cửa, đến giờ vẫn đi chiếc xe Cub cũ chứ có xe sang đi đâu.
Người ta đồn chắc là tin vịt thôi. Hai vợ chồng già rồi nên cũng không có nhu cầu gì nhiều, chúng tôi thấy đủ là được.
Tôi sẵn sàng giặt đồ cho mẹ, vợ và con dâu
Nhắc đến gia đình nghệ sĩ Đỗ Kỷ – Lan Hương, người ta thường nói đến cặp nghệ sĩ có tình yêu bền chặt và không “màu mè”?
– Như thế nào là “màu mè”? Có nhiều người cảm xúc có đến đâu người ta giãi bày đến đó, mình không thể lên án họ được. Ví dụ, họ tìm được một nửa của mình thì muốn hét lên cho cả thế giới biết thì sao? Hoặc lúc buồn quá, họ cũng có nhu cầu chia sẻ nên muốn mọi người biết tâm trạng của mình. Những người đó không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Tôi và bà xã Lan Hương biết kiểm soát được điều đó. Chúng tôi có một giao ước ngầm là những chuyện của mình không nên để người ngoài biết. Chuyện riêng tư chỉ hai vợ chồng ngồi giải quyết với nhau.
Anh có phải là người đàn ông lãng mạn không? Có bao giờ anh ghen tuông với chị Lan Hương?
– Tôi nghĩ do quan điểm của từng người. Có người thấy những lời có cánh, việc tặng hoa là lãng mạn, nhưng có người coi một cái tát yêu cũng là… sự lãng mạn thì sao?
Tôi và bà xã chưa bao giờ ghen nhau. Khi yêu Hương, đến nhà chơi, tôi vẫn thấy nhiều người tán cô ấy. Mỗi người có cách phản ứng khác nhau. Có người tỏ vẻ khó chịu, có người dằn hắt, nhưng tôi có cách riêng của mình.
Sau này khi lấy nhau, chúng tôi cũng giữ chừng mực ở ngoài nên không có chuyện bóng gió hay ghen tuông. Lấy nhau hơn 30 năm, chúng tôi cũng chưa bao giờ cãi nhau, chưa bao giờ xưng “ông – tôi”, “mày – tao”. Nếu ai hơi to tiếng một chút, một người nói: “Hơi quá rồi đấy nhé”, vậy là người kia thôi.
Vì sao anh lại là người chủ động về nhà chị Lan Hương “ở rể”?
– Nhà tôi ngày ấy rất chật, mấy anh em ở chung với ông bà nội nên sinh hoạt bất tiện mà nhà bà ngoại lại rộng rãi nên tôi bàn với vợ về ở với bà. Thời đó chỉ là một căn nhà cấp 4, vợ chồng tôi đã tiết kiệm, gom góp xây nên. Ngày ấy, ông ngoại vẫn còn, vợ chồng tôi có tâm lý, có gì tốt nhất thì dành cho các cụ nên khi xây nhà xong, mua được một chiếc điều hòa, ti vi mới cũng dành để lắp phòng các cụ.
Vào mùa hè phòng bật điều hòa, ông bà nằm trên giường, tôi nằm dưới đất cũng không thấy sao cả. Sau này, có điều kiện thì mới lắp điều hòa cho các phòng.
Trong mắt anh, chị Lan Hương là người thế nào?
– Để nhận xét về một người ở bên cạnh mình hơn 30 năm là rất khó, nếu ca ngợi thì họ bảo “ôi giời, lại nịnh vợ”, nếu chê thì cũng không được. Tôi trông thế thôi nhưng cũng không hiền đâu, lúc cần dứt khoát tôi vẫn là người quyết định.
Chúng tôi tôn trọng nhau kể cả lúc có hai vợ chồng hay lúc đông người. Có gia đình, cứ ra đám đông là quát tháo nhau khiến người vợ rất sợ chồng hoặc ngược lại. Tôi cho rằng, điều này cũng không ổn lắm.
Hai con trai của anh đã lập gia đình và có con, NSƯT Đỗ Kỷ làm ông sẽ thế nào?
– Tôi như mọi người ông trên đời này thôi. Rảnh rỗi, tôi vẫn chăm cháu nội, chơi các cháu nếu các con bận. Cái gì tôi cũng làm được, vợ chồng tôi ở với bà ngoại, khi Lan Hương đi vắng, tôi là người nấu ăn, rửa bát, lo cho bà.
Tôi là người sẵn sàng giặt đồ cho mẹ, vợ và con dâu nhưng tôi lại ngại việc mọi người giặt quần áo cho mình. Tôi thích làm cho mọi người vui hơn là việc để người khác phục vụ mình.
Đến tuổi này, anh có tiếc nuối điều gì không?
– Tôi là người không có nhiều tham vọng. Tôi là một người lười phấn đấu, mọi thứ cũng chỉ là “đến hẹn lại lên” chứ không phải bằng mọi giá phải đạt cái này hay cái kia. Nếu đặt mục tiêu cao mà mình không “chạm” đến được, thì mới tiếc nuối chứ.
Nhiều người về hưu có nhiều thú vui như chơi cây cảnh, đi nhậu, thích đồ cổ, đồng hồ… nhưng tôi không thích gì cả. Nhiều khi tôi cũng giật mình nghĩ, sao mình không thích gì, không muốn gì nhỉ?
Thôi, bây giờ tôi chỉ mong một cuộc sống bình yên, nhàn nhã, có thể chăm lo cho gia đình, quan tâm đến bà ngoại, có thời gian rảnh thì chơi với cháu nội.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
NSƯT Đỗ Kỷ sinh năm 1961 tại Hà Nội, năm 1982, anh tốt nghiệp lớp đào tạo Diễn viên Khóa I Nhà hát Kịch Việt Nam và gia nhập quân đội, lên đường nhập ngũ cùng các nghệ sĩ Trung Anh, Trọng Trinh, Quốc Khánh… Anh được biết đến qua các bộ phim truyền hình: Hương đất, Nếp nhà, Người phán xử, Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Trái tim có nắng, Câu hỏi số 5, Nơi giấc mơ tìm về... Trước khi là Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn, anh từng là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Năm 2022, anh chính thức nghỉ hưu.
Theo Dân Trí