Bác sĩ Trần Tố Anh, đã từng được Dân trí giới thiệu là vận động viên chinh phục thành công giải chạy dài cự ly 70km tại Mai Châu (Hòa Bình), là người luôn có lối sống lành mạnh, tích cực.
Những thành tích khó tin của người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần không phải nhờ “phép màu”, mà là cả một quá trình tập luyện kiên trì, bám sát theo kế hoạch và giáo án được xây dựng khoa học, cá nhân hóa.
Từ cự ly “nhập môn” 6km, đến 21km, 42km, 70km và giờ đây, chân chạy U60 ở độ tuổi về hưu đang hướng tới chinh phục 100km ở giải Vietnam Mountain Marathon diễn ra vào tháng 11 tới đây tại Sa Pa, Lào Cai.
3h, trong đêm tối bản làng Mai Châu tĩnh lặng, lóe lên những đốm sáng của đèn pin đội đầu, nối với nhau thành một vệt dài.
“Cẩn thận đến đoạn đá tai mèo rồi”, cảnh báo từ nhóm đi đầu nhanh chóng được truyền miệng xuyên suốt đoàn người.
Những nhịp chân tràn đầy năng lượng của các runner (vận động viên chạy bộ), sau khi băng qua vài kilomet khởi đầu “bình yên”, khựng lại trước chướng ngại vật đầu tiên.
Quan sát ánh đèn của người đi trước để vạch ra trong đầu hướng đi, Trần Tố Anh, chân chạy 57 tuổi đến từ Hà Nội lại tập trung tìm điểm đặt an toàn cho từng bước chân một.
Trời tối mịt, tầm nhìn co lại đúng bằng khoảng sáng vài ba mét từ đèn pin đội đầu. Người phụ nữ chỉ hình dung được địa hình khi ấy dốc và nhiều đá.
Hai lần lên dốc, rồi lại xuống dốc, Tố Anh vượt qua 10km đầu tiên, cũng là lúc trời tảng sáng để chân chạy này nhìn rõ được địa hình xung quanh mình: Núi non trập trùng, xanh mướt.
Sát CP1, địa hình bằng phẳng, không còn đá, nhiều chân chạy tận dụng cơ hội để tăng tốc cải thiện thành tích, bù lại những kilomet phải ghìm nhịp chân lại trước đó.
Tuy nhiên, với người phụ nữ U60 này, “con đường bằng” lại là thử thách khó nhằn hơn cả những ngọn núi vừa vượt qua.
“Đường chạy chỉ là mép bê tông nhỏ vắt qua cánh đồng đặt vừa bàn chân, trơn trượt. Tiền đình, căn bệnh của người trung niên, khiến tôi như “làm xiếc” thăng bằng trên dây“, người phụ nữ mô tả, kể thêm rằng nhiều lần hoa mắt suýt trượt chân xuống mương nước chạy dọc đường.
Thử thách giữ thăng bằng khó nhưng không quá dài, chân chạy nhanh chóng lấy lại phong độ và chinh phục gần 20km tiếp theo “dễ như chạy tập”, dư COT (mốc giới hạn thời gian) hơn 2,5 tiếng.
9h, từ thung lũng ở Xóm Pạnh (CP3) phóng tầm mắt về phía trước chỉ thấy dốc núi dựng đứng, vàng ruộm vì mặt trời đã lên cao. Cảnh tượng ngay lập tức dập tắt sự tự tin trước đó của Tố Anh.
“Cự ly này quá sức với tuổi của chị đấy”, chân chạy chợt nhớ về lời khuyên của một người quen.
Một tháng trước, Tố Anh quyết định ghi danh vào giải chạy này với một lý do có phần ngẫu hứng “tốt nghiệp” cự ly chạy trail 70km trước năm 60 tuổi.
Trong nỗ lực chuẩn bị cho giải chạy, bác sĩ Tố Anh đã dồn hết sức lực và tinh thần, dựa trên những lời khuyên từ các “tiền bối”, thông tin từ ban tổ chức và kinh nghiệm cá nhân từ những lần chạy trail trước.
Đúng như tên gọi, từng lớp đá tai mèo đâm tua tủa từ dưới mặt đất lên, sắc lẹm dễ dàng bẻ gãy ý chí của cả những chân chạy giàu kinh nghiệm.
Mặt trời mỗi lúc một lên cao khiến độ khó như nhân đôi khi cơ thể vận động viên liên tục mất nước và mất muối theo những giọt mồ hôi túa ra như tắm.
Đến giữa trưa, nắng nóng đỉnh điểm, cũng là lúc cơ thể cô phát tín hiệu “báo động đỏ”. Tố Anh thuật lại: “Tôi bắt đầu thấy hoa mắt. Thế nhưng nhìn xuống đồng hồ, thấy nhịp tim mình chỉ 120 nhịp/phút, vẫn ổn”.
Sốc nhiệt! Nữ vận động viên nhanh chóng chẩn đoán được tình trạng cơ thể mình và ngay lập tức điều chỉnh chiến thuật.
“Tôi hạ mục tiêu xuống, đi chầm chậm từng bước và cứ mỗi một đoạn lại nhấp một chút nước điện giải. Cứ đi một đoạn tôi lại nghỉ để lại sức”, Tố Anh chia sẻ.
10km từ chân núi ở độ cao 100m so với mực nước biển lên điểm săn mây ở CP4 cao 1068m, theo Tố Anh mô tả, là cuộc hành trình “không chốn dung thân” giữa chảo lửa Mai Châu.
Giữa sườn núi gần như dốc đứng, rải rác hai bên vệ đường là những runner dừng chân vì mất sức, chấn thương hay chuột rút. Theo thống kê, đây cũng là một trong những chặng nhiều vận động viên bỏ cuộc nhiều nhất.
Từ CP4, nhiệt độ đạt đỉnh điểm: 40 độ C. Một đoạn đường dài trước mắt là những ngọn đồi trọc nối đuôi nhau. Những tán cây nhỏ chỉ khoảng hơn 1 mét vuông đã trở thành “ốc đảo” của nhiều runner.
Tìm bóng mát trở thành nhiệm vụ mới của các vận động viên ở giai đoạn này, khi sự khắc nghiệt của thời tiết đạt đỉnh còn sức lực thì gần chạm đáy.
“Cứ thấy có bóng cây là tôi lại núp nghỉ, hai lần tôi ngủ ngồi mấy phút để hồi sức. Thế mà khi tiếp tục lại đi phăm phăm, các bạn trẻ hơn cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy”, Tố Anh chia sẻ. Cứ thế, cô từng bước vượt qua 2 CP khó nhất là “Điểm Săn Mây” và “Hang Kia” đều với độ cao trên 1.000m.
Đến các điểm dừng nghỉ, Tố Anh không nghỉ lâu để tránh nguội cơ. Khoảng thời gian này, nữ bác sĩ tranh thủ ăn nhẹ cháo, chuối và chuẩn bị đủ nước để đi tiếp lên các CP tiếp theo.
“Nửa ngày trời ròng rã leo núi, hứng trọn cái nắng như thiêu như đốt từ 9h đến 17h, tôi đã đặt cược từng bước chân, từng nhịp thở.
Ngay cả khi thấy đỉnh ở gần trước mặt, vẫn phải giữ kỷ luật thép. Một chút xáo trộn về nhịp độ có thể đẩy cơ thể vượt ngưỡng trong tức khắc”, chân chạy nhấn mạnh.
Cuối giờ chiều, mặt trời và Tố Anh cùng xuống núi, bóng tối bắt đầu phủ lên đoạn đường dài và những thử thách vẫn còn ở phía trước.
Những CP cuối vẫn là đoạn địa hình khó trong rừng dày đặc cây và đá. Thông thường ở các đoạn xuống núi như vậy, vận động viên có thể “downhill” (động tác đổ đèo). Thế nhưng với địa hình đá tai mèo, từng đoàn người tiếp tục “dò đường” trong đêm để đến với đoạn đường mòn cuối cùng.
“Đích kia rồi”, người bạn đồng hành tình cờ của nữ bác sĩ trong cuộc chạy reo lên. Cách đó khoảng 500m, cổng chào màu xanh dần hiện ra cùng những tiếng hò reo.
“Mình đã làm được”, vận động viên U60 rạo rực như có lửa. Đôi chân nặng như chì sau 20 giờ đồng hồ chạy trail bỗng nhẹ bẫng như bước trên mây.
23h21, các tình nguyện viên ồ lên, vỡ òa khi thấy một người phụ nữ trung niên vượt qua vạch đích, ngẩng cao đầu, gương mặt rạng rỡ.
“Mình đã về đích xinh tươi”, Tố Anh hào hứng khoe món quà tự thưởng sớm cho tuổi 57 của mình.
Trên hệ thống của ban tổ chức, cái tên Trần Tố Anh xuất hiện trong top 5 nhóm tuổi U60 và cũng là người cao tuổi nhất nhóm U60 chinh phục cự ly trail 70km (quãng đường thực tế dài hơn 73km).
Trên thực tế, nữ bác sĩ này chỉ bén duyên với marathon từ khi về hưu một cách tình cờ: “Covid-19 ở nhà chán quá”.
Từ cự ly “nhập môn” 6km, đến 21km, 42km và giờ đây, chân chạy “già gân” đã chinh phục 70km. Những con số mà chỉ cách đây vài năm, chị còn nghĩ rằng “chỉ người giời mới làm được”.
Hành trình ngàn vạn dặm đường luôn bắt đầu từ một bước chân, với bác sĩ Tố Anh cũng vậy.
“Luôn phải lắng nghe cơ thể mình, “ham vui” nhưng không vượt quá giới hạn”, Tố Anh chia sẻ nguyên tắc đặc biệt quan trọng khi một người cao tuổi tham gia vào môn thể thao khắc nghiệt này.
Là một bác sĩ, Tố Anh hiểu rất rõ về những gì cơ thể mình cần. Dựa vào chỉ số của cơ thể hiện lên đồng hồ theo dõi sức khỏe, cũng như cảm nhận của bản thân, chân chạy này sẽ có những sự điều chỉnh luyện tập cho phù hợp.
“Có tuổi rồi nên nhịp tim và huyết áp là hai chỉ số tôi rất lưu tâm. Không thể làm gì quá ngưỡng sức khỏe mình cho phép được.
Hết mình vì đam mê thể thao nhưng sức khỏe của bản thân là quan trọng”, nữ vận động viên chia sẻ, tự nhận mình là người lý tính (một phần do đặc thù công việc) nên khá dễ dàng kiểm soát cảm xúc, sự hứng phấn của bản thân khi chạy.
Khi tham gia giải chạy, Tố Anh luôn để “để dành” lại một phần sức mà theo cô sẽ đảm bảo bản thân luôn trong vùng an toàn.
Người phụ nữ dẫn chứng về cuộc thi tại Mai Châu: “Những kilomet cuối cùng, tôi hoàn toàn có đủ sức để chạy giúp tăng thành tích, nhưng đã chọn đi bộ. Chơi là cố hết sức mình, nhưng không vì thế mà để bản thân rơi vào cảnh sức tàn lực kiệt”.
Để tạo nên thành tích ấn tượng trong các giải chạy dài, bác sĩ U60 nêu bật vai trò của nền tảng thể lực.
“Tôi may mắn vì trước khi gia nhập giới “cuồng chân” thì đã nhiều năm tập gym. Nền tảng thể lực được xây dựng từ trước giúp tôi nhập cuộc nhanh với marathon”, cô nói.
Càng thử sức mình với những thành tích cao hơn, cô lại càng hiểu rõ bộ môn này đòi hỏi nền tảng thể lực cao như thế nào.
Kỹ lưỡng trong chuẩn bị và biết lượng sức mình khi “thực chiến”, bác sĩ 57 tuổi nhấn mạnh “công thức vàng” để chạy bộ phục vụ sức khỏe đúng nghĩa.
“Què chân bóng đá, hóp má điền kinh. Đây là câu nói vui nhưng cũng là vấn đề không ít người gặp phải. Với tôi thể thao phải làm sao để càng chơi càng khỏe ra, chứ không phải “cố quá” vì thành tích mà hy sinh sức khỏe”, Tố Anh nêu quan điểm.
Mục tiêu mới đã được cô đặt ra: Chinh phục cự ly 100km ở giải chạy trail Sa Pa vào tháng 11 tới đây, và các bài tập luyện mỗi tuần đang theo đúng kế hoạch dự kiến, đó là chạy tích lũy 100km và leo 4.000m mỗi tuần.
“Tôi khát khao được vận động, khát khao được chiến thắng chính mình thêm nhiều lần nữa”, Tố Anh hào hứng kể về mong muốn được thêm một lần khám phá bản thân, bởi với cô: Cơ thể con người kì diệu lắm!
Sau đợt giãn cách vì dịch, sự cuồng chân giúp Tố Anh và câu lạc bộ VKL Runners (câu lạc bộ của những người mê chạy bộ Long Biên) tìm thấy nhau.
Là thành viên nữ lớn tuổi nhất, chân chạy “già gân” được mọi người trong CLB yêu mến gọi là “chị mẹ”.
“Nhìn các bạn trẻ có lối sống hiện đại, tinh thần lúc nào cũng phơi phới và sức khỏe tràn trề, tôi rất ngưỡng mộ. Mỗi lần tham gia các giải chạy hay luyện tập cùng các em, tôi lại thấy mình trẻ ra mấy tuổi”, cô nói về những người đồng đội kém mình hàng chục tuổi.
Những bước chạy, được Tố Anh mô tả, là sợi dây gắn kết thế hệ.
Cậu con trai lớn của Tố Anh không may mắc hội chứng tăng động giảm chú ý. Là một bác sĩ, cô càng thấu hiểu được tầm quan trọng của việc đồng hành cùng con.
Những bước chạy càng gắn kết hai mẹ con gần với thế giới của nhau hơn. Giờ đây, cậu con trai bắt đầu đồng hành cùng mẹ trong những giải chạy.
Sự dẻo dai và bền bỉ của người phụ nữ này có lẽ cũng đến từ sự kiên trì và yêu thương của một người mẹ. Nhìn con ngày càng khỏe mạnh và trưởng thành, Tố Anh không khỏi xúc động.
Cái nắm tay của U60 và GenZ trong bức ảnh hai mẹ con cùng về đích tại giải Half Marathon (21km) ở Hải Phòng trên hình nền điện thoại, với Tố Anh, là tấm huy chương đáng tự hào nhất của cô.
23/10/2024 – 04:09