Thông tin trên được một bệnh viện ở TPHCM cho biết trong chiều 13/3.
Theo đó, đại tá, phi công Nguyễn Thành T (77 tuổi) nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng lái máy bay F-5E ném bom Dinh Độc Lập, có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường nhiều năm.
Cách nhập viện 3 giờ, ông xuất hiện cơn đau ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, mệt lả, kiệt sức nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch cho biết, bệnh nhân có biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim cấp, đo điện tâm đồ thấy có ST chênh lên. Lập tức, bác sĩ sử dụng các loại thuốc đặc trị nhằm ổn định huyết động, nhịp tim, nâng huyết áp cho người bệnh.
Tiếp đến, phi công Nguyễn Thành T. được chỉ định chụp mạch vành. Kết quả cho thấy, động mạch liên thất trước hẹp khít 90%, động mạch vành phải tắc hoàn toàn.
Trước nguy cơ bệnh nhân có thể đột tử bất cứ lúc nào, ekip điều trị nhanh chóng can thiệp tái thông nhánh mạch vành phải nhằm giảm tổn thương cơ tim, ngăn biến chứng loạn nhịp tim, vỡ tim.
“Biến chứng nguy hiểm nhất có thể gặp trong quá trình làm thủ thuật là bệnh nhân bị block nhĩ thất gây chậm nhịp tim, tụt huyết áp. Vì thế, ekip đặt một đường dẫn tĩnh mạch đùi, phòng trường hợp xảy ra tình trạng trên sẽ có máy tạo nhịp tạm thời để tránh đột tử.
Ngoài ra, bác sĩ cũng chuẩn bị các loại thuốc giúp ổn định nhịp tim, nâng huyết áp. Nhờ đó, ca thủ thuật diễn tiến thuận lợi. Bệnh nhân đặt được 1 stent vào động mạch vành phải, tái tưới máu cho vùng cơ tim đang suy yếu”, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Văn Tuyến, Trung tâm Tim mạch nói.
Một ngày sau ca can thiệp, phi công Nguyễn Thành T. trở lại sinh hoạt bình thường, hết triệu chứng đau ngực, khó thở. Năm ngày sau, ca can thiệp thứ hai diễn ra, với mục tiêu nong động mạch bị hẹp khít nặng cho bệnh nhân.
Sau 2 cuộc can thiệp, sức khỏe ông T. dần hồi phục hoàn toàn, siêu âm tim thấy chức năng co bóp tốt. Ông được kê toa thuốc kháng kết tập tiểu cầu trong 12 tháng, để ngăn ngừa biến chứng huyết khối trong stent.