Số mắc, tử vong do sởi tăng trên toàn cầu và 2024 sẽ là năm đầy thách thức
Theo CBS news, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của bệnh sởi trên toàn thế giới, với hơn 306.000 trường hợp được báo cáo vào năm 2023, tăng 79% so với năm 2022.
Đặc biệt, trong năm 2023, thế giới chứng kiến số ca mắc sởi gia tăng mạnh ở khu vực châu Âu, khiến hàng triệu người gặp nguy hiểm. Điều đó cho thấy vấn đề cấp bách lúc này là cần ứng phó nhanh chóng.
Cụ thể, hơn 58.000 người ở 41 trong số 53 quốc gia thành viên trong khu vực – trải dài khắp châu Âu và Trung Á – mắc bệnh sởi, hàng nghìn người phải nhập viện và 10 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.
Đặc biệt, có đến gần một nửa số ca bệnh là ở trẻ dưới 5 tuổi. Điều này một lần nữa phản ánh tác động to lớn của đại dịch Covid-19 đối với các hệ thống y tế, bao gồm cả các dịch vụ tiêm chủng thông thường. Trẻ bị bỏ lỡ việc tiêm chủng định kỳ phòng bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác.
Chưa có bức tranh đầy đủ về số liệu tử vong do bệnh sởi, song cố vấn kỹ thuật của WHO TS Natasha Crowcroft cho biết: “Theo mô hình của chúng tôi, vào năm 2022, số ca tử vong tăng 43%, lên hơn 130.000 ca tử vong do bệnh sởi. Với số mắc ngày càng tăng, chúng tôi dự đoán số ca tử vong cũng tăng vào năm 2023”.
Theo chuyên gia này, năm 2024 sẽ là năm đầy thách thức.
Những con số mới nhất từ năm 2023 thể hiện sự gia tăng nhanh chóng so với 3 năm trước đó. Những nỗ lực bền vững rõ ràng là cần thiết để ngăn chặn các trường hợp mắc bệnh sởi tiếp tục gia tăng trong năm nay.
Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nói: “Mỗi cái chết liên quan đến bệnh sởi đều là một thảm kịch có thể tránh được vì đã có vaccine an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa căn bệnh này”, TS Kluge nói.
John Vertefeuille, Giám đốc Bộ phận Tiêm chủng Toàn cầu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ lưu ý trong tuyên bố của mình rằng sự gia tăng đáng lo ngại về dịch sởi và tử vong là “thật không may, không có gì bất ngờ khi tỷ lệ tiêm chủng giảm dần mà chúng ta đã thấy trong vài năm qua”.
WHO ước tính khoảng 61 triệu liều vaccine sởi đã bị bỏ lỡ hoặc trì hoãn vào năm 2021. Năm 2022, khoảng 83% trẻ em trên thế giới được tiêm một liều vaccine sởi trước ngày sinh nhật đầu tiên của chúng. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2008, khi đó tỷ lệ này cũng là 83%.
Cyndi Hatcher, người đứng đầu đơn vị loại trừ bệnh sởi ở khu vực châu Phi tại CDC Mỹ, cho biết: “Khi việc tiêm chủng bị gián đoạn, bệnh sởi sẽ luôn là một trong những dịch bệnh đầu tiên mà bạn thấy.”
Hatcher nói: “Tôi nghĩ rằng mọi người có thể đã quên mức độ nguy hiểm của bệnh sởi nếu họ chưa từng gặp các trường hợp mắc bệnh trước đây”.
Nhưng các chuyên gia y tế toàn cầu không quên và nhiều người dự đoán rằng dịch bệnh sẽ bùng phát.
Năm ngoái, một liên minh bao gồm Quỹ Bill & Melinda Gates và Liên minh vaccine Gavi đã phát động chiến dịch “The Big Catch-Up”, một nỗ lực nhằm đưa tỷ lệ tiêm chủng trở lại ít nhất là bằng mức trước đại dịch.
Kịch bản nào cho Việt Nam trong năm 2024?
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, trong năm 2023, bệnh sốt phát ban nghi sởi có tăng tại một số địa phương. Cả nước ghi nhận 393 trường hợp mắc, tăng 35 ca so với năm 2022.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, là bệnh lây lan rất nhanh. Người không có miễn dịch (không được tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi) mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi thì gần như đều bị lây. Người ta vẫn nói “đi qua đầu giường của bệnh nhân sởi cũng có thể bị lây”.
Bên cạnh đó, mọi người mắc sởi đều có triệu chứng, không như một số bệnh khác có người lành mang trùng.
Trong lịch sử, thế giới đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch sởi. Gần đây nhất là vào năm 2014, dịch bùng phát trên toàn thế giới và cả tại nước ta.
TS Phu đánh giá, trong năm 2024, nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nước ta là rất cao. Thứ nhất, trong thời gian dịch Covid-19, nhiều trẻ không được tiêm vaccine sởi.
Thứ 2, trong năm ngoái có những lúc chúng ta thiếu vaccine sởi cục bộ.
Thứ 3, dù chúng ta có đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao.
“Số trẻ không được bảo vệ bởi vaccine tăng dần qua các năm và thành một số lượng lớn, nên khi dịch xảy ra nguy cơ bùng phát là rất cao. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta hay nói 4-5 năm là 1 chu kỳ”, TS Phu phân tích.
Vì thế, theo ông, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.
“Còn việc tiêm vét đến tuổi nào, tiêm như thế nào phải dựa vào số lượng vaccine hiện có, khả năng triển khai của hệ thống, tiêm chiến dịch hay tiêm thường xuyên… Trong lịch sử chúng ta đã tổ chức chiến dịch tiêm vét sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến tận 14 tuổi”, TS Phu nói.
Chia sẻ với báo chí trước đó, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, chúng ta đã đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trên phạm vi toàn quốc đạt tỷ lệ cao, >95%. Bệnh sởi được khống chế và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2025.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều trẻ đã không được tiêm vaccine sởi (mặc dù vaccine sởi có thiếu nhưng chỉ thiếu rải rác).
Với bệnh sởi, chúng ta không nói mạnh được vì năm 2024 là năm nằm trong logic chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch sởi. Vì thế, chúng ta không được chủ quan
“Chúng ta đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi, số mắc sởi trên cả nước hiện rất thấp (thấp hơn những năm 2017-2019). Tuy nhiên với bệnh sởi, chúng ta không nói mạnh được vì năm 2024 là nằm trong logic chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch sởi. Vì thế, chúng ta không được chủ quan”, PGS Hồng nhấn mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (giãn cách xã hội) nên vào các năm 2021-2022 số mắc sởi giảm.
Ở miền Bắc, dịch sởi – rubella dễ bùng phát vào những tháng đầu năm 2024 ở miền Bắc. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có sởi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Vì thế, ngành y tế đặt ưu tiên trong quý I/2024, triển khai công tác tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ em đảm bảo an toàn tiêm chủng đặc biệt một số vaccine phòng chống dịch trong mùa đông xuân như sởi, rubella. Mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ 95%.Đồng thời, tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng.
Việt Nam phấn đấu loại trừ bệnh sởi vào năm 2025 (tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine sởi phải đạt trên 95%). Đây cũng là đích Việt Nam mong đạt từ lâu.
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ lây lan nhất
Với rất nhiều người Việt Nam, đợt dịch sởi bùng phát mạnh vào năm 2014 có lẽ là hồi ức khó quên. Có tới hơn 7.000 trẻ mắc bệnh trong trận dịch trên với hơn 100 ca tử vong. Nguyên nhân tái phát dịch là việc tiêm vaccine chưa được thực hiện đầy đủ.
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới. Nó cũng là bệnh dễ lây lan nhất và cũng là một trong những bệnh có thể phòng ngừa dễ dàng nhất hai liều vaccine khi còn nhỏ có khả năng bảo vệ 97%.
Trẻ em không tiêm vaccine đúng lịch có nguy cơ tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhất bị các biến chứng nặng bao gồm viêm phổi, viêm não và tử vong.
Nhiễm sởi cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể khiến hệ miễn dịch “quên” cách tự bảo vệ mình trước các bệnh nhiễm trùng thông thường khác, khiến trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương.
Bất kỳ người nào không có miễn dịch đều có thể bị nhiễm bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Virus vẫn hoạt động và lây lan trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm bệnh trong tối đa 2 giờ.
Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tất cả những người chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vaccine sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Sau khi mắc bệnh sởi tự nhiên sẽ được miễn dịch bền vững.
Phát ban nổi bật là triệu chứng dễ thấy nhất. Bệnh sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em nhỏ tuổi (<3 tuổi). Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phế quản phế, viêm tai, tiêu chảy. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng.
Trẻ em được sinh từ người mẹ trước đây đã bị bệnh sởi thì trẻ đó sẽ được miễn dịch thụ động do kháng thể mẹ truyền cho trong khoảng từ 6 đến 9 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Điều này tùy thuộc vào số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai và tỷ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ.
Lịch tiêm vaccine sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 2 liều, liều thứ nhất cần bắt đầu sớm ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.