Phát triển xe điện tiến tới khai tử xe xăng dầu, giải nhanh bài toán giá


Với mục tiêu dừng sản xuất và nhập khẩu xe chạy xăng, dầu vào năm 2040, Việt Nam sẽ còn 17 năm để chuyển đổi dần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây sẽ là khó khăn khi thị trường xe hiện vẫn đang có tỷ trọng lớn là xe chạy xăng dầu.

Vấn đề nêu ra tại hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện ngày 10/11.

w-img-5720-1-1.jpg
Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện”. Ảnh: Đình Quý

Tận dụng nguồn vốn ưu đãi 

Số liệu của Cục Đăng kiểm công bố cho thấy, Việt Nam có hơn 5 triệu ô tô và trên 60 triệu xe máy được đăng kí lưu thông.

Trong khi đó, từ năm 2018 – 2023, tại Việt Nam mới có 67 nghìn xe điện nhập khẩu, hơn 1,7 triệu xe điện sản xuất lắp ráp trong nước (gồm 22 nghìn xe ô tô điện và 1,5 triệu xe máy điện).

Ông Nguyễn Văn Hội (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương) cho biết, khi phát triển xe điện, các ngành công nghiệp hỗ trợ và đặc biệt là công nghiệp sản xuất pin cần nâng tỷ lệ nội địa hóa lên tới 70-80%, hoặc thấp nhất cũng phải 50-60% thì giá xe điện mới đảm bảo phù hợp với người dùng.

Theo TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ năm ngoái, dư luận Việt Nam đã bàn đến chuyện hỗ trợ tiêu dùng xe điện trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã hỗ trợ tài chính cho người dân mua xe điện. 

Ông lấy ví dụ như ở Thái Lan, xe điện sản xuất trong nước được trợ giá 2.100-4.630 USD cho mỗi xe bán ra, ở Indonesia, mức trợ giá là khoảng 5.000 USD cho xe thuần điện và một nửa con số này cho xe hybrid.

Tại Việt Nam, Bộ GTVT đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người mua ôtô điện nhưng Bộ Tài chính đã không đồng ý với lý do ngân sách ưu tiên hỗ trợ người nghèo thay vì người thu nhập cao.

GS.TS Lê Anh Tuấn, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng nếu Việt Nam cũng tặng tiền cho người mua xe điện, chưa chắc đã hiệu quả cao.

“Chúng ta có thể tận dụng các nguồn vốn ưu đãi từ bên ngoài. Ví dụ như UNDP hỗ trợ thành phố Hà Nội, thì thành phố có thể dùng nguồn kinh phí này hỗ trợ cho chủ phương tiện thay vì dùng ngân sách”, GS.TS Lê Anh Tuấn nói.

Ông nhìn nhận: “Hiện nay chúng ta đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xe điện theo chỗ ngồi chỉ còn từ 1% (1/3/2022-28/2/2027), trong khi xe động cơ đốt trong vẫn đang giữ nguyên từ 15%-150%, hay miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm từ 2022. Tôi cho rằng đó là những chính sách hướng đến phát triển bền vững thay vì phát triển nóng”.

Để làm rõ hơn về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xe điện, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng thuế xuất nhập khẩu, Cục giám sát quản lý thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính, cho biết, tới đây Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ và Quốc hội để sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất pin, sản xuất xe điện sẽ được quan tâm đề cập.

“Hiện nay ngành pin ở Việt Nam cũng đang được ưu đãi, điển hình như nhà máy pin ở Hà Tĩnh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 9 năm tiếp theo. Thuế nhập khẩu cũng sẽ hướng đến điều chỉnh những mặt hàng nào trong nước chưa sản xuất được sẽ để ở mức thấp nhất 0%, những mặt hàng trong nước sản xuất được mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì cũng sẽ để mức thuế vừa phải”, bà Ngọc nói.

anh chup man hinh 2023 11 10 luc 090711.png
Việt Nam là một trong 147 quốc gia cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, và lộ trình sẽ bắt đầu từ 2025.

Cần bổ sung xe hybrid vào chiến lược điện khí hóa phương tiện

Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông VAMA nhận định, việc chuyển đổi sang xe điện cần được tiếp cận một cách cân bằng, phát triển hài hòa, tránh gây ra xáo trộn thị trường. Do đó, đại diện VAMA đề xuất bổ sung xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) thuộc đối tượng xe điện hóa nói chung và được hỗ trợ chính sách. Lý do bởi hai loại xe này đã được chứng minh là thân thiện với môi trường, giúp giảm phát thải khí nhà kính và đã sẵn sàng về mặt công nghệ.

VAMA cũng mong muốn được làm rõ khái niệm “năng lượng xanh”, bao gồm những loại năng lượng nào để từ đó có sự chuẩn bị phù hợp cho việc chuyển đổi.

Còn theo ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), việc phát triển các dòng xe điện hoá tại Việt Nam cần làm rõ 2 vấn đề chính.

Đầu tiên, các dòng xe điện hoá nào sẽ phù hợp Việt Nam trong từng giai đoạn của đất nước (thế giới đang có 4 dòng xe gồm hybrid, plug-in hybrid, thuần điện và pin nhiên liệu FCEV). Vì vậy cần đưa ra lộ trình dòng xe nào sẽ phù hợp để thay thế xe động cơ đốt trong trên cơ sở cam kết CoP26, cũng như thói quen tiêu dùng, mức thu nhập của người dân, hạ tầng trạm sạc.

Vấn đề thứ hai, trên cơ sở đánh giá, đưa ra lộ trình phù hợp để phát triển các dòng xe điện hoá như vậy thì cần chọn các chính sách trong từng thời kỳ sẽ ưu tiên về vấn đề nào. 

Bạn có bình luận thế nào về câu chuyện phát triển xe xanh tại Việt Nam? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Phát triển xe điện là con đường không thể thay đổi ở Việt NamMột loạt thương hiệu sở hữu ô tô như VinFast, Hyundai, Nissan, Audi, Mercedes-Benz, MG, Toyota, Lexus…bắt đầu đưa ô tô điện tiếp cận người Việt cho thấy xu hướng thay thế xe động cơ đốt trong là con đường đã định hình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *