“Mình bị ung thư không những một mà hai lần”, đoạn mở đầu video Tiktok đăng ngày 8/11 của Đàm Thanh Huyền, 26 tuổi, thu về 2,2 triệu lượt xem và hơn 1.700 lượt bình luận.
Bí mật lần đầu tiên được tiết lộ đã gây bất ngờ lớn cho những người theo dõi, bởi nữ Streamer (người làm nội dung phát trực tiếp) xinh xắn này vốn luôn gây ấn tượng bằng sự hóm hỉnh và vui tươi như nickname của mình: Nắng.
Đoạn video chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 phút nhưng lại là kết quả của một hành trình 15 năm thay đổi về thân và tâm, như cách cô gái trẻ chia sẻ, khi 2 lần phải nhận tin dữ mắc ung thư.
“Lúc này tôi thấy lòng mình nhẹ bẫng và biết ơn cuộc đời”, Đàm Thanh Huyền mỉm cười, nhìn lại những gì đã qua.
Cô bé lớp 6 đi học với chân giả và đầu trọc
2 điều đặc biệt cùng đến với cô bé Đàm Thanh Huyền năm lên 11 tuổi, đó là chính thức bước vào cấp 2 và căn bệnh ung thư xương nguyên phát.
“Thời gian đó, tôi chỉ thỉnh thoảng hơi đau chân. Đi khám lần đầu bác sĩ bảo chỉ bị viêm khớp. Tình trạng cứ tái đi tái lại, tôi được mẹ đưa đi khám chuyên sâu hơn, chụp cộng hưởng từ mới phát hiện khối u trong xương”, Thanh Huyền nhớ lại.
Theo chẩn đoán, Huyền mắc Sarcoma xương. Đây là căn bệnh ung thư khá hiếm gặp chỉ chiếm 1% trong tổng số các loại bệnh ung thư và chiếm 5% trong số các loại bệnh ung thư trẻ em, nhưng độ ác tính cao.
Thời điểm này, công nghệ điều trị chưa phát triển, bác sĩ buộc phải chỉ định cắt một phần chân trái của Huyền để ngăn ung thư di căn, khi mà phương pháp bảo tồn lúc bấy giờ không hiệu quả.
Cô bé vừa học xong tiểu học chưa thể hiểu rõ “ung thư xương” là gì. Chỉ biết hôm từ viện về, mẹ ôm chặt lấy cô cả đêm, nấc nghẹn và bức tường dày cũng không ngăn được tiếng khóc của bà ngoại ở phòng bên.
“Sau này lớn hơn, tôi mới hiểu được phần nào nỗi đau của mẹ khi phải đưa ra quyết định cắt bỏ chân trái của con gái để giữ lại sự sống”, Huyền kể.
Niên khóa 2010-2011, lớp 6 chuyên Sử, Trường THCS Hàn Thuyên, Lương Tài, Bắc Ninh luôn khuyết một học sinh.
Không phải là bàn học, bút sách những gì gắn liền với Đàm Thanh Huyền năm 11 tuổi là ca phẫu thuật cắt đi toàn bộ phần dưới gối của chân trái và những mũi hóa chất “đau đến tận xương” trong suốt 6 tháng.
Một phần thân thể và chuỗi ngày suy kiệt, đau đớn vì hóa trị đổi lại sự thoái lui của ung thư. Thế nhưng, những vết thương vẫn còn dai dẳng.
Những người học cùng trường năm đó quen với hình ảnh một cô bé luôn đội mũ, cúi gằm mặt, chân đi tập tễnh vào lớp.
“Không phải là bệnh tật hay sợ chết, mà đè nặng tâm trí tôi lúc đó là sự mặc cảm vì khác biệt với mọi người. Ung thư vẫn là một thử thách gì đó quá lớn với một cô học sinh cấp 2”, Huyền nói.
“Ở tuổi 25 tôi phát hiện mình mắc ung thư lần 2”
Bẵng đi hơn một thập kỷ, những ký ức về căn bệnh ung thư cũng chìm vào quên lãng, thế chỗ bằng khát khao khẳng định mình và những hoài bão của tuổi trẻ.
Ở tuổi 25, Đàm Thanh Huyền có cho mình những điều khiến nhiều người cùng trang lứa ngưỡng mộ: Sự nổi tiếng, thu nhập “nhiều con số” và ngoại hình rất sáng.
Nhưng cũng chính những ngày tháng tươi đẹp này, điều không ai mong muốn nhất lại tìm đến.
Đầu năm 2023, Huyền đi khám tổng quát vì hay bị nhức đầu. Kết quả kiểm tra cho thấy, tình trạng này chỉ là do thiếu máu lên não, xuất phát từ việc ngủ ít. Thế nhưng ở phổi, các bác sĩ lại phát hiện một tín hiệu nghiêm trọng hơn.
Trên phim X-quang, phổi của Huyền xuất hiện một nốt mờ. “Phân thùy S4 có khối mờ đặc, kích thước milimet, hình ảnh nghĩ nhiều đến u phổi phải, cần phối hợp sinh thiết”, kết quả trả về sau khi chụp CT cho một dự báo rõ ràng hơn.
Thế nhưng cho đến lúc này, Huyền vẫn rất lạc quan về tình trạng của mình, bởi ung thư, với cô là chuyện của 10 năm trước.
“Làm gì có ai bị ung thư 2 lần trong một cuộc đời”, Huyền và chị gái trấn an cả gia đình trong thời gian chờ sinh thiết. Thế nhưng kịch bản xấu nhất đã xảy ra.
Một ngày cuối tháng 2/2023, dòng chữ lạnh lẽo hiện lên trong ứng dụng của bệnh viện, khiến nữ streamer như sụp đổ: U ác thứ phát ở phổi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khối u từ xương đã di căn.
Lần thứ hai mắc bệnh ung thư, theo Huyền, thậm chí còn khó vượt qua hơn cả lần đầu tiên.
Bầu không khí ảm đạm bao trùm lấy căn nhà. Mọi người cố tỏ ra bình thường và tránh khóc trước mặt nhau, nhưng hai chữ “di căn” luôn đè nặng trong tâm trí.
Điều trị ung thư chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả khi Huyền không còn là một cô bé chỉ mới 11 tuổi.
Một tuần sau lần truyền thuốc đầu tiên, tóc đã bắt đầu rụng. Có một giai đoạn truyền hóa chất Huyền bị “bỏng” da mặt, da quanh miệng, da tay và bị phù.
Nhiều đêm, Huyền ôm gối khóc vì đau nhức người không ngủ được. Có những lúc cô tụt bạch cầu nghiêm trọng đến mức leo cầu thang 3 tầng phải nghỉ 2 lần.
“Cơ thể tôi suy kiệt, đầu móng tay lở loét, phải dừng hẳn truyền thuốc một thời gian mới hồi phục được phần nào”, Huyền rùng mình.
Những nỗi ám ảnh của năm 11 tuổi hiện lên mỗi khi cô nhìn thấy cơ thể dần bị tàn phá vì bệnh tật của mình trong gương.
Tự nhận mình là người cực kỳ lạc quan, nhưng khi ung thư quay trở lại, có thời điểm ý chí của Huyền bị bẻ gãy.
“Giai đoạn đầu, cuộc sống thay đổi 180 độ khi đang livestream, làm việc, học tập tích cực thì đột ngột phải bỏ hết đam mê, công việc, ước mơ của mình để vào viện, khiến tôi suy sụp hoàn toàn”, Huyền trầm giọng.
Thậm chí, khi khối u đã giảm kích thước còn 30% nhờ truyền hóa chất, Huyền đùng đùng bỏ về nhà, gia đình khuyên thế nào cũng không được.
Cô lý giải cho hành động của mình: “Những ngày tháng ít ỏi cuối cùng trên đời, tôi muốn ở nhà và dành cho gia đình chứ không phải trên giường bệnh”.
Bờ vai mẹ là ánh nắng của con
Cuộc đời không lấy đi của ai tất cả. Giữa những thời khắc đen tối, lại có ánh sáng được thắp lên vực dậy cô gái trẻ. Cũng giống như cách Huyền cảm nhận về chính cuộc đời mình: “Cuộc sống của tôi là những mảng màu đan xen. Có lúc tôi nghĩ mình thật đen đủi, nhưng rồi nhìn lại, mới thấy may mắn hơn rất nhiều người”.
15 năm qua, bước đi cùng Huyền trên con đường chống lại căn bệnh ung thư là bạn bè và gia đình.
Đó là bờ vai mẹ để cô tựa vào, thiếp đi trong những buổi chiều truyền hóa chất; đó là những người bạn cùng lớp chưa một lần trêu chọc, mà luôn chủ động bắt chuyện giúp Huyền hòa nhập; đó là những người thân yêu chạy đôn, chạy đáo tìm đủ mọi cách chỉ để con cháu mình khỏe hơn.
“Có một điều tôi rất trân trọng là những người bên cạnh mình không chỉ quan tâm, mà còn quan tâm rất đúng cách”, Huyền nói.
Cô chia sẻ thêm rằng, bệnh nhân ung thư cần lạc quan. Thế nhưng nếu mọi người chỉ nói rằng “phải lạc quan lên”; “phải vui vẻ lên mới chiến thắng được ung thư” thì vô tình lại tạo áp lực cho người bệnh. Điều này khiến bệnh nhân tự trách mình khi không thể lạc quan lên được trước bệnh tật.
“Con không cần phải cố gắng, cũng không cần làm việc gì, chỉ cần khỏe mạnh thôi mẹ sẽ giúp đỡ con. Lời động viên tâm lý của mẹ khiến tôi nhẹ lòng hơn rất nhiều”, Huyền chia sẻ.
Cũng chính vì sự ấm áp, những người yêu thương giúp Huyền gượng dậy và quyết tâm đối mặt với căn bệnh ung thư lần thứ hai.
“Tôi nghĩ mình phải quay lại viện để điều trị, vì còn cách nào để tôi có thể sống tiếp với những người yêu thương thì tôi sẽ cố gắng”, Huyền nói.
Lần thứ hai mắc ung thư và cũng là lần thứ hai căn bệnh nan y này phải cúi đầu trước nghị lực của cô gái trẻ.
Tháng 5 vừa qua, Huyền bước vào ca phẫu thuật cắt một phần thùy phổi phải. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, bệnh ung thư thoái lui.
“Trước khi cắt tôi có chụp PET/CT thì chưa thấy tế bào ung thư ở chỗ nào khác ngoài phổi. Tôi may mắn vì đã phát hiện kịp thời”, Huyền cười tươi.
Cô gái mắc ung thư tự mua nhà tiền tỷ
“Hello, Nắng đây! Nay mọi người có gì vui không?”, đúng 19h, giọng nói quen thuộc của nữ streamer cất lên khiến phòng live trở nên rộn ràng.
Qua 5 năm dành tâm sức và có một sự đầu tư nghiêm túc cho livestream game như một công việc toàn thời gian, Đàm Thanh Huyền dần khẳng định được tên tuổi của mình.
Streamer Nắng không chỉ nổi bật với những video chia sẻ về game hay chuyện tình yêu mà còn bởi tinh thần lạc quan và nụ cười rạng rỡ.
“Nắng” là nickname được chọn một cách tình cờ, nhưng trải qua 2 lần bạo bệnh, Huyền nói, cái tên này có lẽ cũng giống như con người của mình.
“Sau cơn mưa trời lại sáng. Tôi cảm ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc”, nữ streamer mỉm cười.
Trang Fanpage “Nắng” với 916.000 người theo dõi, những phiên livestream hàng chục nghìn người xem là những con số biết nói, minh chứng cho nghị lực của cô gái mắc bệnh hiểm nghèo.
“Tôi livestream đều đặn 120 giờ/tháng. Cũng may mắn là công việc của mình khá thuận lợi vì giai đoạn 2021-2022 đúng đợt mọi người ở nhà nhiều. Ngoài hợp đồng livestream của nền tảng, tôi còn có hợp đồng quảng cáo và donate (một hình thức thưởng) của mọi người”, Huyền nói.
Ngoài công việc chính là streamer, Đàm Thanh Huyền còn quay vlog, học thêm tiếng Anh và thiết kế đồ họa. Cô tự nhận mình là “người nghiện việc” và hay lo xa nên muốn chuẩn bị thật tốt cho tương lai.
Căn nhà mua với giá 3,5 tỷ đồng (năm 2021) trong con ngõ của phố Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), được Huyền gọi là niềm tự hào, đánh đổi bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của tuổi trẻ.
Từ khi phát hiện ung thư lần hai, bố mẹ từ quê lên Hà Nội để tiện chăm sóc Huyền. Nơi đây cũng nhờ vậy mà thêm rộn ràng, ấm cúm.
Thức dậy thấy trời xanh, mây trắng đã là một món quà
6h30, khi ánh nắng nhẹ dịu của mùa đông Hà Nội chiếu qua khe cửa, cũng là lúc một ngày mới của Đàm Thanh Huyền bắt đầu.
Mở cánh cửa thông ra ban công, cô gái tự “thưởng” cho mình những phút giây tĩnh tại ngắm khung cảnh bình yên trước nhà, thầm biết ơn cuộc đời. Một thói quen mới sau khi phát hiện mắc ung thư lần hai.
Ngắm nghía tủ quần áo một hồi, Thanh Huyền chọn cho mình bộ tóc giả ưng ý cho buổi quay Tiktok hôm nay.
Trên màn hình điện thoại đang bật camera trước, Huyền xuất hiện thật rạng rỡ. Cô gái miệt mài chia sẻ về những con người đặc biệt cùng sát cánh trong hành trình chiến đấu với ung thư của mình.
Đây cũng sẽ là tập tiếp theo trong series mới được Huyền thực hiện nhằm lan tỏa nghị lực cho những người đồng bệnh hoặc bất kỳ ai đang cần được truyền thêm năng lượng tích cực.
Chỉ vào cánh tay vẫn còn nguyên vết bỏng do hóa trị, Huyền nói, ở một khía cạnh nào đó, ung thư như một “người thầy”.
“Lần thứ nhất mắc bệnh ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của tôi. Nó khiến tôi suy nghĩ sâu sắc hơn, hiểu chuyện hơn, hay quan sát hơn. Nếu có tuổi thơ êm đềm thì sẽ không tạo nên tôi như bây giờ.
Lần thứ hai mắc bệnh giúp tôi biết ơn cuộc sống hơn. Ngày xưa tôi hay nghe người ta nói về biết ơn cuộc đời nhưng cũng không hiểu lắm. Thực sự sau này trải qua cú sốc mắc ung thư lần hai, tôi mới cảm thấy thật sự cuộc sống bình thường như ngày xưa đã là một món quà”, cô gái trẻ chiêm nghiệm,
Hai lần như đánh mất tất cả rồi lại vực dậy từ “tro tàn” của ung thư, với Huyền, ngày mai như thế nào không ai biết, nhưng mỗi ngày được thức dậy thấy trời xanh, mây trắng đã là một món quà.