Quy mô dân số Việt Nam đạt hơn 100 triệu người, 68% ở độ tuổi lao động


Tối 9/12/2023, tại Hà Nội, Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Cục Dân số (Bộ Y tế), Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe người di cư tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Di cư.

Tại buổi lễ, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự cho biết, giai đoạn 2014-2022 đã có khoảng 50.000 người di cư thiệt mạng trên hành trình di cư kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 405 triệu người di cư giữa các nước.

“Chính chúng ta cũng đã nghe những câu chuyện đau lòng về công dân ta phải bỏ mạng trên đường tìm về nước để thoát khỏi cạm bẫy “việc nhẹ lương cao” ở nước ngoài cũng như nguy cơ bị mua bán.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường hơn nữa các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng di cư của các kênh không chính thức, hoạt động đưa người di cư trái phép, mua bán người, để di cư thực sự là lựa chọn, chứ không phải là sự cần thiết, để mỗi người di cư có hành trình di cư an toàn và hợp pháp” – bà Minh Giang chia sẻ.

Quy mô dân số Việt Nam đạt hơn 100 triệu người, 68% ở độ tuổi lao động - 1

Làn sóng dịch chuyển từ thành phố lớn về các vùng quê sau dịch Covid-19 tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Hải Long).

Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam cho biết, hiện nay, có khoảng 5,3 triệu người dân Việt Nam di cư và sinh sống tại nước ngoài, và con số thực tế có thể còn cao hơn như thế. Trong quá trình di cư, người di cư cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

“Để đảm bảo người di cư có thể tận dụng hết khả năng của họ, chúng ta cần có nhiều hơn nữa các hoạt động đối thoại và tham vấn, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các thách thức mà người lao động di cư yếu thế phải đối mặt” – bà Park Mihyung nhấn mạnh.

Theo bà Hoàng Thị Thơm, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Việt Nam với quy mô dân số hơn 100 triệu người, đang là một thị trường lớn hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào. Việt Nam cũng là nước xuất cư trên bản đồ di cư quốc tế.

Theo thống kê, dân số Việt Nam hiện nay hơn 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68% tổng dân số cả nước.

Thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận đó. Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường quản lý di cư, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.

Đặc biệt, chúng ta đã và đang triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó có Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc (gọi tắt là thỏa thuận GCM) và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác này.

Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 18/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Người Di cư nhằm ghi nhận những đóng góp của người di cư cho cộng đồng và kêu gọi các bên liên quan cùng nhau hỗ trợ, bảo vệ các quyền cơ bản của người di cư.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *